Xung quanh thắc mắc này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quý Phi, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
PV: Thưa ông, trong vấn đề xử phạt hành vi không sang tên, đổi chủ phương tiện, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao có độ lùi khá lớn về thời điểm xử phạt giữa xe ô tô và xe gắn máy (xe ô tô sẽ bị xử phạt từ đầu năm 2015, còn xe gắn máy đến đầu năm 2017)?
Ông Vũ Quý Phi: Trước đây tại các văn bản quy phạm pháp đã có quy định về xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục sang tên khi chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và việc xử phạt đã được tiến hành. Trong báo thống kê hàng năm của lực lượng tuần tra kiểm soát, đều có số liệu xử lý vi phạm về các trường hợp không sang tên đổi chủ, nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý hết.
Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua, nhiều người vẫn chưa nắm được các quy định cụ thể về vấn đề này, bởi vậy chúng ta phải lui lại một thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thêm điều kiện chuẩn bị, cũng như công tác tuyên truyền được ngấm sâu hơn.
PV: Trong thời gian dài, quy định về xử phạt hành vi không sang tên chính chủ đối với ô tô và xe máy đã nhiều lần được các cơ quan chức năng nâng lên đặt xuống và cũng phải tạm hoãn vài lần. Vậy theo ông, thời điểm này đã chín muồi cho việc áp dụng các chế tài xử phạt?
Ông Vũ Quý Phi: Tôi nghĩ vấn đề này phải xử lý từ lâu rồi chứ không phải đợi đến ngày 1/1/2015. Ngoài việc tạo thuận lợi về mặt nghiệp vụ cho các cơ quan chức năng trong việc giám sát thực hiện pháp luật ở lĩnh vực giao thông đường bộ (phạt nguội qua camera), việc kiểm tra và xử phạt đối với lỗi không sang tên phương tiện còn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trên thực tế có không ít phương tiện được trao tay qua nhiều người và không làm thủ tục sang tên chính chủ, đến khi xảy ra các vụ tai nạn mà người điều khiển xe bỏ trốn thì không thể truy được chủ sở hữu của chiếc xe đó để xử lý cũng như bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Như vậy, một trong những mục đích mà Nghị định 171 hướng tới là vừa bảo vệ quyền lợi cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi và bảo vệ pháp luật. Buộc người dân phải làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện sau khi nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho...là để lúc xảy ra các tranh chấp dân sự hay vụ án hình sự thì các cơ quan chức năng đều có thể truy được chính xác đối tượng để xử lý.
|
Ông Vũ Quý Phi: "Nhà nước đã dành thời gian khá dài cho các chủ phương tiện làm thủ tục chuyển quyền sở hữu". Ảnh: Vân Anh |
PV: Theo quy định tại Điều 34 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an thì xe ô tô, máy kéo,…đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết đăng ký sang tên theo quy định đến hết ngày 31/12/2014. Nghĩa là sau thời điểm này, các trường hợp trên sẽ không được làm thủ tục sang tên. Vậy cơ quan chức năng sẽ giải quyết ra sao với lượng xe còn tồn đọng mà chưa sang tên chính chủ?
Ông Vũ Quý Phi: Tôi nghĩ Nhà nước đã dành khoảng thời gian khá dài để các chủ phương tiện chuẩn bị cũng như làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Sau thời điểm này mà những ai chưa chuyển đổi, sang tên sẽ không được giải quyết nữa, bởi cái gì cũng có thời điểm.
Trong việc làm thủ tục, cơ quan chức năng cũng không gây khó khăn, phiền phức; ngược lại đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc và đơn giản hoá thủ tục chuyển quyền sở hữu. Ngay cả trường hợp mất giấy tờ chuyển nhượng thì chủ phương tiện chỉ cần có bản cam kết, đến công an cấp xã xác nhận và chịu trách nhiệm về việc mua bán là đúng thì có thể đến cơ quan chức năng giải quyết đăng ký và nộp lệ phí chước bạ theo quy định.
Đã hơn một năm, quá nhiều thời gian cho người dân làm thủ tục chuyển đổi. Nếu những ai không làm là do họ cố ý không chấp hành quy định của pháp luật, bởi vậy không thể kéo dài thời gian hoãn mãi được. Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều, không thể cứ chạy theo “đuôi” một vài đối tượng không có ý thức chấp hành pháp luật.
Sau thời điểm 31/12/2014, nếu còn trường hợp nào chưa làm thủ tục sang tên thì các cơ quan chức năng sẽ tập hợp lại và lúc đó Bộ Công an và một số Bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn tiếp.
PV: Thưa ông, một trong các loại giấy tờ để làm thủ tục đăng ký sang tên là Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu). Ông có thể cho biết, người dân chỉ cần in loại giấy này trên mạng Internet hay bắt buộc phải đến cơ quan đăng ký xe để lấy bản khai có dấu?
Ông Vũ Quý Phi: Với loại giấy này thì người dân chỉ cần in trên mạng và khai báo theo mẫu chứ không đòi hỏi phải có dấu của cơ quan chức năng. Kể cả Giấy đăng ký xe và các tờ khai khác cũng có thể lấy trên mạng. Tuy nhiên, người dân đặc biệt chú ý là kích cỡ tờ khai cũng như phông chữ, cỡ chữ… phải theo đúng mẫu mà Thông tư 15/2014 Bộ Công an đã ban hành
Trân trọng cám ơn ông!
"Một trong những mục đích mà Nghị định 171/2013 hướng tới là vừa bảo vệ quyền lợi cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi và bảo vệ pháp luật. Buộc người dân phải làm thủ tục sang tên phương tiện sau khi nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho...là để lúc xảy ra các tranh chấp dân sự hay vụ án hình sự thì các cơ quan chức năng đều có thể truy được chính xác đối tượng để xử lý"- (Ông Vũ Quý Phi- Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia).