Việc hợp tác này được đánh giá là rất thiết thực và phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn. Theo đó, trường Cao đẳng Công Thương Hải Dương kết hợp với một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn và các khu vực lân cận như: Công ty TNHH Điện tử UMC Việt Nam, Công ty TNHH Uniden Việt Nam, Công ty cổ phần TKV Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Kỹ thuật Hòa Bình... đưa sinh viên đến học tập và làm việc trực tiếp tại chính cơ sở hoạt động của doanh nghiệp. Nhà trường chủ động cắt cử giáo viên quản lý, hướng dẫn sinh viên và kiểm tra báo cáo tình hình thường xuyên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp.
Với hình thức liên kết này, sinh viên của nhà trường sẽ được nhận rất nhiều đãi ngộ, lợi ích.
Ông Dương Trung Kiên, Hiệu trưởng cùng Đoàn kiểm tra làm việc tại đơn vị liên kết |
Ngoài việc học lý thuyết nghề tại trường thì các sinh viên sẽ đi sâu vào thực tiễn, trực tiếp thực tập ngay trên các thiết bị, máy móc đang hoạt động tại doanh nghiệp, được trải nghiệm thực tế và rút ra bài học kinh nghiệm, từng bước gắn học với hành, lý luận gắn với thực tiễn, trau dồi, nâng cao kỹ năng tay nghề để phục vụ công việc trong tương lại.
Bên cạnh đó, tại mô hình liên kết này, sinh viên không chỉ được bố trí nơi ăn ở mà còn được doanh nghiệp còn cung cấp đầy đủ các trang phục, thiết bị bảo hộ lao động, được hỗ trợ các khoản tiền lương khoảng 150.000 đồng/ngày/8h làm việc, được nhận một số khoản hỗ trợ khác như tiền hỗ trợ đi lại, tiền thưởng chuyên cần, giúp các em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và phục vụ nhiệm vụ học tập.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng khoa Điện - Điện tử kiểm tra giám sát việc thực hành lắp đặt điện của học sinh |
Mặt khác, sinh viên của nhà trường có cơ hội được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp nếu quá trình học tập, tham gia sản xuất được đánh giá cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp liên kết.
Trao đổi với báo PLVN, ông Dương Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải Dương cho biết: "Hiện nay mô hình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là rất phổ biến và rất cần thiết. Đó là nhịp cầu để các em sinh viên có thể thực tế hoá kiến thức sách vở đã học ở nhà trường, giúp các em rèn giũa kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm cho nghề nghiệp của các em sau này. Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng thêm mối quan hệ với các doanh nghiệp mới, phù hợp với lĩnh vực đào tạo của nhà trường để sinh viên có thêm môi trường trải nghiệm thực tiễn".
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu có tính khách quan để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về nhân lực trên thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới./.