Trường Sa, ký ức không phai: Tình yêu còn mãi qua những trang nhật ký

Ông bà Trương Đình An ngắm những di vật của liệt sĩ Trương Đình Bính.
Ông bà Trương Đình An ngắm những di vật của liệt sĩ Trương Đình Bính.
(PLO) -Những ngày tháng 7 nghĩa tình, đâu đó ngoài Trường Sa, bãi đá Gạc Ma... những người chiến sĩ trẻ ngã xuống hoặc để lại một phần máu thịt cho hôm nay, cho những giá trị bất diệt trường tồn với thời gian, cho những thế hệ mai sau luôn khắc ghi tâm cốt: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam ta.

Những mảnh ký ức... 
Nha Trang tháng 7, rộn rã trong tiếng kèn, tiếng hát hòa lẫn tiếng rì rào của thành phố biển khi Festival Biển vừa diễn ra nơi đây. Ngoài khơi xa, những con thuyền vẫn rẽ nước ra khơi đánh bắt cá, những âm thanh của cuộc sống cuốn mọi người hối hả. Dường như không phải ai cũng biết có những thân nhân, cựu binh Trường Sa vẫn lặng lẽ sống trong những mảnh ký ức của riêng mình cho một niềm tin thiêng liêng mà chỉ riêng họ có...
Chúng tôi tìm đến một căn nhà nép mình cuối đường Nhị Hà vào một ngày nắng chói chang nhưng tiếng cười đùa rộn rã của con trẻ như xua đi cái oi bức, nóng nực giữa trưa hè. Đón chúng tôi vào nhà, bà Lê Thị Hoa, mẹ liệt sĩ Trần Kim Ánh (hy sinh ở đảo Tốc Tan năm 1988) đang tất bật lo bữa cơm cho chồng, cho cháu. 
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hoa tâm sự, có những lúc cuộc sống tất bật khiến bà cũng quay cuồng. Những kỉ niệm về đứa con trai đầu, có lẽ vẫn thường tìm đến với bà hàng đêm khi mọi thứ đã tĩnh lặng. Cứ ai nhắc tới tên liệt sĩ Trần Kim Ánh hoặc đến những ngày tháng 7 này, lập tức trong bà trào dâng sự xúc động. Cho đến tận bây giờ, đã 27 năm trôi qua nhưng bà vẫn không muốn tin cậu con trai trưởng hiền lành đã nằm lại đâu đó trong lòng đại dương. 
Lật giở chiếc hòm đã cũ màu theo thời gian, bà Hoa đưa cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Kim Ánh cho chúng tôi xem và nghẹn ngào, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn của bà. Lấy tay ép lên phía trái tim như muốn ngăn huyết áp đừng tăng cao, người mẹ này phải mất một lúc lâu mới có thể bình tĩnh, lại tiếp tục chuyện trò với chúng tôi. Bà Hoa nói: “Nó viết thư tình cảm lắm, chắc là muốn động viên cha mẹ, chứ nhật ký của nó quyết tâm lắm”. 
Được bà Hoa cho phép, chúng tôi mở xem trang nhật ký của liệt sĩ Trần Kim Ánh. Ngay trang nhật ký ngày đầu nhập ngũ của chàng chiến sĩ hơn 20 tuổi, anh bộc lộ những cảm xúc hừng hực khí thế khi được chọn vào hàng ngũ những người lính Hải quân ra bảo vệ Trường Sa: “Ta sẵn lòng đem máu giữ Trường Sa… Là quân nhân, tôi thề vì Tổ quốc/Sẽ phục vụ bất cứ nơi đâu/Dù Trường Sa hay là nơi khác/Thế mới là chiến sĩ bán đảo Cam Ranh”. Cuốn nhật ký nhiều trang đã hoen màu không còn đọc rõ và dừng lại vào một ngày đầu tháng 4/1988. Trang cuối cùng, liệt sĩ Trần Kim Ánh viết: “Mai đây đất nước sạch bóng quân thù/ Con sẽ trở về đền đáp lại công ơn... Cha mẹ hãy lắng dịu tình thương mẫu tử/Để lòng con lên đường được thắng lợi”. 
Sau khi con trai hy sinh trong một trận đánh ác liệt bảo vệ chủ quyền đảo Tốc Tan năm 1988, bà Hoa vẫn đau đáu mong được nhìn thấy thi hài của đứa con trai dù biết rằng không thể. Cứ đến ngày nhận giấy báo tử của liệt sĩ Ánh, bà Hoa bảo hai vợ chồng vẫn hướng nhìn ra biển, nơi con nằm lại trong lòng biển Đông để nhớ về con, như đâu đó anh vẫn luôn dõi theo từng thành viên trong gia đình. 
