Lão nông của lòng dân
Khu vườn của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng (SN 1889, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng của thôn Kim Đông, đằng trước là đồng ruộng, phía sau là dòng sông. Tại khu vườn, bia tưởng niệm gia tộc được xây dựng kiên cốở nơi trang nghiêm nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Thừa (ngụ thôn Kim Đông, cháu nội liệt sĩ Nguyễn Chưng), liệt sĩ Nguyễn Chưng sinh ra ở một vùng quê miền sông nước chín áo một quần, đất đai canh tác chẳng có là bao. Thời thực dân phong kiến, phần lớn đất đai nằm trong tay một số địa chủ, chức sắc ở địa phương. Đất canh tác ít, cuộc sống nhân dân thiếu thốn, đói khổ.
Chưa hết, lấy lý do đắp đê phục vụ dân sinh, bọn địa chủ, cường hào đã lấy 60 mẫu ruộng của dân. Thế nhưng, đê không thấy đắp, chỉ thấy đất của dân bị chúng chiếm đoạt làm của riêng lại đẩy người dân vào bần cùng của sự đói khổ.
Ngày ấy, ông Chưng chỉ là một nông dân nhưng sớm giác ngộ chân lý cách mạng. Ông đứng ra tập hợp quần chúng nhân dân ở Kim Đông đứng dậy đấu tranh chống lại bọn cường hào, địa chủ đòi lại đất. Cuộc đấu tranh không cân sức chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, thế nên nhanh chóng bị dập tắt.
Lấy cớ đó, chúng vu khống, tìm cách bắt ông Chưng và một số người trong gia đình ông. Sau đó, ông cùng anh trai bị bọn cường hào bắt tống giam.
Ông Thừa tháp nén nhang lên bà thờ ông nội. |
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ruộng đất trong tay bọn địa chủ, cường hào được trả về để chia đều cho dân nghèo. Người dân thôn Kim Đông giành lại quyền làm chủ cuộc sống và được đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến cứu quốc do Đảng ta khởi xướng.
Thời kỳ này, ông Chưng đứng ra thành lập công đoàn, tổ chức hội nông dân, hướng người dân địa phương đi theo hướng canh tác tập thể. Ông còn phụ trách công trình thủy lợi, vận động nhân dân xây dựng đê điều, đập giữ nước để dẫn nước về cung ứng cho sản xuất, giúp đời sống người dân khá hơn.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Chưng bám trụ tại địa phương hoạt động bí mật như: treo cờ cách mạng, rải truyền đơn tuyên truyền, làm liên lạc viên, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội và nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, trong đó có những cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Định.
Tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của ông Chưng chẳng khác nào “cái gai” trong mắt kẻ địch, chúng luôn tìm cách nhổ“cái gai”ấy. Thế nhưng, bên cạnh ông còn có sự đoàn kết bảo vệ của nhân dân nên chúng không thể thực hiện được ý đồ.
Ngày 28/3/1966, trong một cuộc càn quét của Mỹ- Ngụy, ông Chưng cùng nhân dân thôn Kim Đông đấu tranh trực diện với kẻ địch và ông đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh ấy trở thành một tấm gương sáng thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường để lớp lớp con cháu ông noi theo.Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ vào ngày 24/12/2001.
Cả gia đình cầm súng
Vợ chồng ông Chưng có 8 người con đều noi gương cha tham gia kháng chiến. Trong đó, có 6 người là bộ đội trực tiếp cầm súng đánh giặc như: ông Nguyễn Nghị (con trai cả) gia nhập quân đội ở Quy Nhơn; ông Nguyễn Bính (con thứ ba) là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa, Thường vụ Huyện ủy Tuy Phước, sau khi tập kết ra Bắc lại đi vào Nam làm Phó Ban Binh vận tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Nam (con thứbảy) là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa, Thường vụ Huyện ủy Tuy Phước, Chủ tịch Nông hội Tuy Phước, chuyên viên cao cấp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Học (liệt sĩ), Xã đội trưởng Phước Hòa, cán bộ nằm vùng thời chống Mỹ; ông Nguyễn Tuân (liệt sĩ), Phó Ban Binh vận tỉnh Gia Lai, Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên bám trụ hoạt động Tây Nguyên…
Ông Trung bên bia tưởng niệm của gia tộc. |
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng có 12 liệt sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc. Đó là liệt sĩ Nguyễn Chưng và 3 người con, 8 người cháu nội.
