“Điểm sàn” nhóm ngành sức khỏe ổn định, sư phạm tăng nhẹ
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với: nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học; nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2021.
Nhìn chung, so với năm 2020, “điểm sàn” nhóm ngành sức khỏe giữ ổn định, còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng 0,5 điểm. Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT là 22 điểm với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt; 21 điểm với ngành Dược và Y học cổ truyền; 19 điểm đối với các ngành khác gồm: Điều dưỡng, Y dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng.
Đối với ngành Sư phạm, 19 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học. Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, ngưỡng này là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. 17 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng. Đối với các ngành khác ngoài nhóm ngành sức khỏe, sư phạm, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình.
GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội phân tích, năm nay, bên cạnh phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 tương đương năm ngoái, thì số thí sinh xét tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm do một số trường y xét tuyển bằng học bạ. Vì vậy, việc giữ ổn định điểm sàn như năm 2020 hợp lý, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và chất lượng đào tạo.
Tán thành điểm sàn đối với nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề từ 19 đến 22 điểm tuỳ ngành, PGS. TS Đinh Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trao đổi, việc đưa ra mức điểm này là có căn cứ khoa học và thực tiễn. Mức điểm này sẽ đảm bảo mặt bằng chung cho các trường công lập và ngoài công lập trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển.
Cân nhắc kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng
Trước đó, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh thuận lợi trong việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng trên hệ thống tuyển sinh quốc gia, trong hai ngày 24 - 25/8, Bộ GD&ĐT đã mở hệ thống để thí sinh thực tập theo hướng dẫn. Qua 2 ngày điều chỉnh “nháp” đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng, cả nước có 79.321 thí sinh tham gia, chiếm tỷ lệ 9,97% so với số thí sinh ĐKXT.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh ĐKXT là 795.353; tổng số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT: 79.321 em, chiếm tỷ lệ 9,97% so với số thí sinh ĐKXT. Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thống kê tại một số địa phương có số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều như: TP Hồ Chí Minh với 11.546 em, chiếm tỷ lệ 13,68%; Hà Nội với 10.999 em, chiếm tỷ lệ 12,59%. Kết quả thực tập điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của thí sinh tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt thực hành. Hệ thống sẽ được làm mới lại để thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT từ ngày 29/8/2021 đến 17 giờ ngày 5/9/2021.
Để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh nguyện vọng chính thức tới đây, Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin, tài liệu Hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT thí sinh xem tại địa chỉ: https://thituyensinh.vn/.
Phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định
Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, theo PGS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, phương thức tuyển sinh giai đoạn 2022 - 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 nhưng có một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với các trường thi riêng, thi đánh giá năng lực gọn nhẹ 1 - 2 môn, hoặc thi năng khiếu hoặc kết hợp với kết quả thi THPT… Bộ GD&ĐT khuyến khích thi theo nhóm trường, gọn nhẹ trong một buổi thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Tiến tới hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi… và có thể thi nhiều lần trong năm.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, kỳ thi này phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. Năm 2022 là một bước đi đầu, có khả năng là một năm có tính chất giao thời chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Về phương án cụ thể, kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, Bộ sẽ lấy ý kiến các đơn vị và sẽ trao đổi để hoàn thiện trong thời gian sắp tới…