Thấy ngay kẽ hở đó, một lần hở, hai lần, rồi nhiều lần tái diễn… Tôi lờ đi mặc họ làm bừa, mặc họ làm mưa, làm gió… Rồi tôi xuất chiêu trúng ngay yếu huyệt. Tôi hoàn thành hồ sơ thật hoàn tất. Tôi đưa vụ việc ra tòa án xin kiện nhân viên chính phủ hà hiếp, bắt đóng phạt những khoản thuế phi lý, phạt vạ khi tôi không có lỗi lầm. Chỉ đánh một chiêu của người tự vệ, nhưng đánh trúng yếu huyệt của đối thủ. Tòa án xử tôi thắng tất cả các hồ sơ thuế và phạt”.
1. Trước khi nói sâu hơn về vụ việc “đánh trận” với nhân viên công quyền lạm quyền, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời hồi ức lại chuyện xuất ngoại học nghề:
“Tôi tìm hiểu nhận thấy rằng muốn thành công trong mỹ nghệ, ngoài sáng kiến, tiền vốn, máy móc và nguyên liệu tốt, còn phải có khả năng chuyên môn cao.
Tôi quyết định xuất ngoại để học nghề làm gạch. Ý tưởng xuất ngoại du học đó làm cho nhiều người mỉm cười ngạo nghễ. Người ta xuất ngoại thường với mục đích to lớn là thành đạt về làm quan, có quyền cao chức trọng. Không có ai đi du học để học nghề làm gạch.
Nhận thấy là mục tiêu phải đạt tới của đời tôi vì tôi ý thức được câu “Nhứt nghệ tinh, nhất thân vinh”, tôi đến Guillon Barthelemy, tại Pháp để trao đổi nghề nghiệp.
Khi trở về, áp dụng những điều học hỏi được, tôi cải tiến phương pháp làm việc, cải tổ hệ thống tổ chức, phân công hợp lý. Cải tiến kỹ thuật để sản phẩm có phẩm chất cao. Hạ giá bán để nhắm số khách hàng đông. Tôi lập ra toán lợp ngói, lót gạch vừa để giành mối vừa để giữ gìn phẩm chất của sản phẩm.
Tỷ phú Đời kiếm bộn tiền nhờ hoạt động xây dựng. Một căn nhà đang xây trên đường Hàm Nghi (Sài Gòn) khoảng 1968. |
Đáp đúng nhu cầu của khách hàng, tôi tiến lên vùn vụt, càng ngày càng phát đạt, bỏ xa các đồng nghiệp. Tôi tìm cách dời xưởng về Sài Gòn. Tìm được miếng đất gần cầu chữ Y, rất tiện việc vận chuyển. Tôi mướn văn phòng số 187 Phạm Ngũ Lão là nhà nhạc gia tôi bấy giờ. Nhạc gia tôi là ông Nguyễn Văn Dược. Trước đây khi làm nghề môi giới, coi ông như bạn hữu, ông gọi tôi là “thầy hai”, còn tôi gọi ông là “ông Bảy” vì ông là thứ bảy.
Bản tính tôi rất nghiêm nghị trong cử chỉ, từ lời nói đến việc làm mà không bao giờ trêu ghẹo một ai, lần lần tôi được cảm tình của gia đình của ông Bảy. Gia đình nhạc gia tôi có 7 gái, 3 trai. Tôi được mời ở lại dùng cơm trưa. Khi xưởng máy, văn phòng đã dọn đi, tôi vẫn ở và dọn nhà dưới sạch sẽ, anh em công nhân ở nhà dưới, tôi ở trên lầu, tất cả đều hưởng sự rộng rãi mát mẻ.
Lúc ấy, tôi quen với một cô gái. Cô làm việc ở Sài Gòn, tối về ở chung cho có bạn. Bất ngờ má tôi và em gái lên thăm nên biết được sự việc. Má tôi tỏ ý không bằng lòng, bà cho biết là bà lên lần này để lo kiếm vợ cho tôi. Sau đó vì duyên trời định, tôi đã kết hôn với con gái ông Bảy.
2. Đến năm 1951, nhạc gia tôi cho biết ông có hùn với ông Võ Văn Trọng ở đường Huỳnh Quang Tiên Sài Gòn, mướn một miếng đất của công sản quốc gia một năm tái gian hạn, gần hết hạn mà chẳng làm gì cả. Tôi xem đất và bằng lòng.
Khi ấy tôi đang làm ăn suôn sẻ, mọi việc đều trong chiều hướng đi lên. Phần mới lấy vợ, tiền tài, hạnh phúc hoàn toàn mọi mặt.
