“Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có chở những bảo vật Viện Bảo tàng Sài Gòn và Huế ra ngoại quốc?
Dư luận đồn rằng: Chuyến bay Suissair 747 năm 1973 do Hoàng Đức Nhã bí mật thuê bao từ Singapore đến Sài Gòn đi Thụy Sĩ, chở vàng và bảo vật cho Nguyễn Văn Thiệu đem ra khỏi Việt Nam.
Tôi không rõ sau chuyến bay đó ai đã tung tin ra cho báo chí và các phe đối lập làm rùm beng ra, có lắm điều đúng sự thật mà cũng có điều sai.
Tôi không khi nào có cộng sự mật thiết với Nguyễn Văn Thiệu. Tôi cũng không phải là dân biểu gia nô, mà cũng không phải là dân biểu đối lập, bởi lẽ rất dễ hiểu, nhìn lại quá khứ xem gương ông Nguyễn Văn Bửu đã cộng tác với Tổng thống Ngô Đình Diệm, rồi sau đó việc gì đã xảy ra cho ông Nguyễn Văn Bửu, thì rõ. Sống dưới một triều đại độc tài, thì việc gì cũng có thể xảy ra cho mình được cả.
Tôi cũng đã từ chối làm Phụ tá chính cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi ông phụ tá Nguyễn Cao Thăng chết, chức vụ này đã bỏ ngỏ rất lâu, vì chờ đợi kết qủa thuyết phục tôi, mà chẳng những đã nhiều lần tôi từ chối thẳng với Nguyễn Văn Thiệu, mà còn nói rõ với các bạn bè cùng các thân cận với tôi và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Tôi từ chối vì không phải là sở thích của tôi, và cũng bởi lẽ tôi hiểu trong thâm tâm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, không tin gì tôi, mà mời tôi làm phụ tá chỉ là một thủ đoạn gài tôi kẹt với ông ta để kìm giữ tôi hầu làm tôi mất uy tín, mà bản chất của Tổng thống Thiệu là ganh tị và nghi ngờ với mọi người.
Sau khi tôi bị Thiệu ra lệnh trực tiếp cho cảnh sát bắt có nhiều nguồn dư luận được tung ra:
1. Chuyến máy bay năm 1973, trước khi tôi bị bắt, tôi đã đem vàng, tiền và bảo vật của Tổng thống Thiệu ra ngoại quốc. Nhân dịp này tôi lấy bớt 2 triệu đô la làm của riêng nên bị bắt.
2. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thất bại, trong việc ngăn chặn tôi bành trướng thế lực, khi ra ứng cử Dân biểu và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công kỹ nghệ Việt Nam, nên bị bắt.
3. Ông Thiệu muốn mua cổ phần Tín Nghĩa Ngân Hàng, bị tôi từ chối mất mặt, và vì vậy mà không kìm chế, kiểm soát được tài chính nên cho bắt tôi vì sợ tôi hỗ trợ cho đối lập.
4. Tổng thống Thiệu sợ tôi ra liên danh ứng cử chức vụ Tổng thống nên bị bắt.
5. Đi hành quân bắt gặp nhiều tiền quốc gia, có nhãn của Tín Nghĩa Ngân Hàng ghim trên các xấp bạc nên bị bắt.
6. Vì tôi từ chối chức phụ tá chính trị để làm kinh tài bán bạch phiến của ông ta, nên bị bắt.
7. Thiệu được “mật tin”: Tín Nghĩa Ngân Hàng bí mật giữ tiền của các tướng lãnh đem gửi để làm mật quỹ đảo chính, nên lừa cho tôi đi vắng mới ra lệnh trực tiếp cho cảnh sát đột kích bất ngờ Tín Nghĩa Ngân Hàng lục soát, để tôi và các tướng lãnh không thể trở tay kịp…
Dầu rằng sau đó, xét không thấy bằng cớ nào, nhưng đã lỡ tay Thiệu ra lệnh, đã lỡ thì làm luôn, đóng cửa phao truyền bôi lọ, bắt giam tôi và các thân nhân cũng như các cộng sự viên, y hệt như một bạo chúa thời thượng cổ “tru di tam tộc” vậy, cốt để khép miệng”.
Sự thật theo tôi biết, sau chuyến công du thất bại, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về đến Sài Gòn thì ra lệnh cho Hoàng Đức Nhã lập tức đi Singapore liền ngay ngày hôm sau để thương lượng mướn riêng một chiếc máy bay Suissair bay đặc biệt đến Sài Gòn mà không dám dùng máy bay Air Việt Nam.
Vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu |
Để ngụy trang máy bay hành khách mà chở toàn là hàng hoá, nên Thiệu nghĩ ra một cách che đậy dư luận, cho thành lập một phái đoàn bí mật âm thầm sang Âu Châu “giải độc dư luận Âu Châu” do Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã cầm đầu, trong đó có tôi.
