Nhờ vậy, các kết quả đạt được là hết sức tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là những nỗ lực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Ngoài tổ chức thực hiện có hiệu quả trên hầu khắp các lĩnh vực công tác tư pháp đầu năm 2018 mà Bộ Tư pháp đã đề ra, Chương trình công tác đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt và các nhiệm vụ đột xuất được cấp trên giao, ngành Tư pháp Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Kết quả công tác trên các lĩnh vực hầu hết đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể điểm lại một số lĩnh vực như trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, toàn tỉnh đã tổ chức khoảng 2.800 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho hàng trăm nghìn lượt người. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1.300 vụ việc, hòa giải thành đạt tỷ lệ 85,5%.
Sở đã mở hội nghị tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 2015 cho 450 đại biểu; biên soạn 1 bộ tài liệu hỏi – đáp, 3 loại tờ gấp tuyên truyền, cung cấp 19,9 nghìn sách pháp luật, tài liệu tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 cho doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, thiết thực góp phần đưa Bộ luật vào cuộc sống...
Nổi bật, trong công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định công bố Danh mục 31 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu giá tài sản; hòa giải thương mại thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tư pháp. Sở thường xuyên tiếp nhận và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; triển khai và sử dụng có hiệu quả phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Trong những tháng đầu năm 2018, Sở đã tiếp nhận hơn 1.100 hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến chiếm tới hơn 99,8%, giải quyết trước và đúng hạn chiếm 99,04% (trước hạn chiếm 91,37%), gần 10% hồ sơ được trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích...
Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, Sở đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn văn bản đi – đến; duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin, văn bản tài liệu qua tài khoản cá nhân; 100% văn bản trình UBND tỉnh được thực hiện qua 2 phương thức công văn và điện tử.
Sở còn đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, văn bản về hoạt động của ngành, văn bản pháp luật mới ban hành, văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh trên Trang thông tin điện tử của Sở, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, thu hút gần 190 nghìn lượt người truy cập.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như một số xã chậm kiện toàn công chức tư pháp – hộ tịch theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 quy định số lượng và bố trí cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Một số công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, chưa có trình độ chuyên môn luật nên tham mưu cho UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác tư pháp chưa toàn diện, chưa kịp thời; một số trường hợp còn sai sót trong thực hiện công tác hộ tịch, chứng thực ở cơ sở. Tuyên Quang cũng gặp không ít khó khăn trong từng lĩnh vực cụ thể gồm phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý.
Cần được kiện toàn, bố trí đủ công chức tư pháp – hộ tịch
Phát huy những kết quả đã đạt được, để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Tư pháp đề ra nhiệm vụ, giải pháp những tháng còn lại của năm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như trình UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác tư pháp; tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính...
Sở cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành kỳ 2014 – 2018; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 – 2024 gắn với việc thi hành Luật Hộ tịch; hướng dẫn, chỉ đạo Hội Công chứng viên tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất theo quy định.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật do ngành Tư pháp chủ trì; tuyên truyền pháp luật lưu động, phối hợp tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị; tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; duy trì nội dung và hoạt động Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.
Ngoài ra là hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2018; tổ chức kiểm tra công tác tư pháp năm 2018 gắn với kiểm tra theo 6 chuyên đề, lĩnh vực; kịp thời thẩm định, tham gia ý kiến, tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền, rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật; tập trung xử lý các thông tin lý lịch tư pháp...
Để bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực nêu trên. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, kiện toàn, bố trí công chức tư pháp – hộ tịch đúng số lượng, trình độ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND và Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND về ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.