Nhưng đời người cũng như con sông, có khúc thẳng khúc quanh. Chấp thuận thuê lại miếng đất mang lại những tai họa triền miên. Việc đầu tiên, mướn vẽ sơ đồ (plan) xây cất hãng gạch Đời Tân, số 927 đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn, vẽ xong bắt đầu khởi công xây cất. Xây xong, nhìn tác phẩm hoàn thành, tôi hoan hỉ vì đã đổ vào đó nhiều công khổ nhọc.
Muốn có đủ tiền xây cất, vợ chồng tôi phải tự gây hụi. Nhờ ông bà nhạc kêu thêm hụi. Tôi chạy xong tôi sung sướng thở phào.
Tiếc thay, đó chỉ là những niềm vui qua mau, thật mau… Rồi tôi bị đập đầu một nhát trời giáng. Nha công sản quốc gia cho biết, miếng đất mà tôi thuê và xây cất đó, sẽ không được gia hạn. Vì cần thâu hồi để dùng vào việc công ích quốc gia?
Tin này đã làm tôi chấn động toàn thân và thấu đến tâm can… Ba tháng trước khi xây cất, tôi đã mang sơ đồ lên xin sự ưng thuận cho xây cất bằng vật liệu nặng, nếu định thâu hồi, sao lại ký ưng thuận, và cũng có nghĩa bằng lòng cho mướn lâu dài chứ còn gì nữa?
Trên đời này, nhiều chuyện làm mình phát điên, thấy mình phải 100%, nhưng sao chân tay như bị trói buộc rồi, anh hùng mạt lộ, phản ứng không khéo thì thua vẫn hoàn thua, khuynh gia bại sản, mà còn phát điên lên nữa…
Khu vực cầu chứ Y khoảng 1960, nơi ông Đời thuê lại khu đất của Nha công sản quốc gia |
Thấy cơ nghiệp sắp sụp đổ trước mắt, tôi nghĩ có hét to bao nhiêu cũng không thể thấu trời. Chỉ còn một nước là phải nhỏ nhẹ, đối phó một cách nhẹ nhàng. Tôi nghĩ đến giải pháp điều đình “mất”, đến trụ sở Nha công sản ở đường Tự Do, cũng chung với nha Trước bạ, xin gặp ông Chủ sự Bằng. Sau một lúc nói vòng vo tam quốc, tôi vô đề. Ông Chủ sự Bằng trả lời lơ lửng con cá vàng, để cho ai muốn hiểu sao thì hiểu: “Chính phủ có thể dùng miếng đất ấy… mà cũng có khi có thể đổi ý…”.
Tôi năn nỉ: Ông làm ơn tìm cách cho chính phủ đổi ý, sẽ đền ơn ông 3 tháng tiền thuê đất. Ông bằng lòng, tôi y lời. Tưởng như vậy là xong, nhưng một tháng sau ông Chủ sự cho hay là ông bằng lòng, nhưng cấp trên lại không chịu.
Khi một viên chức nói chuyện với mình mà nhân danh chính phủ, họ có tất cả những lá bài tốt trong tay, chẳng làm sao hơn, vì số phận của mình nằm trong tay người ta…
3. Thất vọng và buồn chán, tôi bỏ ra Vũng Tàu nghỉ. Tôi không nhớ, có ông thầy tử vi nào nói số tôi lúc này có “quý nhân phù trợ” hay không, nhưng lần đó, chính quý nhân như một định mệnh, bỗng hiện ra kéo tôi ra khỏi sa lầy nghẹn thở.
Quý nhân đó là luật sư Phạm Thọ Hòa, em của bác sĩ Phan Tấn Thiệt, bạn học cũ của tôi, người cùng tỉnh Long Xuyên, vì tắm ở bãi trước nên mới gặp được nhau. Hai chúng tôi ngồi trên bãi biển, tâm sự cuộc đời nổi trôi cho nhau nghe.
Lấy chuyện buồn hiện tại mà than thở với bạn tôi, chuyện mắc kẹt miếng đất… Bạn tôi vui vẻ hứa nghĩ cách giúp tôi. Mà luật sư Hòa giúp tôi thật, khi về đến Sài Gòn, anh mang việc này nói với nha công sản quốc gia, trước bạ là ông Hồ Văn Láng.
Ông Giám đốc Láng là người rất thanh liêm, tu hành. Ông nghe chuyện xong, nói với luật sư Hòa: Mời tôi lên Nha công sản để cùng ông và các nhân viên họp bàn. Tôi cảm thấy e ngại nên bạn tôi phải khuyến khích mãi, mới dám bằng lòng.