Sang nước ngoài, 67 thùng hàng được phơi bày trước mặt mọi người, lúc đó không ai bảo ai, đều nhìn các thùng hàng mà mỗi người đều nghĩ mỗi cách… cho đến khi Hoàng Đức Nhã trình chứng thư ngoại giao để được thông qua quan thuế.
Sau đó có một dạo báo chí và dư luận làm rùm beng rằng: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chở 14 vàng đem ra ngoại quốc làm của riêng, gồm vàng lá Kim Thành và bảo vật của hai viện Bảo tàng Sài Gòn – Huế và cổ vật Khơ Me.
Trong dịp này tôi có mời bà Nguyễn Văn Thiệu và Hoàng Đức Nhã dùng cơm và xem hát với tôi. Tôi đến biệt thự của bà Thiệu lúc 19h tối trước giờ dự định 20h, tôi được tiếp tại phòng khách, bàn ghế rất sang trọng.
Trong lúc tôi chờ bà thay y phục, tôi nhìn ra sân cỏ rộng lớn, có trồng kỳ hoa dị thảo chen lẫn các cây tùng, cây liễu cắt tỉa tuyệt đẹp, tôi vốn thích hoa, nên tôi bước ra ngoài để ngắm xem xay mê vô tình tôi đi lần đến phía garage mà tôi không hay biết vì ranh giới sân cỏ với garage được che dưới một hàng dương liễu công phu hớt cắt tuyệt đẹp.
Tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang mở các thùng ra. Tôi thấy vô số đồ cổ chất đầy garage, tôi rất thích sưu tầm đồ cổ, nên tự nhiên tôi bước vào xem. Tôi tối mắt, thấy các đồ của bảo tàng Viện bảo tàng Sài Gòn – Huế, các đồ cổ Khơ Me và các đồ sứ của tư nhân mà tôi có dịp biết qua.
Tôi không rõ tại sao khi người mở thùng thấy tôi, họ lại tự nhiên nói cho tôi biết: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tìm cách gom góp các cổ vật cho mang đi ngoại quốc, để bảo vệ cho quốc gia vì ông Thiệu muốn noi gương Tưởng Giới Thạch, nên Đài Loan mới có một bảo tàng viện phong phú như vậy”.
Sau này tôi được biết, việc lấy bảo vật ở các Viện bảo tàng Sài Gòn – Huế, vì sợ bị đổ bể, Tổng thống Thiệu cho thay thế vào đó, những bảo vật giả tạo để qua mắt dân chúng.
Người làm giả sau này bị bắt, vì bán đồ giả cho người ngoại quốc nên tên này (Hoàng Văn Liệt) nói rõ như trên, nên được Tổng thống Thiệu bao che khi y bị bắt, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho đại tá Phạm Kim Quý xếp hồ sơ, mà tôi được y cho biết như vậy tại Sài Gòn, năm 1975.
Tôi mải mê mẩn lo xem, cho đến khi bà Thiệu và Hoàng Đức Nhã đi tìm tôi, mời tôi trở lại trong phòng khách bằng lối đi phía trong. Đi ngang qua phòng ăn, tôi thấy vô số bao nhãn hiệu vàng lá Kim Thành gỡ bỏ trên bàn ăn chưa kịp dẹp bỏ.
Trong bữa cơm, bà Nguyễn Văn Thiệu cũng như Hoàng Đức Nhã cho tôi biết: “Đồ cổ mà anh vừa thấy là của Hồng Kông chứ không phải của Việt Nam, nay chỉ có anh thấy, xin anh kín miệng giùm kẻo thiên hạ sẽ xuyên tạc Tổng thống.”
Tôi trên tư thế không phải là Dân biểu gia nô, mà cũng không phải là Dân biểu đối lập, và cũng vì tôi thấy gương của ông Nguyễn Văn Bửu, đã hợp tác với Tổng thống Ngô Đình Diệm mà bị tịch thu hết tài sản, ví như người có tóc dài rất dễ cho người ta nắm lấy.
Nên sau chuyến đi đó, dù tôi biết rõ nhưng tôi vẫn nín, câm như miệng hến để được yên thân, hầu tiếp tục con đường kinh doanh của mình, nhưng sống dưới một triều đại độc tài thì việc phải đến đã đến với tôi…
Tôi đã bị bắt, gia đình tôi và bên vợ tôi đều bị bắt, các cộng sự viên cao cấp cũng bị bắt, Tín Nghĩa Ngân Hàng bị đóng cửa, tất cả hành động phi pháp độc tài, độc đoán, không qua một thủ tục hành chính hoặc tư pháp nào cả, mà Tổng thống Thiệu ra khẩu lệnh thẳng cho cảnh sát hành động.
Tóm lại, chuyến chở vàng và cổ vật này những người khác được mời đi trên chuyến bay chẳng những vô tình bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt làm bình phong che đậy cho y, như vật tế thần, mà tôi là một nạn nhân nặng ký nhất.
(Còn tiếp)