Bất đắc dĩ mới khóa cửa
Sáng ngày 13/7/2016 lực lượng thi hành án huyện Gia Bình, Bắc Ninh tiến hành phương án cưỡng chế gia đình ông Khoa ra khỏi ngôi nhà ba tầng. Do căn nhà đã cài then, chốt cửa, lực lượng thi hành án phải sử dụng biện pháp phá khóa .
Khung cảnh trở nên hỗn loạn hơn, khi một số người dân (trong đó có cả họ hàng của ông Khoa) không đã xông vào che cánh cửa, ngăn cản lực lượng thi hành án chấp pháp. Một người phụ nữ chạc tuổi tứ tuần, hớt hải kêu: “Vợ ông Khoa đang bị trầm cảm dễ nhảy lầu tự sát. Mọi người đừng làm vậy, đừng căng thẳng nữa”.
Ở bên ngoài cánh cửa, một cô gái độ 20 tuổi, gào thét, giằng co với lực lượng thi hành án, lấy thân mình che cánh cửa. Theo người dân địa phương, cô gái đó là H, cháu gái của ông Khoa. Cô H đang là sinh viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
H khóc lớn và thắc mắc: “Tại sao lại công nhận một chữ ký của người mất quyền công dân. Các chú giải thích đi… rồi chúng tôi sẽ đi khỏi ngôi nhà này”. Đáp lại lời H, một cán bộ thi hành án giải thích: “Chúng tôi đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của thi hành án. Đề nghị cô và các thành viên trong gia đình tuân thủ quy định của pháp luật”.
Khi chiếc khóa đầu tiên rơi xuống cũng là lúc con đường làng phủ kín người. Đáng lưu ý, hầu hết người dân có mặt tại buổi cưỡng chế đều tỏ ra ngán ngẩm, không đồng tình với quyết định của tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Một người dân trong đám đông bức xúc nói: “Tôi không hiểu tại sao tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh lại đưa ra phán quyết như vậy. Họ công nhận một chữ ký của một người mất quyền công dân để gán nợ cho một kẻ kinh doanh vay nặng lãi. Để rồi giờ đây, xảy ra cảnh ba ông cháu ra bị tống ngoài đường. Thử hỏi rằng một ông già đã 70 tuổi, nuôi một người vợ bị tâm thần và ba đứa cháu đang đi học đã là gian nan lắm rồi, giờ mất đi chỗ trú mưa, trú nắng thì họ sao mà sống nổi”.
Theo ông Khoa, đây là lần cưỡng chế thứ ba mà lực lượng thi hành án tiến hành. “Tôi hiểu rằng lực lượng thi hành án đang thực hiện quyết định tống đạt của tòa án, thực hiện cưỡng chế theo quy trình của pháp luật. Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải đóng cửa thật chặt không cho lực lượng thi hành án vào nhà. Bởi, ra khỏi nhà, tôi và các cháu không biết đi đâu nữa.
Hơn nữa, chúng tôi không phục quyết định của tòa án, bởi chúng tôi đâu có sai. Thà chúng tôi sai chúng tôi sẽ chấp nhận, cam chịu bước ra khỏi nhà. Nhưng không phải việc tôi và các cháu gây ra, cớ sao bắt chúng tôi chịu”, ông Khoa bức xúc.
Sự tắc trách của UBND xã và âm mưu của cô con dâu
Theo đơn kêu cứu của gia đình ông Khoa gửi đến các cơ quan chức năng, bản án số 26/2015/DSPT ngày 23/4/2015 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Ninh là nguồn cơn tạo nên sự việc vừa nêu trên.
Theo đó, sự việc bắt nguồn từ năm 2010, khi Nguyễn Thị Hà Minh (con dâu ông Khoa) và mẹ đẻ là bà Bạch Thị Tỵ vay tiền để chi tiêu cá nhân từ vợ chồng anh Nguyễn Bá Thịnh, chị Kim Thị Lành với số tiền lên tới trên 900 triệu đồng.
Không có khả năng trả món nợ này nên Nguyễn Thị Hà Minh đã tự ý mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà chồng với ngôi nhà 3 tầng, diện tích 56 m2 tại thôn Nhân Hữu (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) “cắm” cho Thịnh để “gạt nợ”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Khoa, nhà và đất đó đã được vợ chồng con trai ông là Nguyễn Đăng Thoảng và Nguyễn Thị Hà Minh bán lại cho anh Trần Thế Nam (SN: 1971, trú cùng địa chỉ, con rể ông Khoa) từ năm 2005, dưới sự xác nhận của UBND xã Nhân Thắng.
