Gia Minh sinh ra trong một gia đình trung lưu, có bố là giám đốc điều hành một công ty lớn. Nhưng cậu bé 15 tuổi lại là đứa trẻ có vấn đề. Khi vừa tốt nghiệp THCS, Gia Minh tự bỏ học. Sáng hôm đó, người cha nói với giáo viên, trong nửa tháng qua ngày nào cậu bé cũng ở trong phòng. "Nó có ước mơ điên rồ là du lịch khắp nơi trên thế giới. Nó nghiện Internet và rất tiêu cực. Tôi hy vọng con trai mình thay đổi càng sớm càng tốt", ông bố nói.
Vị giáo viên mà cha Gia Minh thuê về không phải bình thường. Họ đều mặc quần áo rằn ri và là giáo viên huấn luyện quân sự, Những người này đến từ một trường đào tạo ở thành phố Vũ Hán, chuyên trị những đứa trẻ hư.
Gia Minh, 15 tuổi, sau khi bỏ học một tháng đã được bố đưa vào trường đào tạo trẻ hư ở Vũ Hán. Ảnh: CCTV12. |
Hôm đó ba giáo viên đến phòng ngủ của Gia Minh để đưa người đi. Cậu bé lập tức nổi trận lôi đình rồi tự đập đầu vào tường. Ngay lập tức một giáo viên đã khống chế rồi lôi đi. Tiếng thét tiếp tục vang lên "Buông tôi ra". Phía ngoài, cha mẹ cậu khóc nấc khi chứng kiến cảnh tượng đó.
Ngoài Gia Minh, hôm đó có một thiếu niên "có vấn đề khác" cũng bị đưa vào trường giáo dục đặc biệt. Cậu bé này tên Trạch Thanh, năm nay 14 tuổi. Vấn đề của Trạch nghiêm trọng hơn. Cậu đã bỏ học 2 tháng, nhốt mình trong phòng, lướt web cả ngày. Không những vậy cậu bé có khuynh hướng bạo lực, có lần đã túm tóc và ép mẹ vào tường dọa dẫm. "Nó không cắt móng tay trong thời gian dài và dùng bộ móng đó để cào tôi", mẹ của Trạch Thanh khóc nức nở.
Trong lớp của hai cậu bé nói trên có tất cả 17 thành viên. Giáo viên phụ trách lớp cho biết: "Tôi cũng không muốn nhận các cháu vì rủi ro quá lớn. Nhưng phụ huynh đã năn nỉ chúng tôi cứu lấy con họ".
Trường giáo dục đặc biệt quản lý rất nghiêm ngặt. Trẻ phải tự mình tắt đèn và ngủ dậy đúng giờ. Chăn màn quần áo phải gấp gọn gàng. Nếu không vâng lời, sẽ có hình phạt thích đáng.
Ở nhà Gia Minh là một đứa trẻ cuồng bạo lực. Sau khi đến trường giáo dục đặc biệt, cậu trở nên ngoan ngoãn. Chiếc chăn bông luôn được gấp gọn gàng theo đúng quy định. Trong bữa tiệc trung thu sau đó không lâu, cậu thậm chí còn được bạn bè khen ngợi vì tính kỷ luật cao. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: "Tại sao lại bỏ học?". Câu trả lời là cậu không thể chịu đựng được sự kiểm soát của bố mẹ.
Một lần Gia Minh chuẩn bị thi cuối kỳ. Để khích lệ con, cha cậu hứa: "Hãy học tập chăm chỉ. Sau kỳ thi bố sẽ đưa đến bất kỳ nơi nào con muốn". Nhưng kết quả, sau kỳ thi cậu bé vẫn phải ở nhà. Gia Minh cũng rất thích chó và mèo. Đôi lần cậu mua một con chó về nuôi, nhưng đều bị bố mẹ vứt bỏ. Cậu thích đi xe đạp, nhưng ở tuổi 15, không được đạp xe quá xa nhà. Quần áo giày dép cũng đều do mẹ mua, không được lên tiếng. "Sống theo suy nghĩ của bố mẹ có lợi gì? Đi học có lợi gì. Cháu muốn làm cái gì cũng không được, việc gì cũng phải thông qua bố mẹ", cậu bé 15 tuổi khóc lớn khi được giáo viên hỏi.
