Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “ Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác” do tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tổ chức đến ngày 7/9.
Tại triển lãm, có hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu trên 200 mặt hàng gồm dược liệu thô và sản phẩm từ dược liệu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, có sự tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của quận Jinan, tỉnh Jeollabuk và các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, đây là dịp quảng bá về tiềm năng sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý của tỉnh, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển cây dược liệu tại địa phương.
Kon Tum là tỉnh có 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, trong đó cây dược liệu hết sức phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế rất cao như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, đương quy, lan kim tuyến…
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu chỉ có ở Kon Tum và tỉnh Quảng Nam với nhiều tính năng, công dụng vượt trội mà các loài sâm khác không có. Hiện tỉnh Kon Tum đã có 9 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei với diện tích khoảng 400ha.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh ưu tiên tập trung phát triển bốn loài dược liệu chủ lực: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, nghệ vàng và một số loài dược liệu có thế mạnh, sức tiêu thụ lớn trên thị trường.
Để đẩy mạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn, tỉnh Kon Tum thống nhất mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha đối với cây sâm Ngọc Linh trồng liên kết; hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống trồng đảng sâm và đương quy cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ cho hộ nghèo 100% chi phí mua cây giống trồng đảng sâm, đương quy, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức cho chu kỳ đầu tiên.
Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2020, đầu tư hoàn thiện hạ tầng và sớm đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp chế biến dược liệu Đăk La, huyện Đăk Hà với quy mô chế biến đạt hơn 1.500 tấn/năm, hoặc khu vực chế biến dược liệu công nghệ cao tại TP Kon Tum để thu hút một dự án đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ (tinh nghệ) với công suất 3.000 tấn/năm; một nhà máy tinh chế curcumin nghệ ở huyện Ia H’Drai với công suất 50 tấn/năm; đầu tư xây dựng từ một đến hai nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đương quy, đảng sâm công suất 3.300 tấn củ tươi/năm tại huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu; phấn đấu có sản phẩm đầu tiên trên thị trường, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.