Nhìn lại năm công tác 2015, công tác tư pháp trên địa bàn thành phố thực sự có nhiều chuyển biến nổi bật. Đó là, đã tập trung triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm đặc biệt, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được nâng cao, bảo đảm tính hợp pháp, tính khả thi và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đối với công tác lý lịch tư pháp, đã đề ra nhiều cách làm mới và chủ động hơn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giảm hẳn tình trạng trễ hẹn với công dân.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố từng bước được nâng cao.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL, góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc tham mưu ban hành VBQPPL trên địa bàn thành phố.
Công tác bổ trợ tư pháp ngày càng được hoàn thiện, thể hiện sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý công chứng, luật sư, giám định pháp y…
Tại buổi tổng kết, đồng chí Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã nhấn mạnh một số nội dung công tác trọng tâm của ngành cần triển khai và đặc biệt chú trọng thực hiện các nhiệm vụ như: Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực từ 01/7/2016 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 01/01/2016.
Đây là hai luật quan trọng có nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội cũng như công tác của ngành. Đặc biệt, việc tổ chức lại HĐND quận, huyện, phường sau 8 năm thí điểm không tổ chức HĐND các cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng, theo đó sẽ có nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác tư pháp ở địa phương như công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản đòi hỏi các cán bộ tư pháp quận, huyện, xã, phường phải kịp thời có sự nghiên cứu và tham mưu tốt cho UBND cùng cấp.
Đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phục vụ hiệu quả cho việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Cán bộ tư pháp phải là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tổ chức tuyên truyền theo nhóm đối tượng bằng các hình thức tổ chức khác nhau...
Về việc triển khai Luật Hộ tịch, Tư pháp Đà Nẵng đã tập trung hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, nhất là các loại việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài mới được chuyển giao thẩm quyền giải quyết cho UBND các quận, huyện, trong đó lưu ý các Trưởng phòng Tư pháp quận, huyện làm tốt công tác tham mưu giải quyết các việc về hộ tịch trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ tịch.
Chú trọng thực hiện hiệu quả Luật XLVPHC và các nghị định hướng dẫn thi hành, tổng hợp kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi để đề xuất cơ quan có thẩm quyền. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính...
Thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu điện để giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, định hướng để các tổ chức hành nghề công chứng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ với mục tiêu là phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất yêu cầu của tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm của các công chứng viên để đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động, hành nghề tuân thủ pháp luật, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thực hiện tốt công tác lý lịch tư pháp, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tối đa việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trễ hẹn. Tập trung kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm pháp luật.
Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và pháp luật, nhất là cán bộ tư pháp cấp huyện và cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc được giao, phấn đấu hoàn thành và về đích sớm đối với một số nhiệm vụ công tác trọng tâm, trọng điểm của ngành.