Tôi có nhiều lý do để nghi ngại, vì luật sư Hòa kể hết chuyện cho ông Giám đốc nghe rồi. Trong đó, có “câu chuyện mật” với ông chủ sự. Mà lại cho hai người gặp mặt nhau, tránh sao khỏi những giờ phút nặng nề, khó thở…
Nhưng biết làm sao, không đi thì tự buộc mình tội nói láo, thua là cái chắc.
Đến ngày họp, tôi ngồi đối diện với ông Chủ sự Bằng. Người cất tiếng đầu tiên là ông Giám đốc Láng, ông thuật lại sự tiết lộ của luật sư Hòa. Mọi người đều im phăng phắc, không ai nói câu gì, thật đúng là sự im lặng nghẹt thở.
Ông Giám đốc để sự im lặng kéo dài mấy phút, rồi cất tiếng hỏi: “Ông Nguyễn Tấn Đời, yêu cầu cho biết mọi việc có đúng như thế không?”. Tôi xác nhận việc ông Chủ sự cho biết sự thâu hồi lại miếng đất trong tình trạng lơ lửng và cuộc dàn xếp “mật” giữa chúng tôi. Và cũng minh định, không bao giờ có ý hại ai, chỉ vô tình than thở với bạn bè nên vỡ lẽ ra mà thôi.
Sau phiên họp đầu đầy căng thẳng, kết quả ban ra hai điểm:
Thứ nhất, ông Chủ sự Bằng bị đổi đi Bến Tre.
Thứ hai, về phần tôi, miếng đất không gia hạn, mà cũng không đuổi, tình trạng bỏ ngỏ, từ lơ lửng con cá vàng, lại trở về tình trạng con cá vàng lửng lơ.
4. Thoạt đầu, tưởng dù sao cũng tạm yên, mình có thời gian để tính. Nhưng thường thường cuộc đời có những “luật giang hồ” của nó, mà luật pháp không bao giờ biết nổi.
Các công ty của ông Đời từ những năm 1960 đã tấp nập giao thương với nhiều quốc gia |
Bạn bè của ông Bằng mở ra chiến thuật rỉ tai, là tôi làm ăn không đàng hoàng, chơi phản phé, không như các thương gia khác…
Dư luận vô hình có sức mạnh rất đáng ngại. Nó siết tôi nghẹt thở, tôi phải vùng vẫy, chống đỡ thật khổ, vì tôi đứng chình ình ra đó, còn vòng vây dư luận thì mơ hồ, vô hình dáng. Nó đánh ta thì chúng đánh mọi chỗ, bất kể đầu ngực, chân tay… Còn ta phản ứng lại, như đấm vào không khí.
Rồi ông Giám đốc Láng đổi đi nơi khác. Đúng thế, ông Giám đốc đi. Trên cõi đời này chẳng có gì là vĩnh viễn. Chỗ ngồi của một người công chức cũng vậy. Ông Giám đốc mới đến nghe theo những cấp dưới trong sở, thân với ông Bằng, kéo ông trở lại chức vụ cũ. Từ đó họ “hợp lại làm thịt tôi”.
Thật thế, như cá nằm trên thớt, biết thân phận, tình ngay lý gian… Phạt vạ lớn chưa nạp xong, lại với phạt nhỏ. Thêm thuế này chưa hết, lại có thuế khác.
Tôi lâm vào tình trạng điêu đứng, bị đập tả tơi. Không còn tinh thần làm ăn nữa, tối ngày chỉ lo đỡ đòn, không còn biện pháp nào hơn là năn nỉ. Họ cười vui, đập tôi, tôi vẫn cúi đầu chấp nhận những miếng đòn, mà vẫn nài nỉ.
Dần dần họ coi tôi như một thằng “ngốc”, muốn đập gì cũng phải chịu, muốn phạt gì cũng nộp, không kêu ca một tiếng. Say men chiến thắng, họ làm đủ chuyện sai luật lệ rõ ràng. Thấy ngay kẽ hở đó, một lần hở, hai lần, rồi nhiều lần tái diễn…
Tôi lờ đi mặc họ làm bừa, mặc họ làm mưa, làm gió…
Tôi âm thầm hoàn thành hồ sơ thật hoàn tất. Tôi xuất chiêu, đưa nội vụ ra tòa án xin kiện nhân viên chính phủ hà hiếp, bắt đóng phạt những khoản thuế phi lý, phạt vạ khi tôi không có lỗi lầm.
