Thời điểm này, các trường ĐH đang gấp rút khâu chấm thi để có thể công bố điểm theo kế hoạch trước 31/7. Hầu hết các trường dự kiến điểm chuẩn tương đương năm trước…
Nhiều trường sẽ công bố điểm trước 25/7?
Ông Lê Quốc Hạnh - Trường ĐH Hà Nội cho biết, khoảng đầu tháng 8, trường sẽ công bố điểm cho thí sinh. Do điểm chuẩn vài năm trở lại đây của trường luôn ổn định. Dù thời điểm này, trường chưa thể dự kiến điểm chuẩn được vì còn phải phụ thuộc vào điểm thi của thí sinh.
Trước 31/7, các trường sẽ báo điểm thi ĐH, CĐ |
Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, qua sơ bộ, bài thi môn Toán của thí sinh có phổ điểm chính là 5-6 điểm; điểm tốt chiếm 35-40% . Với kết quả điểm số như vậy, ông Nguyễn Quang Kim dự báo điểm sàn tuyển sinh của trường sẽ không giảm so với năm ngoái.
Theo ông Lê Hữu Lập, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Học viện Bưu chính viễn thông, số thí sinh đạt điểm 5-6 nhỉnh hơn so với năm trước. Chất lượng bài làm tốt hơn, vì đề có phần phân loại thí sinh có thể làm được nhiều hơn, tuy nhiên để đạt điểm tối đa không dễ.
Ông Lê Hữu Lập nhận định điểm chuẩn vào trường năm nay khả năng sẽ tương đương năm ngoái. Được biết, điểm chuẩn của Học viện năm 2012 với hệ công lập là 20 điểm trở lên và hệ tự túc đóng tiền là 17 điểm trở lên.
Trường ĐH Ngoại thương, theo bà Lê Thị Thu Thủy trưởng phòng đào tạo, 3 năm trở lại đây điểm chuẩn vào trường luôn ổn định, chỉ dao động chỉ từ 0,5 -1 điểm. Trường dự kiến công bố điểm thi cho thí sinh trước 31/7 .
Còn tại trường ĐH Văn Hóa, PGS,TS Đinh Thị Vân Chi - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ tiêu của nhà trường vài năm trở lại đây không thay đổi nhiều mà số thí sinh đăng ký dự thi lại đông nên điểm chuẩn cũng sẽ ít biến động. Nhà trường dự kiến công bố điểm thi trước ngày 25/7. Điểm chuẩn năm 2012 của ĐH Văn hóa từ 14 đến 18,5 điểm”.
Hậu kiểm chấm lại 5% bài thi- gây khó
Nhận định về đề thi ra theo hướng mở có gây khó dễ cho thầy cô hay không và làm sao để đảm bảo công bằng cho bài thi sáng tạo, không giống như đáp án, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với đề mở, đáp án cũng mở, đây là căn cứ để các thầy cô giáo đánh giá tư duy sáng tạo của thí sinh.
Những bài làm có tính độc đáo, sáng tạo không giống như đáp án nhưng vẫn đúng thì sẽ được thưởng điểm với mức thưởng không quá 1 điểm. Đối với yêu cầu chính xác trong khâu chấm thi,
Thứ trưởng cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận. Các trường ngoài ban chấm thi chính phải thành lập một ban chấm kiểm tra riêng. Vì vậy, những sai sót, lệch lạc trong quá trình chấm được cảnh báo kịp thời, không đợi đến khi đoàn chấm thanh tra của Bộ thực hiện chấm thẩm định như mọi năm.
“Qua thực tiễn chấm thi, chúng tôi cũng nhận thấy có nơi này, nơi kiaa chấm thi chưa công bằng vì vậy quy chế năm nay bổ sung việc các trường phải thành lập Ban chấm thi kiểm tra, chấm đuổi cùng với Ban chấm thi và cũng thực hiện 2 vòng độc lập.
Kết quả của việc chấm kiểm tra có tác dụng tham mưu cho hội đồng chấm thi điều chỉnh kịp thời với ban chấm thi. Khi cần thiết, hội đồng chấm thi phải tổ chức đối thoại để đảm bảo chấm thi công bằng cho thí sinh” - Ông Ngô Kim Khôi cho biết.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Học viện An ninh nhân dân cho rằng, để rút ra 5% bài thi để chấm lại sẽ rất phức tạp. Nếu điểm thấp hơn sẽ làm thế nào, liệu có thay đổi điểm chấm của 2 người trước đó?
Thêm nữa, với những trường quá đông thí sinh việc rút ra 5% có khi lên tới hàng ngàn bài. Vậy kinh phí phát sinh và người chấm sao cho xuể? Chưa kể tới quy trình sẽ kiểm tra thế nào? Rút bài ra, phô tô lại bài, rồi xóa điểm đi để chấm liệu có xảy ra sai sót gì không?
Như vậy, với điểm mới chưa có thử nghiệm đó, quy trình và kinh phí phát sinh sẽ rất khó khăn cho các trường.
Thêm nữa, khi các trường chuẩn bị công bố điểm thi, có một thực tế là việc công bố kết quả thi sẽ có thể xảy ra khả năng “ém” điểm thi của thí sinh, không công bố công khai để kiếm lợi từ các dịch vụ nhắn tin xem điểm mất tiền.
Trước thắc mắc này, ông Ngô Kim Khôi nhấn mạnh các trường không được phép kiếm lợi qua dịch vụ cung cấp điểm thi mất phí.
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT, toàn bộ kết quả thi của thí sinh phải được công bố công khai trên trang web của trường cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thí sinh phải được cung cấp kết quả thi miễn phí. Nếu có hiện tượng thu phí với dịch vụ xem điểm, thí sinh cần phản ánh với Bộ để kịp thời xử lý”.
“Đồng thời, đề và đáp án chi tiết của từng môn đã được công khai rộng rãi đến thí sinh sau mỗi môn thi. Nếu thí sinh thấy điểm không đúng thì có thể làm đơn xin chấm phúc khảo để đảm bảo quyền lợi của mình” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.
Ông Ngô Kim Khôi cũng cho biết, trên cơ sở kết quả thi các trường công bố, Bộ sẽ tập hợp, thống kê, phân tích và xây dựng phương án điểm sàn trình Hội đồng điểm sàn tư vấn để Bộ trưởng quyết định phương án điểm sàn 2013.
Theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trước 10/8, các trường ĐH có tổ chức thi gửi giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ, phiếu báo điểm của thí sinh và dữ liệu kết quả thi cho các trường không tổ chức thi tuyển sinh và hệ CĐ của các ĐH, trường ĐH.
Trước 20/8, các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi Giấy chứng nhận kết quả thi, Phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các sở GD&ĐT, để các sở GD&ĐT gửi cho thí sinh.
Uyên Na