Trong khi đó ông Đàm Xuân Thức là người bỏ tiền ra mua đất, trực tiếp cải tạo canh tác trên thửa đất đó lại không được chính quyền xem xét giải quyết cấp đất. Theo tìm hiểu của PLVN, ngay sau khi được phòng TN-MT huyện Hòn Đất xét giao lại 2ha (mặc dù chưa được cấp giấy CNQSDĐ) theo công văn số 75/UBND, ông Sỹ đã sang nhượng phần đất này cho người khác.
Hơn 10 năm nay ông Thức theo đuổi vụ kiện |
Đánh tráo phần đất
Năm 1992, vùng đất tại Kiên Bình- Sơn Kiên- Hòn Đất- Kiên Giang là đất phèn hoang hóa. ông Ngô Xuân Quang vào cải tạo và sử dụng diện tích 29.455 m2 để trồng dưa. Ngày 16/2/1992, ông Quang làm giấy sang nhượng phần đất mình đã cải tạo cho ông Đàm Xuân Thức ,ngụ phường Vĩnh Quang, Tp. Rạch Giá, Kiên Giang. Ông Thức ủy quyền cho bà Trần Thị Ba (mẹ ông Thức), ngụ xã Sơn Kiên- Hòn Đất đứng tên.
Giấy sang nhượng này có đầy đủ chữ ký của hai bên. Đồng thời có xác nhận của ông Phạm Xuân Trường - Trưởng ấp Kiên Bình thời điểm đó. Sau khi sang nhượng đất, ông Thức, bà Ba là người trực tiếp canh tác. Năm 1997, ông Vũ Đình Sỹ là cán bộ địa chính huyện Hòn Đất mang giấy CNQSDĐ số thửa 195A diện tích 30.000m2 cấp ngày 11/7/1994 cho bà Lê Thị Chu (vợ ông Sỹ) vào nhận phần đất bà Ba đang canh tác. Năm 2002, phát hiện ra số thửa 195A cấp cho bà Chu ở vị trí trên phần đất của mình, bà Ba làm đơn khiếu nại. Bà Ba mất, ủy quyền cho ông Thức tiếp tục theo đuổi vụ việc.
Thửa số 195A được tách ra từ thửa 195. Trên thực tế thửa đất xảy ra tranh chấp lại nằm cách thửa 195 (thể hiện trên sơ đồ gốc) 800m. Bản thân ông Sỹ thừa nhận việc làm gian dối của mình. Trong thư đề ngày 13/1/2002 gửi cho hai cán bộ địa chính xã Sơn Kiên, ông Sỹ đã thừa nhận: “ Trong khi làm giấy sơ suất ghi sai số thửa”.
Sự việc “đánh tráo” bị phát hiện, ngày 17/1/2002, ông Sỹ, bà Chu đã làm đơn đồng ý giao trả lại đất về cho chủ sở hữu. Trong đó nêu rõ: “ Gia đình chúng tôi thống nhất giao trả lại đất cũ cho bà Trần Thị Ba diện tích đất 26.070,8m2”. Đơn này có chữ ký của ông Sỹ, bà Chu, có xác nhận của chính quyền địa phương.Thế nhưng sau đó, lấy lý do ông Sỹ đang bị đi tù vì vi phạm quản lý đất, nên bà Chu không đồng ý trao trả lại đất mà vẫn tiếp tục cho người khác thuê.
Vụ việc được khởi kiện ra tòa án dân sự. Tại biên bản làm việc của TAND Hòn Đất ngày 10/8/2004 xác định: “ Trên sơ đồ gốc, mảnh đất mà bà Lê Thị Chu và Trần Thị Ba đang tranh chấp không thể hiện số thửa 195A”. Do phần đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên vụ việc được chuyển sang UBND cùng cấp giải quyết.
Ngày 22/3/2006, UBND huyện Hòn Đất ra quyết định 1637/QĐUB khẳng định: “ Việc ông Vũ Đình Sỹ cho rằng ông được cấp giấy CNQSDĐ tại khu vực đất bà Trần Thị Ba đang sản xuất và yêu cầu bà Ba giao lại diện tích 2ha là không phù hợp với quy định của pháp luật vì diện tích đất mà bà Lê Thị Chu được cấp nằm ở vị trí khác không phải vị trí đất bà Ba đang sản xuất”. UBND huyện quyết định giao diện tích 25.892,32m2 đất sản xuất nông nghiệp cho ông Nguyễn Văn Xệ (con bà Ba) quản lý và sử dụng.
