Công tác tư pháp gắn với bảo tồn phát triển tộc người Đan Lai
Con Cuông là huyện biên giới khó khăn của tỉnh Nghệ An với 70% người dân tộc thiểu số, 9/13 xã thuộc diện khó khăn, ở các xã vùng sâu, vùng xa người dân có trình độ dân trí thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cộng đồng người Đan Lai sinh sống ở huyện Con Cuông với khoảng 3.000 nhân khẩu.
Trước đây, người Đan Lai sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, trong đó tập trung nhiều nhất ở thượng nguồn sông Giăng - khe Khặng. Một thời gian rất dài, tộc người Đan Lai sống biệt lập với thế giới bên ngoài, với phương thức sinh sống nhờ săn bắt, hái lượm chủ yếu dựa vào tự nhiên. Chính vì vậy họ đối diện với các nguy cơ về kinh tế, xã hội, suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyết, tảo hôn…
Đề án 280/2006 về bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát của Chính phủ được phê duyệt từ cuối năm 2006. Sau hơn 10 năm mới có 78 hộ dân với 531 nhân khẩu chuyển đến các khu tái định cư tại các bản Tân Sơn, Cửa Rào (xã Môn Sơn), bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn - Con Cuông) sinh sống. Theo Đề án chỉ giữ lại 30 hộ dân của bản Búng và Cò Phạt ở lại vùng lõi nhưng đến nay vẫn còn 224 hộ dân với gần 1.000 người đang sinh sống tại đây.
Song song với các hoạt động của Đề án, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tư pháp địa phương hết sức tích cực đã đạt được nhiều ý nghĩa lớn. Theo ông Vi Văn Hòa, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Con Cuông, với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền hiện nay vấn nạn hôn nhân cận huyết đã được hạn chế đi rất nhiều.
Ông Hòa nói: “Phòng đã phối hợp với các tổ chức hội như Phụ nữ, Thanh niên, Phòng Giáo dục, công an… tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các bản làng người Đan Lai sinh sống. Trước đây, nạn hôn nhân cận huyết là vấn đề khiến chính quyền địa phương đau đầu nhưng đến nay đã hạn chế được rất nhiều. Một phần cũng nhờ giao thông thuận lợi, thông thương giao lưu buôn bán với những người nơi khác đến. Đã có nhiều người Thái, Thanh kết hôn với người Đan Lai, cũng có trường hợp người Kinh vào kết hôn với người Đan Lai…”.
Chú trọng đưa luật đến tận thôn, bản làng
Theo ông Hòa, một trong những khó khăn trong việc tuyên truyền PBGDPL đối với bà con người Đan Lại tại khu vực vùng lõi là giao thông còn trắc trở, điện lưới mới có để thắp sáng vài tháng trở lại đây. Bà con với tập tục sáng mai đi làm mang theo cơm lên rẫy, đến tầm 4 giờ chiều về nhà ăn cơm và ngủ chứ không có phương tiện giải trí nào.
Công tác tuyên truyền chủ yếu làm ban đêm, cũng còn nhiều người không hiểu tiếng Kinh nên phải nhờ đến già làng trưởng bản hoặc cán bộ xã “thông dịch viên” cho bà con mới hiểu được một phần. Muốn phát tờ rơi để tuyên truyền cho bà con nhưng không hiệu quả vì còn ít người biết đọc chữ…
Từ trung tâm huyện vào đến nơi sinh sống của bà con Đan Lai mất 20km đường bộ đến đập Phà Lài, sau đó khoảng hơn 40km bằng thuyền trên sông Giăng mới đến nơi. “Để chuẩn bị cho đợt tuyên truyền thì Phòng phải phối hợp với các lực lượng để đi vào bản mất hẳn gần một ngày chuẩn bị sân khấu hoặc các thiết bị để tuyên truyền, rồi chờ bà con đi làm rẫy về đến vận động mới tổ chức được. Tính cả đi cả về cũng mất gần 3 ngày cho một đợt tuyên truyền”, ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Hòa, một điểm khiến nạn tảo hôn hạn chế là do chính sách đi học của học sinh, sau khi học hết cấp 1 thì phải chuyển ra trung tâm xã cách nhà 40km đường sông để học nên việc kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng phần nào giảm bớt. Đã không biết bao nhiêu lần vào với bà con Đan Lai để tuyên truyền PBGDPL và làm khai sinh cho bà con nhưng mỗi chuyến đi ông Hòa đều mang về những kỷ niệm đáng nhớ.
“Một số bố mẹ không nhớ con tên gì vì ông bà đi khai sinh, có người khai sinh 3 tên nên khi làm các thủ tục không được. Hay như trường hợp chồng đi khai sinh mang theo thẻ bảo hiểm y tế của vợ nhưng lại không biết vợ đặt con tên gì, phải chạy về nhà hỏi vợ tên gì mới lên khai sinh lại….”, ông Hòa kể. Mỗi lần trở về như thế, ông và những người trong đoàn lại đau đáu mong muốn được trở lại để tuyên truyền phổ biến cho bà con hiểu thêm về pháp luật.
Ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An chia sẻ, công tác tuyên truyền PBGDPL luôn được Sở chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc với phương châm là đưa luật về đến tận thôn, bản, thậm chí tận nhà cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Được biết, trong 6 tháng đầu năm Phòng Tư pháp Con Cuông đã tổ chức 4 buổi tuyên truyền lưu động tại các điểm vùng sâu, vùng xa, ra mắt thêm được 1 câu lạc bộ phòng chống mua bán người tại cơ sở thôn bản.
Từ năm 2011- 2015, Sở Tư pháp Nghệ An triển khai Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”. Đề án thực hiện trên 11 huyện, thị xã miền núi, 6 huyện đồng bằng có xã miền núi trong đó có huyện Con Cuông. In và cấp phát miễn phí hàng ngàn tài liệu tuyên truyền pháp luật tại các hội nghị tập huấn và cấp cho nhân dân, trong đó có nhiều tờ được chuyển thể sang tiếng dân tộc để thuận tiện trong việc đọc hiểu.
Trong 5 năm tổ chức 6 cuộc thi quy mô cấp tỉnh như: Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, Gương sáng thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật, Báo cáo viên pháp luật giỏi, Hộ tịch viên giỏi, Hòa giải viên giỏi, Hội nghị tôn vinh hòa giải viên cơ sở tiêu biểu. Công tác trợ giúp pháp lý cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thực hiện thường xuyên, từ 2011- 2015 thực hiện trợ giúp pháp lý 12.713 vụ việc, trong đó có 4252 vụ việc trợ giúp cho đối tượng là người dân tộc, thiểu số...