Bà Hoa khảng khái: “Tuy già nhưng chúng tôi còn sức. Còn sức thì còn cống hiến, còn đóng góp cho xã hội; phải sống đàng hoàng cho xứng với con chứ”. Bà Hoa tâm sự, mỗi lần nhớ con, bà lại đem nhật ký của con ra đọc, và lần nào cũng vậy, nước mắt cứ nhòe đi, rơi cả vào những trang nhật ký của con.
Bà Lê Thị Hoa xúc động lần giở cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Kim Ánh
Bà Lê Thị Hoa xúc động lần giở cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Kim Ánh 
Chỉ ước ao con có tấm ảnh thờ mặc đồ hải quân
Rời nhà mẹ Hoa, chúng tôi đến thăm gia đình bà Bùi Thị Định (mẹ liệt sĩ Trương Đình Bính, hy sinh tại đảo Đá Đông tháng 6/1988) ở cuối cùng con hẻm đường Hà Thanh mà đứng chôn chân khi biết hoàn cảnh gia đình rất éo le. Ngồi gần như bất động trên chiếc võng đã cũ trong góc nhà, bà Định kể về con trai câu được, câu không. 
Cách đây 2 năm, trong một lần bị tai biến, bà Định đi lại khó khăn hẳn, trí nhớ giảm sút nhiều và gần như những ký ức về cậu con trai cả cũng biến mất theo. Hỏi về con trai, bà Định chỉ nhớ con mình bơi rất giỏi, rất đẹp trai và hiền lành. Ông Trương Đình An, cha liệt sĩ Bính cũng không còn khoẻ sau lần mổ tim cách đây 3 năm. Nhưng trong dáng hình gầy gò và cách nói chuyện chậm rãi, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng sự lạc quan, niềm tự hào về người con đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ngoài Trường Sa năm nào. 
Ông khoe, Bính nối nghiệp cha, cũng làm thợ sắt ở Xí nghiệp Cơ khí Nha Trang, sau đó trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và ra Trường Sa. Mới đi hơn 1 năm, chàng thanh niên 22 tuổi đã hy sinh. Đón anh về với đất mẹ, ông An cho biết chỉ là một ít tư trang và dòng chữ khắc tên anh trên tấm bia ghi tên liệt sĩ ở phường. 
Ông An khoe chúng tôi lá thư cuối cùng, đề tháng 12/1987 của liệt sĩ Bính gửi về nhà. Lá thư có đoạn viết: “Sắp tới, có đoàn ở đảo tới nhà hỏi thăm về con, ba má cứ trung thực nói nhé. Con chuẩn bị được kết nạp Đảng. Sau này được vào Đảng, con sẽ mang sức mình đóng góp cho Đảng, Tổ quốc nhiều hơn. Bố mẹ hãy giữ gìn sức khoẻ. Ở ngoài này, chuyện ăn uống, dụng cụ dư thừa, đường ăn không hết, ngày Tết cũng bánh mứt đầy đủ, hoa mai không thiếu”.
Ông còn chỉ vào một đoạn nhật ký viết đầy ấm áp của con: “Mỗi lần có bạn được vào đất liền, mình rạo rực lắm, mong được về thăm gia đình… Bố viết thư hay quá, mỗi lần mình nhận thư là cả đảo lại giành nhau đọc chung”. Vừa nhìn vợ, ông An vừa nói trong xúc động: “Ở đơn vị, nó được mệnh danh là rái cá đấy! Bơi giỏi nên nó mới cố cứu một đồng đội đang cùng làm nhiệm vụ…”. Nói đến đây, người đàn ông da mặt sạm đen vì gió biển rơi lệ...
Dõi ánh mắt ra phía biển ầm ào sóng, ông An lưu luyến: “Tấm hình thờ con hiện giờ vẫn là hình chụp năm nó học lớp 12. Chúng tôi chỉ ao ước có được tấm hình thờ con mặc bộ đồ hải quân...”. Nâng niu chiếc mũ cối - di vật của con ngày được đồng đội trao lại tư trang, ông An chậm rãi: “Ngày làm lễ truy điệu con, tôi không khóc. Bởi chúng ta ai cũng phải chết, nhưng con tôi đã hy sinh vì nước, cái chết của nó hơn cái chết của tôi, vì nó được Tổ quốc ghi công, tôi rất vinh dự”.
Chiều muộn, Nha Trang tắt nắng đón cơn mưa đầu mùa nặng hạt, chúng tôi hướng ánh mắt nhìn ra biển xa, những bọt nước trắng xóa, những con sóng ầm ào ngày đêm không nghỉ. Giữa cuộc sống hối hả bộn bề, đâu đó giữa thành phố này, những ký ức Trường Sa vẫn bất diệt trong sâu thẳm những người sống, như gia đình bà Hoa, ông An... /.

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...