Say mê tiếng Việt thời còn đi học
Không thuộc khối ngữ văn, anh Lê Trọng Nghĩa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã bộc lộ sự yêu thích đối với tiếng Việt. Anh chia sẻ, trang “Tiếng Việt giàu đẹp” được thành lập từ năm 2012. Khi đó, anh còn đang là cậu học sinh học lớp 11 mải miết theo những môn học cấp 3. Thời điểm đó, anh chỉ thành lập trang bởi quá yêu thích sự phong phú và đa dạng của ngôn ngữ, đăng những chia sẻ cá nhân và chưa có nhiều hoạt động nổi bật.
Là người say mê đọc một tờ tạp chí về kiến thức từ bé, trong đó chuyên mục say mê nhất là của học giả An Chi với rất nhiều kiến thức hay về ngôn ngữ tiếng Việt, Lê Trọng Nghĩa tâm sự, anh đã hình thành mong muốn được làm theo học giả An Chi để chia sẻ những kiến thức về tiếng Việt từ rất sớm, khi đó còn chưa có một trang nào trên Internet giải thích chia sẻ về tiếng Việt.
Trong khi đó, với nhu cầu rất cao của việc học ngoại ngữ nên trên Internet có rất nhiều trang về tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… với nhiều phân tích rất hay. Nghĩa bảo, chính thực tế đó đã “thôi thúc tôi phải xây dựng trang “Tiếng Việt giàu đẹp” để mọi người cùng thấy tiếng Việt của chúng ta cũng rất hay, rất đáng nghiên cứu”.
Sau thời gian đó, anh theo đuổi ngành công nghệ thông tin, thời gian dành cho trang cũng dần ít lại, chỉ còn thỉnh thoảng xuất hiện một số bài đăng. Dù số lượng ít nhưng bất ngờ, những bài đăng ấy đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong cộng đồng mạng. Thế rồi lượng người truy cập, người tham gia trang “Tiếng Việt giàu đẹp” cũng tăng dần theo thời gian.
Mặc dù chỉ với một số lượng bài ít ỏi nhưng… chẳng hiểu sao, lượng truy cập và tham gia “Tiếng Việt giàu đẹp” cứ thế tăng lên. Điều đó cho thấy sự “khát” kiến thức và mong muốn tìm hiểu của cộng đồng là rất lớn” - Nghĩa chia sẻ về nguồn động viên khiến anh trở lại.
Đến tận khi hoàn thành xong chương trình đại học, cơ duyên đã nối anh lại với tiếng Việt. “Tới năm 2019, khi thực sự trưởng thành sau khi đã hoàn thành chương trình đại học và ở lại làm việc ở Nhật Bản, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với “Tiếng Việt giàu đẹp” cùng tham vọng có thật nhiều người tham gia hưởng ứng”. Thời gian sau này, anh tra cứu tận gốc các tài liệu để đưa lên trang và cũng tự viết được những bài chuyên nghiệp hơn.
Năm 2021, Nghĩa và các cộng sự lần đầu tiên tổ chức dự án Ngày Tôn vinh tiếng Việt 21/2 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía cộng đồng… Sau dự án, nhờ sự động viên của độc giả trong nhiều lĩnh vực, “Tiếng Việt giàu đẹp” quyết định “bước từ mạng xã hội ra đời thật”, chuyển mình từ một trang Facebook sang một tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 40 thành viên, chuyên thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của tiếng Việt. Cho tới nay, “Tiếng Việt giàu đẹp” đã có được khoảng hơn 77.000 lượt yêu thích trên Facebook và mở rộng trên nhiều nền tảng như website, Youtube…
Nói về việc mê… tiếng Việt nhưng chọn học ngành công nghệ thông tin, Nghĩa cho rằng ứng dụng 4.0 hiện nay có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ. Nghĩa nói: “Theo mình, ứng dụng công nghệ 4.0 rất quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt, vì đây có thể là nơi lưu trữ tài liệu, tư liệu, ngôn ngữ học là ngành có nhu cầu tra cứu rất lớn. Mình nhận thấy tại các nước trên thế giới, hầu như mỗi xã, phường, thị trấn đều có các thư viện, và các thư viện đều có hệ thống tra cứu online. Qua tra cứu online, mọi người có thể tìm đến thư viện gần nhất để tìm cuốn sách mà mình cần”.