Quyết định UBND tỉnh sai thực tế
Không đồng ý với quyết định 1637/QĐUB của UBND huyện Hòn Đất, ông Sỹ làm đơn khiếu nại. Ngày 10/9/2009, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định 2171/QĐUB giải quyết vụ việc. Nhưng quyết định này lại có nhiều điều khuất tất.
Thứ nhất, các bằng chứng của việc sang nhượng thành quả lao động giữa ông Ngô Xuân Quang và bà Trần Thị Ba diễn ra vào năm 1992 rất rõ ràng, do đó cần được xem xét giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật đối với đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993. Vậy mà không biết căn cứ vào đâu, trong quyết định 2171/QĐUB lại cho rằng việc sang nhượng đất diễn ra vào năm 1996?.
Chính vì căn cứ vào thông tin sai lệch nên UBND tỉnh đã kết luận: “ Đối với việc bà Trần Thị Ba sang nhượng diện tích 57.073,62m2 của ông Ngô Xuân Quang trong khi đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng không thông qua chính quyền địa phương là vi phạm Điều 6, Luật Đất Đai năm 1993; việc tranh chấp quyền sử dụng đất diện tích 25.892,32m2 là không có cơ sở để xem xét giải quyết”. Phải chăng UBND tỉnh đã cố tình ghi nhận sai thông tin nguồn gốc đất và thời hiệu văn bản pháp luật để giải quyết sai vụ việc?
Thứ hai, điều 1 của quyết định 2171/QĐUB khẳng định: “ Không thừa nhận nội dung giải quyết tại Quyết dịnh số 1637/QĐ-UBND ngày 23/3/2006 của Chủ tịch UBND Huyện Hòn đất vì không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai”. Thực chất ,UBND Huyện Hòn Đất ra quyết định 1637 là ngày 22/3/2006, chứ không phải ngày 23/3/2006 .Như vậy, cho đến nay quyết định 1637/QĐUB của UBND huyện Hòn Đất vẫn còn nguyên hiệu lực.
Thứ ba, trong quyết định 2171, UBND tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận: “Đối với diện tích đất 25.892,32m2 đất ông Vũ Đình Sỹ (vợ là bà Lê Thị Chu) sử dụng được cấp giấy CNQSDĐ nhưng trên thực tế không phải là phần đất này”. Điều kỳ lạ là sau đó trong công văn số 75/UBND-NCPC ngày 28/1/2011 của UBND Tỉnh Kiên Giang giải thích việc khiếu nại quyết định 2171 lại khéo léo “thòng thêm” vào câu cuối: “giao cho UBND huyện Hòn Đất xem xét hoàn cảnh sinh sống của gia đình ông Nguyễn Văn Xệ và ông Vũ Đình Sỹ để giải quyết cấp lại đất theo quy định về đất đai”.
Trong khi đó ông Đàm Xuân Thức là người bỏ tiền ra mua đất, trực tiếp cải tạo canh tác trên thửa đất đó lại không được chính quyền xem xét giải quyết cấp đất. Theo tìm hiểu của PLVN, ngay sau khi được phòng TN-MT huyện Hòn Đất xét giao lại 2ha (mặc dù chưa được cấp giấy CNQSDĐ) theo công văn số 75/UBND, ông Sỹ đã sang nhượng phần đất này cho người khác.
Dư luận cho rằng, trong thời gian làm cán bộ địa chính, ông Sỹ đã xét cấp đất cho nhiều cán bộ tỉnh Kiên Giang. Phải chăng vì thế mà hành vi sai phạm “rõ như ban ngày” của ông Sỹ vẫn được chính quyền tỉnh cố ý “lách luật” làm ngơ? Thiết nghĩ, UBND tỉnh Kiên Giang nên xem xét lại quyết định này để giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân.
Quang Toản