Chỉ đánh một chiêu của người tự vệ. Đánh trúng yếu huyệt của đối thủ. Tòa án xử tôi thắng tất cả các hồ sơ thuế và phạt.
5. Sau sự việc này, tôi được yên ổn mở rộng các ngành kinh doanh. Năm 1952, tôi sang Hồng Kông mở rộng địa bàn hoạt động về “chuyển ngân” tam giác Sài Gòn – Paris - Hồng Kông, đồng thời cũng thương lượng nhập cảng lưới cá từ Nhật sang Hồng Kông, rồi xin giấy xuất xứ (certificat dorigine) sang Sài Gòn với mục đích lấy ngoại tệ.
Xuất cảng gạo tấm sang Hồng Kông, Singapour.
Sang Pháp, lập công ty hãng Constructions Metalliques.
Thương xá Tax 1966 |
Năm 1953, lập công ty quảng cáo vẽ bảng hiệu và cắm bảng hiệu cho thuê, cạnh tranh với công ty Pháp AIP.
Lập công ty Cửu Long film, nhập cảng film từ Pháp về Việt – Campuchia – Lào, làm phụ đề (soustitrage) cho thuê, có lợi và dư ngoại tệ.
Năm 1954, hùn mua sở cao su của Pháp bán lại, và trồng cao su với ông huyện Trương Văn Huyên, mà tôi đã quen trong lúc làm nghề bán ngói, gạch.
Năm 1955 – 1956, đi Campuchia đấu giá hội chợ, cùng những người Hoa kiều ở đó, và hùm mở một công ty xuất nhập cảng về xe đạp và phụ tùng.
Năm 1971, mua tàu đánh tôm và công ty đông lạnh.
Làm chủ nhiệm và sáng nhập tờ Nhật báo Việt Nam Thời Báo.
Chủ nhiệm tờ Tập san Phòng Thương Mãi Sài Gòn
Năm 1967, làm chủ bất đắc dĩ “Tín Nghĩa Ngân Hàng”.
Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, trên đường kinh doanh tôi đã thành công vượt bậc, như có một quyền năng màu nhiệm gì hỗ trợ.
Từ đây, những tai nạn quan trọng cũng liên tiếp xảy ra, giờ này nghĩ lại thật lạ lùng, lúc ấy tôi không nao núng mà còn hăng say làm việc, và cũng không cần tìm hiểu tại sao và do đâu. Tôi nghĩ là con đường phải đi, thì cứ đi, miễn sao lương tâm không day dứt, trái lại những hoạt động thương mại gia tăng mãi không ngừng, liên tiếp mua lại các xí nghiệp gặp khó khăn tài chính hoặc sập tiệm, có lẽ vận số của tôi phải làm chủ các xí nghiệp loại này.
Năm 1968, mua hãng nấu, sản xuất dây đồng, giây điện… hiệu Vidico, đang gặp khó khăn về tài chính, quản trị. Hãng này không có hoạt động nào đặc biệt, chỉ thêm vốn, tổ chức lại sự quản trị, nắm lại quyền phân phối, huỷ bỏ các đại lý, mại bản. Trả lương cho người đi bán tiền mặt, được khuyến khích trả hoa hồng hậu, sau một năm tiến mạnh và trả hết nợ…
Chợ Bà Chiểu 1965 |
Cũng năm ấy, mua thêm công ty Cogema ráp và sửa máy cày, cho các hiệu máy ủi Caterpillar, hiệu John Deere, hãng này cũng đang lâm vào tình trạng phá sản…
6. Thật là dở khóc, dở cười, sau 1 tháng làm chủ, chưa kịp tổ chức được gì, thì công ty chính bên Mỹ, phái người trách nhiệm đến Việt Nam để thăm viếng thăm tân Hội đồng Quản trị và cùng thông báo đường lối mới của họ.
Sau những lối xã giao gặp gỡ, họ ước mong chúng tôi sẽ thành công hơn cựu Hội đồng Quản trị, đồng thời họ bảo công ty chính không thỏa thuận để hai hiệu máy cùng chung một mái nhà, như 20 năm qua.
Vừa nghe như tiếng sét nổ ngang tai, tôi yêu cầu nêu rõ lý do, quyết định này hồi nào?
Đáp: Trước đây, Công ty John Deere chỉ sản xuất máy cày ruộng nay bắt đầu sản xuất luôn cả máy ủi đất y như hãng Caterpillar, nên họ đã quyết định: “Không chấp thuận Công ty đại diện Việt Nam, trong vòng 1 năm, không được để hai hiệu chung một mái nhà.”
