Cơn ghen ngược của cô gái đồng tính
Ngày 18/7/2017, vụ án cô gái giết người đồng tính xảy ra cách đây 4 năm về trước được TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên phiên tòa tiếp tục bị hoãn vì luật sư của cả bị cáo lẫn bị hại đều xin hoãn phiên tòa. Đây là vụ án có nhiều tình tiết gay cấn khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bởi nó không chỉ là vụ án giết người đồng tính, mà bị cáo ra tòa luôn có những phản ứng hết sức bất bình thường.
Hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi học xong cấp 3, năm 2009 chị Lê Thị Liên (SN 1983, quê ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vào TP HCM làm công cho một tiệm tóc trên đường Lãnh Bình Thăng, quận 11. Trong thời gian làm tại đây, Liên quen và nảy sinh tình cảm với một thợ chính của tiệm tóc tên là Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
Thương Liên thân cô thế cô nên vợ chồng chị Trâm đưa Liên về ở cùng gia đình mình. Tuy nhiên, mối tình đồng tính đến tai chồng chị Trâm. Lúc đầu anh không tin, nhưng xâu chuỗi lại sự việc anh mới giật mình nhận ra giữa vợ mình và Liên có quan hệ đồng tính từ lâu.
Tức Liên, giận vợ, nên người chồng kết hợp gia đình chị Trâm ra sức khuyên can, thậm chí người chồng còn đuổi Liên ra khỏi nhà, có khi còn đánh dằn mặt Liên. Tuy nhiên đâu lại vào đó, hai người vẫn lén lút hẹn hò tới khách sạn để tiếp tục quan hệ.
Theo kết quả điều tra, trong quá trình “yêu nhau”, Liên và chị Trâm tới thuê phòng tại một khách sạn trên đường Ngọc Hân Công Chúa, quận 11 tới 32 lần.
Khoảng 20h ngày 20/8/2013, Liên gọi điện cho chị Trâm hẹn đến khách sạn cũ. Chiều hôm sau, không thấy Liên trả phòng như thường lệ, nhân viên quản lý lên gõ cửa thì nghe có tiếng tivi, nhưng không ai trả lời.
Nghi có chuyện chẳng lành, chủ khách sạn cùng nhân viên dùng chìa khóa dự phòng mở ra thì thấy chị Trâm đã chết từ bao giờ, trên người có nhiều vết thương và không mảnh vải che thân.
Sự vụ được thông báo tới nhà chức trách. Riêng hung thủ thì đã “cao chạy xa bay”. Sau hơn 1 năm phát lệnh truy nã, đối tượng Lê Thị Liên bị bắt giữ khi đang đi du lịch tại Sa Pa (Lào Cai).
Nhiều năm nhưng vẫn chưa có hồi kết
Khi mới bị bắt, Liên khai rằng cơ quan công an đã bắt lầm người vì cô là Ki-Mu-Ra - con nuôi của người Hàn Quốc, chứ không phải là Lê Thị Liên. Lời khai đó cũng đã liên tiếp lặp lại trong suốt quá trình điều tra.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của gia đình nạn nhân, các nhân chứng cũng như giám định về ADN và giám định tâm thần đều cho thấy Lê Thị Liên không hề có bệnh gì.
Đầu năm 2016, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử. Tại đây bị cáo đã khiến HĐXX cũng như những người dự khán nhiều lúc cười ra nước mắt. HĐXX mời bị cáo Liên đứng vào vành móng ngựa thì cô không chịu đứng mà “nhắc” HĐXX “Ki-Mu-Ra chứ”. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại suốt phiên tòa.
“Ki-Mu-Ra có bị điên đâu mà người ta cho Ki-Mu-Ra vào viện tâm thần. Công an bị điên rồi. Con kia phạm tội thì đưa con kia ra mà xử, chứ sao lại xử Ki-Mu-Ra ?...”- bị cáo Liên nói giọng lơ lớ như người dân tộc.
Dù HĐXX cũng như đại diện VKS liên tục hỏi về những hành vi của bị cáo đối với nạn nhân, nhưng Liên vẫn cho rằng không hề quen biết nạn nhân. Nghe vậy, HĐXX đã cho chồng nạn nhân nhận dạng và khẳng định chắc chắn rằng đó chính là Lê Thị Liên vì cô này đã từng được vợ chồng anh cho về nhà ở nhiều tháng.
HĐXX cũng như đại diện VKS đã đưa ra nhiều nội dung nhằm làm rõ hành vi của bị cáo. Khi được hỏi về cha mẹ và anh em trong gia đình, bị cáo đều nói không biết, thậm chí khi người thân tới nhận bị cáo thì bị cáo nói họ bị điên, bị cáo không hề quen biết họ. Bị cáo cho rằng bị cáo được sinh ra từ một người mẹ nuôi ở Lang Biang (Đà Lạt, Lâm Đồng), rằng bị cáo là người Hàn Quốc chứ không phải là người Việt Nam…
"Bị cáo có nhớ lần trước anh và cha bị cáo vào trại thăm nom và ôm bị cáo khóc lóc không? Không tình nghĩa cha con, anh em sao họ khóc nhiều đến thế? Bị cáo có biết vì thương bị cáo mà 2 năm nay mẹ bị cáo khóc cạn nước mắt đến giờ mù luôn rồi không? Bị cáo nói không giết người sao tại hiện trường có 7 bức hình của bị cáo? Mẫu máu ghi nhận trên vách tường cũng là của bị cáo? Vì sao tại trại giam bị cáo lại xin được tử hình sớm, trong khi cho rằng mình không có tội?...”- đại diện VKS đặt vấn đề.
Nghe vậy, bị cáo Liên vẫn tiếp tục “đóng kịch”: “Ki-Mu-Ra có biết họ là ai đâu. Ki-Mu-Ra là người Hàn Quốc mà. Họ ôm Kimura khóc là họ bị điên hết rồi, chứ Ki-Mu-Ra không biết…”.
Do xét thấy vụ án còn một số vấn đề cần được làm rõ nên HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đến cuối năm 2016, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử và những phản ứng bất thường của bị cáo Liên tiếp tục được lặp lại. Tuy nhiên, bằng những căn cứ có cơ sở khẳng định bị cáo Liên đã giết chết nạn nhân nên HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Liên mức án 20 năm tù.
Sau đó bị cáo này kháng cáo vì cho rằng mình không giết nạn nhân, mình là người Hàn Quốc…
Sau nhiều lần hoãn, đến ngày 18/7/2017, phiên tòa tiếp tục bị hoãn vì luật sư các bên có đơn xin hoãn. Vậy là vụ án kéo dài suốt 4 năm trời, nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Việc này đồng nghĩa với số phận của bị cáo vẫn treo lơ lửng, nhưng tổn thương nhiều nhất vẫn là phía gia đình bị hại.
(Tên bị hại đã được thay đổi)