Với phương án tuyển sinh bằng việc xét học bạ THCS hoặc lớp 9 ở những năm trước, nhiều học sinh cầm chắc trong tay “chiếc vé” vào trường dân lập nếu cuộc đua vào trường công thất bại. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay, mọi chuyện đã khác.
Năm nay, nhiều trường tư thục, dân lập bắt đầu nâng điều kiện tuyển sinh, khiến phụ huynh lo lắng về sự chắc ăn của “bến đỗ” cuối này. Trong báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến lớp 10 cho Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây, không ít trường tư thục, dân lập giảm chỉ tiêu do khó khăn về cơ sơ vật chất, cũng như để đảm bảo chất lượng “đầu ra”.
Ưu tiên “người trong nhà”
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 60 trường tư thục dân lập, trong đó nhiều trường đào tạo từ tiểu học, THCS tới THPT. Tại cuộc họp về tuyển sinh đầu cấp khối THPT dân lập, tư thục do Sở tổ chức sáng qua (15/3), nhiều hiệu trưởng các trường ngoài công lập này cho biết, sẽ không dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, do luôn phải dành hơn một nửa chỉ tiêu cho học sinh khối lớp 9 chuyển tiếp lên lớp 10.
Sau cuộc đua vào trường công lập, nhiều học sinh sẽ đổ xô về trường dân lập, tư thục. Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy. |
Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng THPT tư thục Thái Bình, quận Tân Bình cho hay: “Trường giữ ổn định chỉ tiêu lớp 10 trong nhiều năm là 100 học sinh để đảm bảo chất lượng đầu ra”. Hơn nữa, do trường dạy chương trình tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, song phần lớn học sinh không đạt kiểm tra đầu vào nên trường chỉ ưu tiên tuyển sinh lớp 10 cho học sinh đã học THCS tại trường.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2010-2011, số học sinh lớp 9 tại TP đăng ký dự thi vào lớp 10 là 74.000 (chưa tính số học sinh ở tỉnh đổ về thi tuyển vào các trường chuyên). Tuy nhiên, các khối trường công lập chỉ có thể nhận 56.000 (qua kỳ thi tuyển). Vì vậy, khoảng 16.000 chỉ tiêu sẽ dành cho các trường dân lập, tư thục. Số còn lại không trúng tuyển vào trường công lập sẽ vào hệ GDTX, trường dạy nghề hoặc TCCN. |
Có lẽ vì thế mà hiện nay, để tính lâu dài, nhiều phụ huynh cũng đã cho con học tại trường dân lập, tư thục từ cấp 2, để dễ dàng học tiếp lên lớp 10 tại chính trường đó.
Ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, chị Trần Thị Vân, một bác sĩ có phòng mạch tư tại quận 7 đã gọi điện đến Đất Việt nhờ tư vấn hồ sơ xin cho con vào học lớp 6 trường dân lập Đinh Thiện Lý, quận 7. Chị Vân tâm sự: “Đầu tư cho con học cấp 2 tại trường này sớm tuy tốn kém một chút nhưng đến lớp 10 đỡ phải đau đầu chuyện thi tuyển rắc rối”.
Áp lực “đầu ra” và mặt bằng
Đại diện nhiều trường dân lập, tư thục cho hay, một trong những trở ngại lớn nhất của họ là là quỹ đất xây trường và thuê mướn cơ sở. Do đó, nhiều trường dù muốn “khuếch trương” tuyển sinh nhưng “lực bất tòng tâm”. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng THPT tư thục Khai Trí, quận 5 phản ánh: “Hiện chỉ có những trường mới xây dựng hoặc xây dựng ở ngoại thành mới có điều kiện cơ sở vật chất rộng rãi, chứ như các trường nằm ở vị trí trung tâm như quận 1, 3, 5 khó lòng mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh”. Bà cũng cho biết, việc mở thêm chi nhánh hoặc cơ sở mới hiện nay đang bị “siết” khá chặt về mặt giấy tờ pháp lý, nên việc nhận chỉ tiêu đối với các trường là rất khó.
Ngay cả như trường có tiếng về đầu ra chất lượng khá tốt như THPT tư thục Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình năm nay cũng sẽ cắt giảm chỉ tiêu lớp 10 xuống còn 14 - 15 lớp (trong khi năm học 2009- 2010 là 35 lớp). Tương tự, trường Song ngữ Quốc tế Horizon, quận 2 chỉ lấy học sinh học lực trung bình trở lên, nhưng có kiểm tra trình độ tiếng Anh và các môn Toán, Lý “đầu vào”, khiến nhiều học sinh “không dám” nộp hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Bạch Kim, Hiệu phó nhà trường, thông tin: “Nếu nhận quá đông, chất lượng đào tạo sẽ giảm sút. Ngoài ra, nếu không sàng lọc đầu vào thật tốt, trong quá trình học THPT, nhiều em không theo nổi”, bà Kim nói.
Theo một cán bộ phòng Trung học, Sở GD-ĐT TP HCM, nhiều phụ huynh có tâm lý là “chỉ cần có tiền, dù con mình học lực trung bình hay yếu vẫn có thể vào được các trường dân lập”. Đó là suy nghĩ sai lầm.
Hiện nay, xu hướng chung của các trường dân lập, tư thục đang giảm số lượng để đầu tư chất lượng nên điều kiện tuyển sinh đầu vào ngày càng khắt khe hơn chứ không như trước. Bằng chứng là trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của khối dân lập, tư thục gần 90%, cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước.
Theo Đất Việt