Đương sự không còn tài sản để thi hành án
Trong thực tiễn tổ chức thực hiện thu hồi tài sản, cơ quan THADS còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết đương sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải chấp hành hình phạt tù với thời hạn dài, thậm chí bị tuyên án tử hình, nhiều trường hợp không còn tài sản, không có tiền, thu nhập để thi hành án; gia đình người thân không hỗ trợ… Trong khi đó, cơ quan thi hành án vẫn phải xác minh, đôn đốc thi hành án dẫn đến án tồn đọng và tốn thêm kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho công tác theo dõi, xác minh điều kiện.
Vướng mắc chủ yếu trong việc xác minh, xử lý tài sản của người phải thi hành án là do trong quá trình tố tụng ở nhiều vụ án, các cơ quan chức năng không kê biên, phong tỏa tài sản nào của đương sự nên ngoài các tài sản mà cơ quan THADS xác minh được (chủ yếu là nhà đất của đương sự theo địa chỉ xác định trong bản án) thì người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án (như vụ Vinashin, vụ Huỳnh Thị Huyền Như…).
Ngoài ra, có những tài sản đã kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng quá trình thi hành án lại có tranh chấp nên cơ quan THADS phải chờ kết quả giải quyết của tòa án. Hoặc khi kê biên tài sản, cơ quan điều tra chỉ kê biên theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều trường hợp diện tích đất trên giấy chứng nhận và thực tế bị chênh lệch, không thể hiện rõ hiện trạng tài sản kê biên. Do đó, cơ quan THADS phải thực hiện lại việc kê biên gây khó khăn trong quá trình xử lý tài sản là quyền sử dụng đất.
Trong nhiều vụ việc, tài sản phải xử lý có nhiều hạng mục và nằm rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản nhiều khi chưa rõ ràng do chưa có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định rõ ràng phần tài sản của từng người. Vì vậy, việc xử lý tài tốn rất nhiều thời gian, chưa kể đến việc tài sản kê biên, với giá trị lớn không bán được, dù đã giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.
Ngoài ra, việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, có thiếu sót; thiếu quy trình xử lý đối với một số tài sản đặc thù (như tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là giấy tờ có giá, cổ phiếu chưa niêm yết) cũng là các nguyên nhân ảnh hưởng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Xác định rõ trách nhiệm của mỗi ngành
Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, phát huy được trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế kinh tế.
Cụ thể, trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, cần bổ sung thẩm quyền cho các cơ quan điều tra, viện kiểm sát chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn bảo đảm thu hồi tài sản. Theo đó, các cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về các hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại có liên quan đến người bị buộc tội. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp cưỡng chế khẩn cấp tạm thời như tạm giữ, cấm dịch chuyển tài sản của người bị buộc tội…để tránh việc người phạm tội và người thân của họ có thời gian, điều kiện hợp pháp hóa hoặc tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thu hồi.
Trong giai đoạn xét xử, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã được thi hành nhưng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đã làm thay đổi các nội dung đã quyết định trước đó; trách nhiệm của Tòa án khi chủ sở hữu chung khối tài sản khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án. Các bản án, quyết định của Tòa án cần tuyên rõ ràng, cụ thể, hậu quả pháp lý, nghĩa vụ phát sinh để công tác thi hành án được khả thi, thuận lợi trong thi hành.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS theo hướng nâng cao thẩm quyền của cơ quan THADS và Chấp hành viên trong truy tìm tài sản; hoàn thiện các quy định về ủy thác thi hành án, xử lý một số tài sản đặc thù; xử lý triệt để các trường hợp không có điều kiện thi hành án. Cần quy định cơ chế khuyến khích người thi hành án tự nguyện thi hành án và có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không cung cấp thông tin, xác nhận tài sản.