Nguồn gốc “bông hồng cài áo”
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là văn hóa tâm linh có từ lâu đời trong truyền thống Phật giáo được tổ chức vào tháng 7 âm lịch (15/7) hàng năm. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một điển tích trong kinh Phật nói về đạo hiếu và sự báo đền công ơn với đấng sinh thành.
Truyền thuyết kể rằng, Bồ Tát Mục Kiền Liên là một trong những đệ tử của Đức Phật, thông thạo nhiều phép thuật, nhưng không thể một mình cứu mẹ khỏi ải địa ngục.
Được Đức Phật chỉ bảo, ông đã cúng dường phẩm vật lên mười phương chúng Tăng trong ngày Tự tứ (tức ngày rằm tháng bảy). Nhờ đó, ông đã cứu được mẹ khỏi khiếp khổ ngạ quỷ và đưa mẹ về thiên giới. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà siêu thoát.
Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát mục Kiền Liên, Lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.
Ngày nay lễ Vu Lan đã thành một lễ lớn, nhiều nơi đã làm thành mùa Lễ Vu Lan báo hiếu kéo dài trong một tháng.
Mùa lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở mỗi người con phải hiếu thảo với cha mẹ, đong đầy thêm tình cảm hiếu đễ, lòng biết ơn tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.
Trong dịp lễ này có một nghi thức đặc biệt, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, đó là nghi thức “bông hồng cài áo”.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng cho biết: Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ một phong tục của người Nhật được Hoà thượng Thích Nhất Hạnh đưa về nước từ những năm 1960. Vì đây là một phong tục đẹp, nên dần dần người Việt học theo, làm theo trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu.
Theo GS. TS. Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam ý tưởng này được lấy từ áng văn về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1960. Trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng là biểu tượng cho lễ Vu Lan và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.
Kể từ đó, trong các buổi lễ Vu Lan, mỗi người đến chùa đều không quên cài lên ngực mình bông hồng một cách đầy nâng niu, trân trọng xen lẫn sự xúc động.
Ý nghĩa bông hồng cài áo
Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực một bông hoa ngát hương thể hiện tâm hướng về cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng lý giải thêm rằng: “Ban đầu người ta chỉ dùng bông hồng đỏ tươi nhưng sau này nhiều nơi phân chia ra thành những bông hồng có màu sắc khác nhau. Người nào còn đủ cả cha mẹ thì cài bông hồng đỏ tươi, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn chút, người nào đã mất cả cha mẹ thì cài bông hồng trắng”.
Ngoài ra, các vị tu sĩ đã thoát đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.
Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn - đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.