Điều trớ trêu là người bố có quan điểm ngược lại. Ông cảm thấy bản thân là một người hiểu chuyện và không cần phải thay đổi điều gì trong phương pháp dạy con. Người đàn ông này tóm tắt lý do vì sao con trai bỏ học. "Tôi đã cho nó quá nhiều sự tự do. Nếu nghiêm khắc hơn, nó đã không hư đốn như ngày hôm nay".
Vấn đề của Trạch Thanh phức tạp hơn. Cậu bị ngộp thở bởi sự kỳ vọng quá cao từ cha mẹ. Mẹ cậu là giám đốc một bệnh viện lớn và bố cũng là người có địa vị xã hội đáng kể. Ngay cả ông bà hai bên nội ngoại cũng đều là giáo sư đại học đã nghỉ hưu. Có thể miêu tả đây là một gia đình khoa bảng. Nhưng đây là lý do tại sao Trạch Thanh không vui. "Áp lực từ bố mẹ thực sự rất lớn", "Họ luôn nói cháu nghèo sẽ như thế nào... Ai cũng yêu cầu cháu phải chăm chỉ học tập. Nếu không sẽ không tìm được công việc tốt và không kiếm được tiền".
Trạch Thanh 14 tuổi, sau khi bỏ học 2 tháng đã tự nguyện vào trường dành cho trẻ có vấn đề bởi khóa học có 6 ngày dạy người lớn cách làm cha làm mẹ. Ảnh: CCTV12. |
Những đứa trẻ như Gia Minh và Trạch Thanh được đào tạo trong ngôi trường đặc biệt này 81 ngày, trong đó phụ huynh được huấn luyện trong 6 ngày. Trạch Thanh nói rằng lý do chính cậu tham gia khóa học là bởi có 6 ngày dạy người lớn cách làm cha làm mẹ. "Chính cha mẹ mới thực sự cần 81 ngày huấn luyện. Đối với học sinh như chúng cháu chỉ cần 6 ngày là đủ", cậu bé nói.
Nhưng bố mẹ phải làm việc và chu cấp cho gia đình, vì vậy việc tạm dừng 81 ngày là không thực tế. Vì vậy 6 ngày đào tạo được coi là rất quan trọng.
Trong "Lớp học dành cho phụ huynh", nhân viên tư vấn đã thực hiện nhiều câu hỏi. Một trong số đó là: "Nếu chỉ còn 10 phút trong cuộc đời, bạn sẽ làm gì?". Cha của Gia Minh nói, ông sẽ nói với con trai về niềm tin vào cuộc sống. "Con không được sợ khó và đừng bao giờ bỏ cuộc. Ngoài ra tôi hy vọng con trai có thể thực hiện được lý tưởng của mình một cách nghiêm túc". Nhà tư vấn hỏi tiếp "Đó là lý tưởng của anh hay của cậu ấy?". Người bố giải thích: "Lý tưởng của nó là trở thành một khách du lịch ba lô? Nếu là con trai bạn, bạn có đồng ý cho con đi lang thang khắp thế giới không?" Chuyên gia tư vấn cho hay: "Không, lý tưởng của cậu ta không phải là du lịch balo. Ông đã buộc con trai mình phải chọn con đường này".
Lý do rất đơn giản, là cha mẹ, nếu có thể tạo ra một bầu không khí gia đình tự do và hòa thuận, tự nhiên trẻ sẽ muốn gắn bó. Nhưng vì bị ràng buộc quá chặt chẽ nên Gia Minh mới mong muốn thoát ra. Cậu muốn trở thành khách du lịch ba lô chỉ là để chạy trốn khỏi hiện tại.
