Trung Quốc và Ấn Độ đối mặt cuộc khủng hoảng thừa cử nhân

Niềm vui của học sinh khi đỗ Đại học
Niềm vui của học sinh khi đỗ Đại học
(PLO) - Sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp trong số những sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc và Ấn Độ đang tạo ra một đội quân những người được đào tạo bài bản nhưng vẫn không kiếm được việc làm, từ đó đưa đến những lo ngại có thể dẫn đến tình trạng bất ổn ở những nền kinh tế lớn này. 
Cả Ấn Độ và Trung Quốc trong một thập kỷ qua đều đã thực hiện cách mạng giáo dục đại học, với số người trẻ hoàn thành bậc học đại học đã tăng mạnh từ vài trăm ngàn người mỗi năm lên đến con số nhiều triệu người. Sự phát triển đáng kể giáo dục đại học lẽ ra phải đưa đến cho những người mới tốt nghiệp những cơ hội thậm chí chưa từng nghe thấy ở thế hệ cha mẹ họ. 
Nhưng thay vào đó, với sự gia tăng ở mức đáng báo động số người thất nghiệp và thiếu việc làm, một nhóm lớn những người được học hành đầy đủ lại đang bị đẩy ra xa và không thể trở thành một phần của tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng ở 2 cường quốc châu Á này. 
Những con số thống kê ở Trung Quốc và Ấn Độ đang khiến nhiều người ngạc nhiên, nếu không muốn nói là kinh ngạc. Ví dụ, tại Ấn Độ, theo một báo cáo được Bộ Lao động nước này công bố hồi tháng 11 năm ngoái, 1/3 số người đã tốt nghiệp đại học dưới 29 tuổi đang thất nghiệp. Trong khi đó, theo con số chính thức, tổng số người thất nghiệp ở nước này là gần 12%. Tình hình càng trở nên khó khăn khi các trường đại học và cao đẳng tại Ấn Độ đang “cho ra lò” 5 triệu tân cử nhân mỗi năm.
“Ngồi chơi xơi nước” sau tốt nghiệp
Tại Trung Quốc, trong tháng 7 này sẽ có một lượng kỷ lục 7,26 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước. Con số này cao gấp 7 lần so với số sinh viên ra trường mỗi năm ở thời điểm 15 năm trước. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp trong số những người mới tốt nghiệp tại Trung Quốc trong vòng 6 tháng sau khi rời trường đại học rơi vào khoảng 15%. Tính một cách dè dặt thì điều này đồng nghĩa với việc hơn 1 triệu cử nhân mới của Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. 
Đó là theo các số liệu thống kê, còn trên thực tế, theo ông Joseph Cheng - một Giáo sư về khoa học chính trị tại Hong Kong thì tỉ lệ người mới ra trường thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc có thể ở mức gần 30%, tương đương với việc chỉ trong năm nay, đội quân người không có việc làm của Trung Quốc sẽ được bổ sung khoảng 2,3 triệu người. “Đây là những con số khổng lồ. Bạn có thể dễ dàng tưởng tượng được điều này chắc chắn sẽ là một nguồn gây bất ổn lớn tại Trung Quốc”, ông Cheng nói.
Theo ông Yukon Huang - một chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới có trụ sở tại thành phố Washington phân tích, những người không có bằng cấp có thể dễ dàng chấp nhận làm những công việc lao động chân tay hơn, từ đó khiến cho tỉ lệ người thất nghiệp không học đại học của Trung Quốc tương đối thấp, chỉ ở 4%. Còn những người đã tốt nghiệp đại học thường muốn tìm những công việc phù hợp với trình độ của họ, kéo theo tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm đối tượng này cao hơn. 
Ông Huang cho rằng, giới lãnh đạo tại Trung Quốc tại một số thời điểm đã rất lo ngại về việc những người thất nghiệp sau khi rời trường đại học có thể dấy lên tình trạng bất ổn trong xã hội. Do đó, các nhà khoa học chính trị, các nhà kinh tế và các nhà khoa học xã hội khác của nước này đang tích cực nghiên cứu về những tác động xã hội và chính trị của nhóm những người nhàn rỗi sau khi tốt nghiệp. 
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết bộ này muốn chuyển 600 trường đại học thành các trường bách khoa, với nhiều khóa học liên quan đến kỹ thuật và việc làm hơn so với hiện nay, thay vì các trường này chỉ có các chuyên ngành thiên về học thuật và lý thuyết. 
Những nguyện vọng chưa được thực hiện
Cùng lúc, bàn về tình hình thất nghiệp ở những người đã học xong đại học, ông Craig Jeffrey - một Giáo sư về địa lý phát triển tại Đại học Oxford, đồng thời là một chuyên gia về người trẻ thất nghiệp của Ấn Độ cho biết, một số người cho rằng, thực trạng người ra trường không có việc làm đang thổi bùng lên vấn đề bạo lực và tác động xấu đến nền chính trị Ấn Độ. 
“Trong một số báo cáo, nhiều người trong số này được cho là có thái độ thù địch với nhà nước. Họ cũng có thể là một phần trong làn sóng di cư khổng lồ qua biên giới của những người có học trẻ tuổi”, ông Jeffrey cho biết.
Lý giải thêm về vấn đề này, giáo sư Jeffrey nói rằng, trong quá khứ, Ấn Độ được xem là đất nước với người điều hành là những cử nhân đại học. Nhưng hiện nay, đây đã là đất nước sử dụng chủ yếu là những lao động có bằng thạc sỹ. “Tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đó là một cuộc cách mạng của những nguyện vọng đang ngày càng gia tăng trong khi nền kinh tế lại không thể bắt kịp với nhịp độ”, ông Jeffrey nói. 
Ở cả Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp thường tìm việc làm trong nhà nước. Tuy nhiên, với sự gia tăng đáng kể số lượng người trẻ trong cơ cấu dân số ở Ấn Độ và sự mở rộng chóng mặt giáo dục đại học tại Trung Quốc, con số này đã vượt nhiều lần khả năng đáp ứng của thị trường việc làm. 
Khu vực tư nhân lại kén người làm. Theo Giáo sư Jeffrey, các sinh viên tại Ấn Độ đã dành quá nhiều thời gian cho tấm bằng của họ và đến cuối cùng chợt nhận ra rằng những tấm bằng đó không thể cho họ tấm hộ chiếu vào làm việc trong khu vực tư nhân. Ông Jeffrey gọi những người trẻ ngồi chờ những cơ hội không bao giờ đến là thế hệ “lãng phí thời gian” - thế hệ gồm những người trẻ đã tốt nghiệp đại học nhưng luôn chán chường, để thời gian trôi đi và bị tách ra khỏi thế giới. 
“Chờ đợi đã trở thành một nghề của những người trẻ đó. Cha mẹ ở phía sau muốn họ có một việc làm nhưng họ không có các kỹ năng tiếng Anh hay kiến thức và tự tin để có thể cạnh tranh, ví dụ với một nhóm nhỏ những công việc trong lĩnh vực IT đang nổi lên mạnh ở Ấn Độ”, ông Jeffrey nói. 
Một tấm quảng cáo việc làm tại Trung Quốc
 Một tấm quảng cáo việc làm tại Trung Quốc
“Bộ tộc kiến”
Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang khiến cho những “bộ tộc kiến” trở thành một hiện tượng ngày càng phát triển. Nhà Xã hội học Lian Si cho hay, “bộ tộc kiến” là từ dùng để chỉ những người đã tốt nghiệp đại học nhưng thiếu việc làm hoặc được trả lương thấp không thể đáp ứng mong muốn của họ. 
Từ được dùng để mô tả thế hệ những người sinh ra sau những năm 1980 của Trung Quốc nhận mức thu nhập thấp sau khi ra trường, khiến họ phải sống cùng nhau trong những khu vực nghèo khó tại các thành phố lớn để chờ đợi được gia nhập lực lượng lao động. Nhiều người trong số này tiêu nhiều hơn số tiền họ có thể kiếm được. 
Họ bị các nhà Xã hội học xem là một phần của tầng lớp dưới, xếp chung với các nhóm xã hội như nông dân, công nhân nhập cư hay người lao động thất nghiệp dù họ là những người thông minh và chăm chỉ. Theo ước tính của Quỹ phát triển thanh niên Trung Quốc, chỉ riêng tại Bắc Kinh đã có hơn 160.000 thành viên “bộ tộc kiến”. Khoảng 1/3 trong số này là những người tốt nghiệp từ những trường uy tín nhất của Trung Quốc. 
Và đáng ngạc nhiên, nếu không muốn nói là gây tức tối và khó chịu, các nhà nghiên cứu đến nay phát hiện những cựu sinh viên này ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn rất bình tĩnh, thậm chí còn lạc quan cho rằng vẫn có những việc làm ở ngoài xã hội.
Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế là điều dễ đoán hơn so với nguy cơ bất ổn chính trị. Tại Ấn Độ, có nhiều lo ngại rằng sự phình nhân khẩu học sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế như dự kiến. Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, trong vòng 2 thập kỷ tới, dân số trẻ của Ấn Độ có khả thể khiến tăng trưởng GDP tăng thêm 2% mỗi năm. Nhưng, các chuyên gia hiện nay lại đang nói về “một cuộc khủng hoảng khổng lồ” - một quả bom hẹn giờ gồm những người trẻ không có việc làm và được trả lương thấp, không thể đóng góp gì cho nền kinh tế. 
Ở Trung Quốc, kế hoạch chuyển từ nền kinh tế sản xuất tới một nền kinh tế tri thức tiên tiến vào năm 2020 có thể bị hủy hoại. Theo ông Huang, việc tăng thêm các trường đại học của Trung Quốc được thực hiện nhằm mục đích giúp xây dựng nền kinh tế tri thức đổi mới. “Tuy nhiên, nó lại đang tạo ra những lỗ hổng mới”, ông Huang nói. 
Bên cạnh đó, nhiều công việc tại các nhà xưởng đang được trả lương cao hơn vị trí ở cấp văn phòng. Điều này, theo ông Huang, đã làm giảm tính cạnh tranh của ngành xuất khẩu của Trung Quốc khi các sản phẩm của nước này có giá cao hơn./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.