Được tuyển và đào tạo để làm nhà hàng, khách sạn nhưng các lao động nữ của Cty CP điện Lam Sơn (phường Trường Thi, Thanh Hóa) đã phải đi vác giàn giáo tại công trình khách sạn của cty đang xây dở...
Tuyển một đằng, việc một nẻo
Để có nhân lực cho khách sạn Thiên Ý của mình, năm 2009, cty Điện Lam Sơn tuyển dụng và ký hợp đồng đào tạo 6 tháng với nhiều lao động, trong đó có chị Hoàng Thị Đại, Đỗ Thị Tuyết và anh Lê Minh Quân; Đồng thời, lao động phải nộp tiền bảo lãnh hợp đồng và bị giữ lại bằng tốt nghiệp.
Năm 2011, các lao động được đưa ra Hà Nội đào tạo tại một số khách sạn nhưng theo họ không hề có giáo viên giảng dạy mà thực chất là phụ giúp khách sạn. “Từ ngày 12/9/2011 đến 31/10/2011 tôi được đi đào tạo tại Khách sạn Bình Minh (Hà Nội) và từ ngày 11/11/2011 đến 27/12/2011 đào tạo tại khách sạn Melia. Quá trình đào tạo, cty chỉ hỗ trợ một bữa ăn, còn lại tự túc; không có giáo viên giảng dạy cụ thể mà làm dưới sự sai bảo của nhân viên khách sạn”, chị Đại cho biết.
Còn chị Tuyết cho biết, trong hợp đồng chị được đưa đi đào tạo tại khách sạn ở Hà Nội nhưng không hề được đào tạo gì mà chỉ cùng một số người ra bãi đất hoang gần cty để tập thể thao. Cũng tình cảnh đó, anh Quân được đưa đi đào tạo tại khách sạn nhưng không hề có giáo viên hay trang thiết bị phù hợp cho công việc là lễ tân. Thấy không đúng hợp đồng, anh xin về cty để được đào tạo đúng chuyên môn nhưng về cũng chỉ sáng tập thể thao, chiều tập văn nghệ.
Nguyên nhân của sự việc bắt đầu từ ngày 9/2/2012, các lao động bị điều ra Khách sạn Thiên Ý để vác dàn giáo từ tầng 1 đến tầng 16 và đập phá nền bê tông. “Làm được 4 ngày, chúng tôi chân yếu tay mềm mệt lả, lại thấy công việc làm không phù hợp chuyên môn là nhà hàng, khách sạn nên ngày 14/2/1012, chúng tôi đề nghị được ở lại cty vài ngày cho khỏe rồi ra làm tiếp nhưng không được đồng ý. Sau đó, cty ra quyết định sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động với lý do là chúng tôi đình công tập thể, chống lại mệnh lệnh sản xuất kinh doanh”, chị Lệ bức xúc.
Quá bất bình, chị Tuyết và 16 lao động khác đã khiếu nại tới Sở LĐ-TB và XH tỉnh Thanh Hóa. Tại Văn bản 1256 ngày 18/6/2012 Sở này yêu cầu cty phải trả lại bằng tốt nghiệp phổ thông cho người lao động, trả lại tiền đặt cọc và lãi suất theo qui định, đặc biệt hủy bỏ 21 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và cty phải thực hiện trách nhiệm với người lao động theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động là nhận người lao động trở lại làm việc .
Tuy nhiên, cty không thực hiện mà khởi kiện ra Tòa để đòi lại chi phí đã bỏ ra đào tạo với 3 lao động là chị Tuyết, chị Đại, anh Quân vì cho rằng các lao động đã tự ý bỏ việc từ ngày 14/2/2012 đến ngày 28/2/2012.
Bản án thiếu khách quan
Trái với kết luận nói trên của Sở LĐ-TB và XH, TAND TP Thanh Hóa đã nhận định các lao động tự ý bỏ việc từ ngày 14/2 đến 28/2/2012 nên cty ra quyết định chấm dứt hợp đồng đào tạo là có căn cứ. Tuy nhiên, các bị đơn cho rằng, lý do này hoàn toàn sai.
Thực tế, hai ngày 14 và 15/2 họ vẫn họp với Hội đồng kỷ luật của cty, ngày 16 và 17/2 vẫn đến sinh hoạt cùng tập thể tại cty và có ký vào bảng chấm công của bảo vệ; đến tận chiều ngày 17/2, đại diện cty mới tuyên bố kể từ ngày 18/2 không cho các học viên bị sa thải vào cty nữa. Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đào tạo ngày 28/2/2012 cũng ghi rõ thời gian chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 17/2/2012. Vậy thì căn cứ vào đâu HĐXX lại khẳng định các lao động tự ý bỏ việc từ ngày 14/2 đến 28/2?
Bản án cũng tuyên chị Tuyết, chị Đại, và anh Quân phải bồi thường cho cty tổng cộng 65 triệu đồng là tiền cty này đã bỏ ra để đào tạo cho họ. Theo các lao động, đây là phán quyết hết sức phi lý vì thực tế họ không hề được đào tạo, học hành gì.
Mặc dầu kê khai tiền đào tạo tại khách sạn và xuất trình hợp đồng ký với phó giám đốc khách sạn Melia thuê mặt bằng học tập nhưng chính Cty TNHH SAS-CTAMAD (chủ đầu tư khách sạn Melia) có văn bản trả lời Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa (bảo vệ quyền lợi cho bà Đại vì hộ nghèo) khẳng định: “Cty và khách sạn không ký bất kỳ hợp đồng nào với Cty điện Lam Sơn về việc cho thuê phòng và nhận học tập tại khách sạn Melia Hà Nội”. Rõ ràng như vậy nhưng bản án vẫn công nhận chi phí thuê khách sạn là điều hết sức khó hiểu.
Một vô lý khác là bản án chấp nhận những khoản: tiền lương cho cán bộ tuyển dụng đào tạo, tiền lương bảo vệ, tiền lương phòng kế toán vào chi phí dạy nghề là trái qui định. Theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 139 ngày 20/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề thì, chi phí dạy nghề chỉ gồm các khoản: “Chi phí hợp lý cho người dạy, tài liệu, vật liệu thực hành, chi phí khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị và các chi phí khác đã chi cho người học”.
Vì cho rằng bản án đã quá thiên vị, không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, chị Đại, chị Tuyết đã kháng cáo toàn bộ bản án. Hy vọng phiên phúc thẩm sẽ làm rõ những phi lý nêu trên.
Hà Linh