Có ba người trong gia đình liệt sĩ Chưng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là mẹ Lê Thị Mười, vợ liệt sĩ Chưng, có chồng và hai con trai hy sinh vì Tổ quốc; mẹ Trần Thị Lưỡng, con dâu của liệt sĩ Chưng, bản thân mẹ cũng là liệt sĩ và là mẹ của hai liệt sĩ khác; mẹ Huỳnh Thị Thử, cũng là con dâu của liệt sĩ Chưng, có chồng và hai con đều là liệt sĩ.
Dẫn chúng tôi ra bia tưởng niệm của gia tộc, ông Nguyễn Văn Trung (cháu cố liệt sĩ Nguyễn Chưng) cho biết, năm 2011, để tưởng nhớ sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân cũng như công sinh thành dưỡng dục con cháu nên người, con cháu trong gia tộc Nguyễn Chưng đã đóng góp tiền của lập bia tưởng niệm 12 liệt sĩ và 3 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài ra, còn nhiều con cháu khác của liệt sĩ Nguyễn Chưng đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh. Nhiều người được Nhà nước tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Khi đất nước thống nhất, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, con cháu trong gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng cũng giữ nhiều trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
“Hầu hết con cháu của ông cố tôi đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng năm, con cháu trong dòng tộc dù bận công tác, làm ăn xa ở đâu nhưng cứ đến dịp lễ trọng đại của đất nước như: Quốc khánh 2/9, Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hay ngày giỗ tế hiệp gia tộc 19/1 âm lịch, con cháu lại sum tụ về ôn lại truyền thống cách mạng của ông cha và giáo dục lễ nghĩa, lòng yêu nước để con cháu noi theo”, ông Trung tự hào.
Xây cầu cho dân, giúp đỡ học sinh nghèo
Không chỉ có truyền thống cách mạng, các con, cháu, chắt của liệt sĩ Nguyễn Chưng đều học hành thành đạt, người thấp nhất cũng đạt trình độ cao đẳng.
“Thời ông nội của tôi là liệt sĩ Nguyễn Chưng dù đói khổ bủa vây nhưng con cháu vẫn được ăn học đến nơi đến chốn. Theo gương đó, lớp con, cháu, chắt sau này ai nấy đều có ý chí vượt khó quyết theo đuổi việc học để có tri thức phục vụ đất nước”, ông Thừa chia sẻ.
Hàng năm, gia tộc Nguyễn Chưng còn duy trì học bổng cho con cháu trong dòng họ và học sinh nghèo học giỏi ở thôn Kim Đông. “Tri thức mới tạo dựng nên thành công. Các cháu học sinh ham học, vượt khó chính là nhân tố cần nuôi dưỡng. Chúng tôi không làm được nhiều, chỉ trong điều kiện của mình nhưng muốn khuyến khích những hạt giống ấy vươn lên nảy mầm cống hiến trong tương lai”, ông Thừa cho biết.
Năm 2006, con cháu của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng đã tự nguyện đóng góp, hỗ trợ tiền để xây dựng chiếc cầu Ông Tường và con đường bê tông dẫn vào thôn Kim Đông với chiều dài 300m, kinh phí hơn 200 triệu đồng.
“Nhờ cây cầu Ông Tường và con đường kiên cố do con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng đóng góp xây dựng, người dân đỡ bớt gánh nặng mùa thu hoạch vì xe cơ giới tới thẳng đồng ruộng vận chuyển nông sản về tận nhà. Người dân ở đây khi nhắc về ông Nguyễn Chưng, ai nấy cũng tự hào”, ông Nguyễn Văn Đạt (ngụ thôn Kim Đông) cho biết.