Syria đối mặt thảm họa nhân đạo

Syria đang đối mặt với thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất, đặc biệt là ở thành phố Aleppo
Syria đang đối mặt với thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất, đặc biệt là ở thành phố Aleppo
(PLO) - Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) về một lệnh ngừng bắn tạm thời tại thành phố Aleppo của Syria để cung cấp trợ giúp nhân đạo cho những người dân bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh tại đây giữa lực lượng chính phủ Syria và phiến quân đã không được thông qua. 

Động thái này được cộng đồng quốc tế nhận định sẽ tiếp tục làm gia tăng một thảm họa nhân đạo tại quốc gia này.

Dự thảo “vứt sọt rác”

Ngày 5/12/2016, HĐBA LHQ đã không thông qua được dự thảo nghị quyết về tình hình nhân đạo tại thành phố phía Bắc Aleppo do Nga và Trung Quốc một lần nữa phản đối dự thảo này.

Đây là lần phản đối thứ 6 của Nga và là lần phản đối thứ 5 của Trung Quốc về một dự thảo nghị quyết tại Syria kể từ khi cuộc xung đột tại quốc gia này bùng phát hồi tháng 3/2011. Sau 11 giờ nỗ lực đàm phán, Nga cho rằng Mỹ và Nga có thể ấn định một cuộc gặp khác tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 6/12 để tập trung vào một kế hoạch cho tất cả các tay súng nổi dậy rút lui khỏi miền Đông Aleppo vốn đang nằm trong sự bao vây của chính quyền. Tuy nhiên, các tay súng đã bác bỏ một kế hoạch như vậy. Trong khi đó, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Michele Sison cho biết hai bên không đạt được đột phá, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán song phương với Nga.

Trước khi bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết việc đưa bản dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu là vi phạm thủ tục làm việc của HĐBA, bởi văn kiện này chỉ có thể được bỏ phiếu vào sáng 6/12 theo quy định của HĐBA. Theo ông Churkin, HĐBA cần thêm thời gian để xem xét hoàn cảnh mới ở Syria và để đạt được đồng thuận về một nghị quyết có thể giúp cải thiện tình hình nhân quyền tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt là Aleppo. Theo Nga, dự thảo này sẽ tạo điều kiện cho phiến quân tái hợp lực lượng. Moskva cho rằng cần có thời gian để Nga và Mỹ thương lượng.

Dự thảo nghị quyết do Ai Cập, New Zealand và Tây Ban Nha - nước đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên tháng 12 của HĐBA - xây dựng yêu cầu “tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Syria phải ngừng ngay lập tức bất kỳ cuộc tấn công nào trong thành phố Aleppo để cho phép các nhu cầu nhân đạo cấp bách được tiến hành” trong khoảng thời gian ban đầu là 7 ngày và có thể được gia hạn. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi cho phép cung cấp đồ tiếp tế cho hàng chục nghìn người dân đang bị mắc kẹt trong cuộc bao vây tại khu vực phía Đông thành phố Aleppo hiện đang do lực lượng phiến quân nắm giữ. Trong khi Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ - muốn một thỏa thuận ngừng bắn có thời hạn 24 giờ có thể được gia hạn, và không áp dụng đối với nhóm phiến quân mang tên Mặt trận Al-Nusra. 

Cộng đồng quốc tế trông đợi

Chiến dịch giải phóng thành phố Aleppo khỏi sự kiểm soát của lực lượng phiến quân của quân đội Chính phủ Syria đã đạt được những bước tiến lớn khi các binh sĩ chính phủ và lực lượng đồng minh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn quận Sheikh Saeed ở phía Đông Nam và khu vực Tariq al-Bab ở phía Đông thành phố Aleppo từ tay phiến quân. Bên cạnh đó, quân đội Chính phủ Syria còn giải phóng một con đường nối khu vực phía Tây, nơi chính phủ kiểm soát đến sân bay Aleppo, nơi quân nổi dậy chiếm đóng.

Cùng với những thắng lợi quân sự, quân đội Syria cũng đã tiến hành sơ tán được nhiều dân thường tại phía Đông Aleppo. Theo Hãng thông tấn SANA của Syria, khoảng hơn 50.000 trong tổng số 250.000 người dân đã được chuyển khỏi các khu vực bị phiến quân kiểm soát ở phía Đông Aleppo. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ Syria nhằm đáp lại lời kêu gọi của LHQ trong việc phân phối viện trợ và sơ tán người bị thương ra khỏi khu vực này. Trước đó, quân đội Syria đã liên tiếp kêu gọi các tay súng ở Đông Aleppo cho phép dân thường rời khỏi vùng chiến sự nhưng yêu cầu này không được đáp ứng cho đến khi lực lượng Syria đẩy mạnh chiến dịch quy mô lớn trong những ngày qua.

Tuy vậy, theo thống kê của các tổ chức nhân đạo quốc tế, chiến dịch tái chiếm Đông Aleppo đã khiến 400 dân thường thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em. Hiện vẫn còn khoảng 275.000 dân thường mắc kẹt tại các khu vực này. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang ở Syria, gần 500.000 trẻ em hiện sống ở 16 khu vực chiến sự khắp nước này và tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy một năm. Những trẻ em đáng thương này gần như không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản và viện trợ. Riêng tại Đông Aleppo, UNICEF ước tính 100.000 trẻ em đang sống trong sự vây hãm của lực lượng phiến quân. 

Người phát ngôn Văn phòng cao ủy Nhân quyền LHQ Rupert Colville cho rằng tình hình tại khu vực phía Đông Aleppo thực sự khủng khiếp, vượt qua mọi từ ngữ có thể miêu tả, các bệnh viện và phòng khám liên tục bị tấn công. Ông Staffan de Mistura, Đặc phái viên LHQ về Syria cảnh báo từ nay đến Lễ Giáng sinh nếu tình hình căng thẳng quân sự gia tăng, những gì còn lại ở khu vực này sẽ sụp đổ hoàn toàn, 200.000 người dân Syria có thể phải sơ tán nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Trước tình hình đó, các tổ chức nhân đạo trên thế giới kêu gọi không chỉ các Chính phủ mà mọi công dân trên toàn cầu cùng lên tiếng thúc giục các bên liên quan triển khai 4 biện pháp khẩn cấp gồm: Tạo điều kiện để hàng cứu trợ tới mọi người dân trên toàn lãnh thổ Syria; ngừng bắn vô điều kiện, trên tinh thần nhân đạo, có sự giám sát; chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự và bảo đảm quyền tự do đi lại của mọi người dân. Trong khi đó, Canada cũng đã kêu gọi tổ chức phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ để thông qua một nghị quyết khác về cứu trợ nhân đạo tại Aleppo. 

Thực tế cho thấy, hàng triệu người dân Syria vẫn đang chết mòn vì bạo lực và kiệt sức trong chờ đợi. Thảm cảnh của người dân Syria đã gửi đi lời khẩn cầu về việc nhanh chóng đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Đó cũng là mục tiêu mà cả cộng đồng quốc tế đang trông đợi.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.