Từ vụ án công an xã đánh chết học sinh ở Khánh Hoà: Khoảng trống trong áp dụng pháp luật?

(PLO) - Ngay sau khi TAND huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) tuyên án vụ cựu công an xã Vạn Long bắt giữ trái pháp luật, đánh em Tu Ngọc Thạch tử vong, rất nhiều luật gia, luật sư đã gọi điện đến Báo PLVN bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng mức án 6 năm tù đối với Lê Minh Phát là quá nhẹ. 

Phẫn nộ đánh chết người rồi… kêu oan!
Như PLVN đã phản ánh sau 3 ngày xét xử, sáng 14/11TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát 6 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 9 tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật”. Bị cáo Lê Ngọc Tâm - nguyên công an viên xã Vạn Long 9 tháng tù treo về tội “Bắt người trái pháp luật”; bị cáo Lê Tấn Khỏe (15 tuổi) 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. 
Đây là vụ án khiến dư luận bức xúc một thời gian dài, chủ yếu do hành vi tàn nhẫn của Lê Minh Phát. Trước đó, em Thạch là nạn nhân trong vụ xô xát với bị cáo Khỏe nhưng Thạch không được bảo vệ mà còn bị Phát “nhân danh công an xã đi can ngăn vụ đánh nhau” bắt giữ trái pháp luật, rồi đánh đập Thạch đến tử vong. Dù mức án Tòa tuyên đã cao hơn đề nghị của Viện kiểm sát (VKS) nhưng vẫn quá nhẹ, chưa đủ sức trừng trị tội phạm. Bị cáo Phát thì cho rằng mức án trên quá nặng và bày tỏ thái độ phản ứng bằng cách la hét, dùng sức mạnh của một vận động viên quyền Anh đạp bàn ghế trong phòng xét xử khiến lực lượng cảnh sát tư pháp phải nỗ lực ngăn chặn, ổn định trật tự. 
Quá trình xét xử vụ án, Phát không thành khẩn nhận tội, Phát cho rằng chỉ bắt giữ, đánh em Thạch nhằm trấn áp và can ngăn đánh nhau. Luật sư bào chữa cho bị cáo Phát cũng cho rằng hành vi của thân chủ mình chỉ nhằm mục đích trấn áp nạn nhân chứ không có động cơ cố ý gây thương tích. Luật sư này đề nghị tòa tuyên Phát không phạm tội “Cố ý gây thương tích”. 
Bị cáo Lê Minh Phát
Bị cáo Lê Minh Phát 
Tương tự, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Khỏe cũng cho rằng Khoẻ không phạm tội “Cố ý gây thương tích”, việc truy tố xét xử Khỏe như vậy là oan sai. Luận điểm “kêu oan” cho thân chủ của các luật sư khiến dư luận cảm thấy bất bình, gia đình nạn nhân thì vô cùng phẫn nộ. Sau phiên tòa, gia đình bị hại và bị cáo Phát, Khỏe đều cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm.
Khoảng trống trong áp dụng pháp luật?
Trong một vụ án tương tự tại TP.HCM, ngày 13/11 TAND quận Tân Phú đã tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Bằng (SN 1977, ngụ tỉnh Bến Tre) mức án 12 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp gây hậu quả chết người. Bị cáo Bằng vì bức xúc trước hành động của nạn nhân đã vi phạm giao thông lại còn chửi thề nên nổi nóng bột phát xông vào đấm làm người này ngã đập đầu, bị chấn thương sọ não, tử vong. Nếu so sánh về hành vi và mức án của Lê Thanh Bằng với Lê Minh Phát thì thấy rõ ràng có một sự “vênh” nhau quá lớn trong áp dụng pháp luật. 
Lý giải nguyên nhân về sự “vênh” trên, một Thẩm phán TANDTC cho rằng mức hình phạt tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp gây hậu quả chết người quy định từ 5- 15 năm tù  là quá rộng; hơn nữa mỗi vụ án là một hoàn cảnh cá biệt, mỗi bị cáo có các tình tiết về nhân thân không giống nhau nên mức án đối với các bị cáo không thể giống hệt nhau.
Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Hà Nội) cho rằng, dù khung hình phạt quy định rộng nhưng khi lượng hình vẫn phải dựa trên những nguyên tắc chung thì pháp luật mới được áp dụng đồng bộ và thống nhất, công bằng. Hai vụ án có tính chất tương tự nhau, thậm chí hành vi của Lê Minh Phát có mức độ nguy hiểm hơn Lê Thanh Bằng mà Phát chỉ bị tuyên 6 năm tù, trong khi Bằng bị tuyên 12 năm thì không thể chấp nhận vì thiếu công bằng. Theo Luật sư Nga, trước mức án “nhẹ hều” của TAND huyện Vạn Ninh gây bức xúc dư luận như trên, VKS với vai trò kiểm sát việc thi hành pháp luật cần phải kịp thời có kháng nghị tăng án.
Nhìn nhận ở góc độ tội danh, một luật gia cho rằng hành vi của Lê Minh Phát đánh nhiều nhát vào đầu em Tu Ngọc Thạch làm nạn nhân bị chấn thương sọ não, tử vong đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”. Vị luật gia nhấn mạnh, cần phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể của vụ án, trong tương quan lực lượng Phát là công an xã, vận động viên quyền Anh mà hành xử thô bạo, tàn nhẫn với một em thiếu niên 15 tuổi, lại đang là nạn nhân bị đánh. Trong phiên toà phúc thẩm tới đây, TAND tỉnh Khánh Hoà cần xem xét lại về tội danh và mức án đối với Lê Minh Phát./.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.