Hiểu rõ quyết định của họ là hợp lý, nhưng cũng nêu với họ; dù cùng chung một mái nhà cũng vô hại, vì mỗi hiệu đều có khách hàng riêng của nó, mà hiệu Caterpillar đã nổi danh chẳng những ở Việt Nam mà khắp thế giới, nên quyết định này kẹt cho chúng tôi lắm. Vừa ra tiền mua Công ty này, tăng vốn để hoạt động, nay bất ngờ tách rời ra, trong vòng một năm, sự kiện xảy ra quá dồn dập e rằng Công ty tôi khó làm được.
Đáp: Tôi được lệnh báo tin như vậy, nếu không thuận sẽ rút lại quyền đại diện từ nay đến cuối năm.
Tôi xin đình phiên họp 2 ngày để trả lời. Suốt ngày hôm đó, đứng ngồi, ăn ngủ không yên, nhưng rồi cũng tìm ra giải pháp…
Khi mở lại phiên họp, tôi trình bày, trước đây Công ty này hoạt động với hai hiệu mà còn vỡ nợ, phải bán lại cho tôi, nay nếu phải tách rời thì gánh lại chi phí rất nặng, nên xin tăng tiền hoa hồng từ 12% lên 18%, với số bán 300.000 $US như hiện nay 20% với số bán 500.000$US, 25% với số bán 800.000$US, trên 800,000$US 30%. Sau bàn cãi, điện đàm về Mỹ, đề nghị Công ty chấp thuận.
Liền mời Công ty chính John Deere ở Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về ý định của hãng Caterpillar, họ chấp thuận điều kiện hoa hồng y như của hãng Caterpillar.
Muốn thực hiện số bán gia tăng, để hưởng hoa hồng cao, thi hành các sáng kiến, mà tôi đã tìm ra sau ngày họp đầu tiên, mua hai xe camino, đem về nối gian xe dài, đóng thành một xưởng lưu động.
Đường phố Sài Gòn xưa |
Đăng báo quảng cáo lịch trình Công ty đến các tỉnh bán đồ phụ tùng, sửa chữa và huấn luyện người mua tại chỗ, để hiệu Caterpillar đi miền Tây, thì hiệu John Deere đi miền Trung hoặc ngược lại.
Hồi nào đến giờ, nông dân ít người mua máy cày và phụ tùng được trực tiếp với giá chính thức, sửa chữa phải đem đến Sài Gòn, nay họ được sửa chữa và bán đồ phụ tùng tại chỗ, dạy cách bảo trì, nên bán được rất nhiều và họ vui mừng được mua đồ phụ tùng giá chính thức để tích trữ.
Bán hết hàng tồn kho (stock), phụ tùng cũ mà hàng cũ kẹt vốn đã hai năm qua. Số bán tăng vọt từ 300,000 US lên 1,500,00US trong vòng 10 tháng, thanh toán dứt nợ và tiền lời hàng năm tăng lên trên 100 triệu Việt Nam.
Từ hãng gạch ngói đến các nhà ngủ (Hotel), rồi Tín Nghĩa Ngân Hàng và các hãng xưởng cứ theo đà ấy tiến đều, đến khi gặp tai nạn 1973 mà đến nay tôi chưa rõ lý do…
(Còn tiếp)
Nhưng thường thường cuộc đời có những “luật giang hồ” của nó, mà luật pháp không bao giờ biết nổi.
Bạn bè của ông Bằng mở ra chiến thuật rỉ tai, là tôi làm ăn không đàng hoàng, chơi phản phé, không như các thương gia khác…
Dư luận vô hình có sức mạnh rất đáng ngại. Nó siết tôi nghẹt thở, tôi phải vùng vẫy, chống đỡ thật khổ, vì tôi đứng chình ình ra đó, còn vòng vây dư luận thì mơ hồ, vô hình dáng. Nó đánh ta thì chúng đánh mọi chỗ, bất kể đầu ngực, chân tay… Còn ta phản ứng lại, như đấm vào không khí.
… giờ này nghĩ lại thật lạ lùng, lúc ấy tôi không nao núng mà còn hăng say làm việc, và cũng không cần tìm hiểu tại sao và do đâu. Tôi nghĩ là con đường phải đi, thì cứ đi, miễn sao lương tâm không day dứt, trái lại những hoạt động thương mại gia tăng mãi không ngừng, liên tiếp mua lại các xí nghiệp gặp khó khăn tài chính hoặc sập tiệm, có lẽ vận số của tôi phải làm chủ các xí nghiệp loại này.