Từ “ý tưởng” thì tiếng Anh là “idea” và sẽ là không tốt nếu nói từ này bằng tiếng Anh trong các giao tiếp thông thường. Tiếng Anh từ trong công việc đang thâm nhập vào cuộc sống của người Việt rất nhanh và đặc biệt ảnh hưởng tới các thế hệ sau này, đặc biệt là với các em được học tiếng Anh từ nhỏ. Nghĩa cho rằng, cũng không thể trách các bạn trẻ được vì trên mạng Internet đang rất thiếu thông tin về tiếng Việt và không nên nghĩ rằng đã có hàng trăm tờ báo tiếng Việt lên mạng là đủ.
Tiếng Việt là giá trị cốt lõi văn hóa dân tộc. |
Người trẻ học được gì?
Cảm nhận về trang “Tiếng Việt giàu đẹp”, Nguyễn Ngọc Yến (sinh viên năm 3, ngành Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) bày tỏ: “Mình nghĩ để giúp tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn, cần tạo ra nhiều sân chơi cũng như môi trường để mọi người, nhất là giới trẻ có cơ hội thêm yêu tiếng Việt. Từ đây mình nhận thấy bản thân có ý thức hơn trong việc tìm hiểu cũng như rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt của mình”.
Nguyễn Ngọc Thanh Tùng, sinh viên khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM không khỏi bất ngờ khi trang này giúp mọi người phân biệt được những từ ngữ tuy rất đơn giản, nhưng chúng ta lại phát âm hay viết sai. Tùng cho hay: “Những lời nói thường ngày mình quen miệng phát âm ra như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của nó thì quá rộng. Xem trang này giúp mình cải thiện vốn từ, hiểu chính xác nghĩa của những từ mình dùng hằng ngày”.
Không chỉ những người trẻ Việt Nam có hứng thú hơn với tiếng Việt, ngay cả những người bạn ngoại quốc cũng rất hào hứng với tiếng Việt. Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội như Tiktok hay Facebook có những video hài hước về cách người nước ngoài học từ tiếng Việt. Với nội dung hài hước, những video này nhanh chóng đạt lượt xem khủng. Điều đó cho thấy sức hút từ tiếng Việt đối với không chỉ người dân Việt Nam mà còn là với sự quảng bá văn hóa tiếng Việt đến quốc tế.
Tuy nhiên, trái ngược với điều đó, cũng có những bạn trẻ vì thể hiện mà bỏ qua những giá trị tốt đẹp nhất của tiếng Việt, pha trộn vô nghĩa tiếng Việt với các thứ tiếng khác gây khó chịu cho người nghe. Tiếng Việt giàu đẹp, tiếng Việt yêu thương! Nhưng tiếng Việt cũng đang biến đổi nhanh quá, vừa như là xu hướng tất yếu của thời hiện đại vừa làm tiếng Việt xấu đi. Cần một ngày để tôn vinh tiếng Việt và cần một chính sách đủ mạnh để bảo vệ tiếng Việt.
Với “Tiếng Việt giàu đẹp”, Lê Trọng Nghĩa và những thành viên khác cũng có những mong ước riêng. “Tiếng Việt giàu đẹp” không chỉ là tên của tổ chức mà còn là thông điệp mà tất cả những thành viên muốn gửi gắm đến cộng đồng. Chúng tôi không dừng lại ở việc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mà còn muốn lan tỏa những cái hay, cái đẹp đó đến với cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Với các bài viết gần gũi, sinh động, chúng tôi hy vọng mang đến một góc nhìn thân thiện hơn về ngôn ngữ học, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về sự đa dạng, phong phú của tiếng nói quê nhà. Từ đó, mỗi người con Việt sẽ tự nâng cao ý thức giữ gìn, lan tỏa và phát huy những giá trị cao đẹp của tiếng Việt thân thương” - anh chia sẻ.
Đây là dự án ý nghĩa với mong muốn bảo toàn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngôn ngữ chính là cốt lõi giá trị văn hóa dân tộc mà giới trẻ ngày nay cần hiểu và tôn trọng.