Tại lớp học, nhân viên tư vấn nói với tất cả phụ huynh: "Điều tôi ghét nhất là câu trẻ em không được thua ở vạch xuất phát. Bởi câu này ngầm thừa nhận rằng chỉ có một con đường trong cuộc sống cho con bạn, con tôi và tất cả chúng ta. Chúng chỉ được đua trên con đường này. Nhưng cuộc đời mỗi người đâu phải chỉ có một con đường?".
Những cha mẹ trong lớp học dành cho phụ huynh dù có quan điểm bảo thủ nhưng cũng bắt đầu chấp nhận những ý tưởng mới từ nhà tư vấn. Sau khóa đào tạo, họ quyết định thay đổi. Cha mẹ của Gia Minh bắt đầu giành nhiều thời gian cho con. Họ mua một con chó để bù đắp những thiệt hại đã gây ra trong quá khứ. Gia Minh cũng thực hiện được ước mơ khi trở thành một khách du lịch ba lô. Dù chỉ quanh quẩn tại Vũ Hán nhưng với cậu đó là thành công ngoài sức tưởng tượng. Cậu cũng chủ động quay lại trường học.
Còn về gia đình Trạch Thanh, một mối quan hệ gia đình hòa hợp chưa từng thấy cũng được bắt đầu. Mẹ của cậu nói rằng, bà trân trọng cuộc sống bình yên như hiện tại.
Nhưng liệu một nền giáo dục gia đình đã bị xung đột hơn chục năm có thể thực sự chữa lành trong một sớm một chiều?
Không lâu sau những tháng ngày êm ấm, cha mẹ của Gia Minh chính thức ly hôn. Cậu bé quay lại con đường nghiện internet, suốt ngày lang thang ở những quán cà phê. Giống như gia đình Gia Minh, một số gia đình khác trong nhóm 17 học sinh đặc biệt năm đó, một số trẻ lại tiếp tục nổi loạn, một số trẻ không về nhà vào ban đêm. Nhiều phụ huynh tiếp tục thực hiện quyền kiểm soát theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp - "Con phải nghe lời bố mẹ".
Mối quan hệ gia đình lại đi vào bế tắc. Tất nhiên điều này là bình thường. Mối quan hệ gia đình tốt đẹp không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Vậy làm thế nào để một đứa trẻ "có vấn đề" có thể được cứu trong một ngày?
Ở đầu bộ phim tài liệu của đài CCTV có lời mở đầu: "Tôi là một người máy. Một khi chủ nhân ra lệnh gì, tôi sẽ ngoan ngoãn làm theo, dù mưa hay nắng. Thật không may một ngày nọ tôi bị nhiễm virus và bắt đầu không nghe lời chủ nhân dù đã cố gắng sửa chữa. Tất cả không thể sửa chữa được tôi".
Chủ sở hữu là cha mẹ. Robot chính là đứa trẻ được điều khiển. Nhưng quá khó để trẻ thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Trẻ không thể tự nuôi sống mình. Thức ăn, chỗ ở và phương tiện đi lại đều phụ thuộc vào người lớn.
Tại lớp dành cho phụ huynh, nhân viên tư vấn từng nói: "Không ai muốn sống cuộc sống của một người khác mãi mãi, ngay cả khi người này là cha mẹ mình".
"Tình yêu là làm cho đứa trẻ trở thành chính mình, không phải ép một linh hồn khác vào nó. Nếu không, robot sẽ bị đầu độc, chỉ là sớm hay muộn mà thôi", vị này nói.
* Hai nhân vật Gia Minh và Trạch Thanh nằm trong một bộ phim tài liệu được đài CCTV của Trung Quốc quay trong hai năm, để phân tích mối quan hệ cha mẹ - con cái trong các gia đình Trung Quốc hiện đại.
Hải Hiền (Theo sohu)