Theo trình bày của anh Thịnh (nguyên đơn) tại tòa, nhà đất đang tranh chấp được anh mua của vợ chồng Thoảng - Minh từ năm 2008, sau đó đến ngày 24/12/2010 mới làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Một người dân tỏ ra bức xúc khi tòa án ra bản án không có tình có lý để xảy ra vụ cưỡng chế đẫm nước mắt như vậy |
Đáng nói là hợp đồng chuyển nhượng này chỉ dựa vào văn bản ủy quyền ngày 22/12/2010 của anh Nguyễn Đăng Thoảng (hiện đang thi hành án tại Trại giam Phú Sơn 4) cho vợ là chị Hà Minh chuyển nhượng nhà đất, có xác nhận của một cán bộ trại giam Phú Sơn, được Văn phòng công chứng Thăng Long tại huyện Gia Bình chứng thực.
Ngày 07/01/2011, nhận thấy con dâu có dấu hiệu bất thường, gia đình ông Khoa đã liên hệ với anh Thoảng và lên Trại giam Phú Sơn 4 để thông báo cho Thoảng biết nội dung sự việc. Tại đây, anh Thoảng lý giải, do không hiểu biết nên thấy vợ nói ủy quyền để quản lý nhà, đất chứ không có ý định ủy quyền cho Hà Minh bán nhà, đất mà thực tế là đã bán cho gia đình anh rể là Trần Thế Nam.
Mặt khác, UBND huyện Gia Bình chỉ căn cứ vào giấy ủy quyền đó mà không xem xét thực tế nhà đất đó ai đang quản lý sử dụng; có quan hệ mua bán trước đó chưa; có tranh chấp hay không… đã vội vàng chuyển “quyền sử dụng đất” cho anh Thịnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hoằng, nguyên cán bộ địa chính xã Nhân Thắng nói: “Năm 2005, tôi đang là cán bộ địa chính, đã ký xác nhận hợp đồng chuyển nhượng đất của gia đình anh Thoảng bán lại cho gia đình anh Nam, chị Thoa.
Tôi cũng đã lưu lại một bản Hợp đồng chuyển nhượng của cả vợ chồng hai bên cùng ký. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao đến năm 2012, anh Thoảng lại có thể chuyển nhượng được cho anh Thịnh, như vậy là trái với quy định của pháp luật”.
Chưa đúng với quy định của pháp luật?
Nhận định về vụ án dân sự này, luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải và cộng sự cho biết: “Thời điểm TAND huyện Gia Bình thụ lý và giải quyết việc dân sự yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản cho anh Thịnh, chị Lành thì vụ việc tranh chấp đã được nhiều cơ quan giải quyết như Công an huyện Gia Bình, UBND huyện Gia Bình. Nhưng trong Quyết định giải quyết việc dân sự số 01 ngày 05/11/2012 lại ghi nhà đất các bên không có tranh chấp.
Đến khi lên cấp phúc thẩm ở TAND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ căn cứ vào giấy tờ mà không xem xét thực tế nhà đất đó ai đang quản lý sử dụng, nên đây là vụ tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự chứ không phải là việc dân sự yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản theo khoản 7, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự”.
Đồng thời, luật sư Hải nhấn mạnh: “Hợp đồng chuyển nhượng nêu trên căn cứ vào Văn bản ủy quyền ngày 22/12/2010 của ông Nguyễn Đăng Thoảng cho bà Nguyễn Thị Hà Minh chuyển nhượng nhà đất có xác nhận của thượng tá Nguyễn Văn Luyến - Phó Giám thị trại giam Phú Sơn 4 là không có giá trị pháp lý.
Vì theo Nghị định 60 ngày 16/ 09/ 1993 của Chính Phủ hướng dẫn về quy chế trại giam, tại Điều 5 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Giám thị trại giam thì không có quy định nào về việc cho phép Giám thị trại giam có quyền xác nhận văn bản ủy quyền cho phạm nhân.
Như vậy, tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh vẫn cương quyết đưa ra bản án, quyền sở hữu ngôi nhà 3 tầng cho hộ nhà ông Thịnh là chưa đúng với quy định của pháp luật”.