Đột phá đầu tiên là DN thủy sản chế biến, dám chấp nhận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi nhà máy, thu mua nguyên liệu hay thậm chí nhà nhập nguyên liệu. Theo gương đó, các DN chế biến tiêu, điều, lúa gạo, gỗ… cũng phát triển rất mạnh. Trong khi đó, DN lớn nhà nước đầu tư từ nông trường quốc doanh cho đến nhà máy, ví dụ, cà phê, dâu tằm, cao su thì thất bại cả từ sản xuất đến chế biến.
TH True milk là một trong những DN Việt Nam vươn ra thị trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng công nghệ, dây chuyền bên ngoài, áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe ở những thị trường khó tính, từng bước một xây dựng thương hiệu...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công to lớn thì chúng ta cũng phải đối mặt với một thực tế khác là DN nông nghiệp vẫn “thua ngay trên sân nhà”. Tại sao lại mâu thuẫn như thế?
Thứ nhất, khó khăn lớn nhất chính là đất đai. Các DN đầu tư vào nông nghiệp sợ nhất là không có đất để mở DN, không có đất để mở nhà máy, không thể liên kết được nhiều hộ nông dân có diện tích đất nhỏ lẻ.
Thứ hai, về lao động. Chúng ta nói về năng lực người lao động, tác phong lao động, đa số các lao động làm trong nhà máy, xí nghiệp, các DN là lao động thời vụ không được đăng ký, không có hợp đồng, không được đóng bảo hiểm. Họ không thể đầu tư để nâng cao trình độ, không có ý thức phấn đấu hết mình.
Thứ ba, DN vừa và nhỏ đang thiếu vốn nghiêm trọng, trong đó có vốn đầu tư trung hạn, đầu tư dài hạn ngay cả vốn ngắn hạn còn thiếu. Các DN nhỏ thường không có tài sản gì để thế chấp ngoài diện tích đất dự định đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, thế chấp tài sản như nhà màng, nhà lưới… lại không được ngân hàng chấp nhận.
Thứ tư, 90% công nghệ hiện nay vẫn do viện, trường quản lý, trong khi tất cả các ngành khoa học đã xã hội hóa rồi. Các công trình khoa học theo kiểu quản lý, lập kế hoạch, đánh giá đề tài đều cho Hội đồng khoa học chứ không phải cho doanh nhân, nông dân chưa quan hệ cung - cầu, khách hàng.
Thứ năm, chính là thiếu thông tin. Tại sao nông dân chặt cây này, trồng cây kia chạy theo cung - cầu ngắn hạn của thị trường, bởi vì không có cơ quan nghiên cứu thông tin dài hạn, không có thông tin dài hạn cho người nông dân. Thay vì việc phải đi giải cứu nông sản hàng năm, chúng ta phải đầu tư vào thị trường, hệ thống chuỗi giá trị.
Cuối cùng là các dịch vụ nhà nước, chúng ta có rất nhiều dịch vụ công phục vụ đầu vào như khuyến nông thủy lợi, tăng sản xuất mở rộng sản xuất, thay vì phát triển thị trường mở rộng thị trường bảo vệ quyền lợi người nông dân trong thời kỳ cơ chế thị trường. Nếu làm được như thế DN chúng ta trong nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường.