Trung Đông - Nguy cơ bùng nổ 'chảo lửa'

Quốc hội Israel đã thông qua dự luật hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây
Quốc hội Israel đã thông qua dự luật hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây
(PLO) - Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel đang bị phủ bóng đen kể từ sau sự kiện Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine hôm 23/12 vừa qua. Nghị quyết này được thông qua khi Mỹ bỏ phiếu trắng.

Ngày 23/12/2016, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine. Nghị quyết này được thông qua sau khi Mỹ quyết định bỏ phiếu trắng, một động thái trái với thông lệ trước đây của nước này là luôn bảo vệ Israel trước các nghị quyết trừng phạt của LHQ. 

Nghị quyết đầu tiên về Israel trong gần 8 năm qua

Nhờ quyết định hiếm hoi này của Mỹ mà nghị quyết của LHQ đã được thông qua với 14 phiếu thuận trong HĐBA gồm 15 thành viên, đánh dấu lần đầu tiên một nghị quyết về Israel và Palestine mà HĐBA LHQ thông qua được trong gần 8 năm qua. 

Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết trên được tiến hành theo đề nghị của 4 nước là New Zealand, Malaysia, Senegal và Venezuela. Các nước này đã hối thúc HĐBA LHQ hành động sau khi Ai Cập hôm 22/12 đề nghị trì hoãn công tác bỏ phiếu. Nghị quyết số 2334 này yêu cầu Israel “ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem”, nhấn mạnh các khu định cư của Israel không có giá trị pháp lý và khiến cho khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước gặp nguy hiểm. 

Nghị quyết này được đưa ra trong bối cảnh mới đây Quốc hội Israel đã thông qua dự luật có nội dung hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây. Với khoảng 430 nghìn người định cư Israel hiện sống ở khu Bờ Tây và 200 nghìn người nữa ở Đông Jerusalem, việc Nhà nước Do Thái tiếp tục duy trì chính sách mở rộng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ này trở thành rào cản lớn khiến các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine bị rơi vào bế tắc kể từ năm 2014.

Ngay sau khi được thông qua, nghị quyết trên đã nhận được sự hoan nghênh của chính quyền Palestine và của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi Nghị quyết 2334 của LHQ là “một cái tát vào mặt dành cho chính sách của Israel”. Ông Abbas cũng gọi đây là sự lên án toàn diện đối với các khu định cư trái phép của Israel trên lãnh thổ Palestine, đồng thời là sự đồng lòng ủng hộ của quốc tế trong việc thành lập hai nhà nước Palestine và Israel.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon coi đây là “bước đi quan trọng, qua đó cho thấy các nỗ lực tổng hợp của cộng đồng quốc tế đã tái khẳng định rằng giải pháp hai nhà nước vẫn có thể đạt được”.

Tuy nhiên, chính quyền Israel đã thể hiện những phản ứng tương đối cứng rắn đối với nghị quyết trên. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng nghị quyết này hết sức vô lý khi xác định Khu Do Thái ở Jerusalem và Bức tường phương Tây (Kotel) là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời khẳng định Israel sẽ vượt qua được nghị quyết này.

Ngày 25/12, Bộ Ngoại giao Israel đã cho triệu tập đại diện ngoại giao của 14 nước đã ủng hộ nghị quyết trên của HĐBA LHQ. Động thái này được cho là một phần của “cái giá về ngoại giao và kinh tế” mà Thủ tướng Israel đã đưa ra đối với các nước ủng hộ nghị quyết lịch sử này. Đáng chú ý là việc Thủ tướng Israel Netanyahu yêu cầu Đại sứ Mỹ Daniel Shapiro phải giải thích rõ việc Mỹ đã bỏ phiếu trắng. Chính phủ Israel đã công khai chỉ trích chính quyền Mỹ Obama đã giúp tạo ra và thúc đẩy nghị quyết của LHQ. 

Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu còn yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel “đánh giá lại mọi mối quan hệ với LHQ” trong vòng 1 tháng. Và trước mắt, Israel sẽ cắt khoản ngân quỹ trị giá gần 8 triệu USD đóng góp cho 5 tổ chức của LHQ. 

Đe dọa mối quan hệ đồng minh

Trong suốt hơn 5 thập kỷ qua, Mỹ và Israel luôn được coi là đồng minh quan trọng số một của nhau. Hàng năm, Mỹ dành cho Israel khoản viện trợ quân sự lên tới 3,1 tỷ USD. Mỹ cũng luôn là quốc gia bảo trợ cho Israel mặc dù Nhà nước Do Thái đã có không ít chính sách và hành động cứng rắn khiến khu vực Trung Đông thêm bất ổn. Mỹ thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình để bác bất cứ nghị quyết nào chống Israel được đưa ra tại HĐBA LHQ.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu lần này, Israel đã bày tỏ hy vọng Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách dành cho Nhà nước Do Thái sự ủng hộ tại LHQ, nhấn mạnh coi đây là một trụ cột trong quan hệ song phương. Bởi thế, việc Mỹ “bỏ rơi” Israel trong lần bỏ phiếu này bằng lá phiếu trắng đã gây sốc cho đồng minh, khiến Israel coi đây là hành động “đâm sau lưng” không thể chấp nhận được của chính quyền Obama. Chính phủ Nhà nước Do Thái lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Obama đã đi ngược lại “những giá trị mà hai bên cùng chia sẻ”, thậm chí cáo buộc Mỹ “đứng sau giật dây”.

Nhưng giải thích cho quyết định không dùng quyền phủ quyết trong lần bỏ phiếu ở HĐBA LHQ lần này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, việc bỏ phiếu trắng không có nghĩa là Mỹ từ bỏ các cam kết mạnh mẽ bảo vệ an ninh đối với Israel, nhưng Mỹ cũng thực sự lo ngại việc mở rộng các khu định cư của Israel trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine sẽ đe dọa giải pháp hai nhà nước. Đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Barack Obama muốn gửi đến Thủ tướng Netanyahu.

Dù sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm 2017 nhưng ông Obama đã tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có cơ sở để đối phó với chính sách xây dựng các khu định cư trái phép của Israel. Dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, quan hệ Mỹ-Israel dường như đã bớt nồng ấm hơn so với những người tiền nhiệm. Đặc biệt, sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử đạt được giữa Iran với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015, quan hệ Mỹ-Israel đã lao dốc nghiêm trọng. 

Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ bỏ phiếu trắng tại HĐBA LHQ lần này tiếp tục cho thấy những rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa Israel với chính quyền Obama. Tuy nhiên, thất vọng với chính quyền Obama, chính phủ Israel đã khẳng định sẽ trông đợi hợp tác với Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như với Quốc hội Mỹ, vốn vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Israel. Trước đó, ông Donald Trump là người đã kêu gọi chính quyền Mỹ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua nghị quyết của LHQ, đồng thời tuyên bố các chính sách của Mỹ tại LHQ sẽ thay đổi sau khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới. 

Đó còn là chưa kể đến khả năng Israel sẽ không tuân thủ nghị quyết của HĐBA LHQ đưa ra. Và như vậy, khát vọng chính đáng của người Palestine về việc thành lập một nhà nước độc lập sẽ khó trở thành hiện thực nếu Israel không chấm dứt các chính sách phong tỏa và thù địch đối với người Palestine. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.