Đây là một trong những mục tiêu nằm trong kế hoạch 212/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng phấn đấu đạt trên 80% đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động về lĩnh vực công tác dân tộc, theo yêu cầu nhiệm vụ.
Hội nghị tuyên truyền và phổ biến Pháp luật cho người dân xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Ảnh: Lê Hanh) |
Mỗi năm tổ chức được ít nhất 01 đợt phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN. Phấn đấu 100% trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn được tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Ông Nguyễn Thế Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Việc triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và MN, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra 8 giải pháp thực hiện. Thứ nhất là tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy tính gương mẫu của cán bộ, công chức cơ quan công tác dân tộc các cấp và đồng bào các dân tộc trong tuân thủ, chấp hành pháp luật và thực hiện các Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật lưu động tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (Ảnh: Lê Hanh) |
Thứ hai là triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù sinh sống; phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch; kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện hàng năm và theo giai đoạn.
Thứ ba là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực trong tổ chức thực hiện Kế hoạch; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật, có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ tư là tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc; nắm bắt tình hình tư tưởng, nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của đồng bào vùng DTTS và MN để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm.
Thứ 5 là triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc. Duy trì tốt các hoạt động thường xuyên của từng sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của các Bộ, ngành trung ương để kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền đang được triển khai ở vùng DTTS và MN. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc, gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…
Thứ sáu là khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình thí điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc ở các xã nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để triển khai nhân rộng.
Thứ bảy là xây dựng nội dung, biên soạn, cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật và tuyên truyền chính sách pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và phong tục, tập quán của địa phương; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, tài liệu giữa các cơ quan, đơn vị triển khai trong vùng DTTS và MN. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động về chính sách dân tộc cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, chính sách dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở cấp xã.
Thứ tám là lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số…Tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến về một số lĩnh vực; tôn vinh và nêu gương các điển hình tiêu biểu; các báo cáo điển hình gương người tốt, việc tốt trong đồng bào vùng DTTS và MN.
Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch trong cả giai đoạn 2022-2025. Hằng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán kinh phí giai đoạn để thực hiện. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện; tham mưu, đề xuất tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch.