Yemen – “Nồi da xáo thịt” chưa hồi kết

Giao tranh lại bùng phát
Giao tranh lại bùng phát
(PLO) -Giao tranh và các cuộc không kích đã liên tiếp xảy ra tại Yemen sau khi Liên hợp quốc (LHQ) đề xuất kế hoạch hòa bình và lệnh ngừng bắn kết thúc. Những căng thẳng ở Yemen đang kéo các bên can dự lấn sâu vào cục diện phức tạp và khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia này vẫn chưa có hồi kết.

Trong vòng 24 giờ sau khi Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đề xuất lộ trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột tại Yemen, giao tranh và các cuộc không kích đã liên tiếp xảy ra khiến hàng chục người thiệt mạng. 

Giao tranh và không kích dữ dội

Ngày 26/10, các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Yemen Mansour Hadi đã có các cuộc đấu súng quyết liệt với lực lượng Houthi tại khu vực Nahm, phía Đông thủ đô Sanaa.

Trong khi đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu cũng tiến hành các đợt không kích dữ dội nhằm hỗ trợ cho các lực lượng của chính phủ Yemen. Theo các nguồn tin quân sự, ít nhất 15 tay súng của Houthi và 5 binh sĩ thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi đã thiệt mạng. 

Trước đó, ngày 25/10, tại cuộc gặp với đại diện phái Houthi ở thủ đô Sanaa, Đặc phái viên LHQ Ahmed đã đưa ra một đề xuất hòa bình tới lực lượng này cùng các đồng minh, với mục tiêu thúc đẩy các triển vọng hòa bình tại Yemen. Lộ trình chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Yemen của ông Ahmed bao gồm 6 điểm then chốt.

Tuy nhiên, Houthi không chấp thuận một số điều kiện như công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Hadi; hạ vũ khí và rút khỏi các khu vực kiểm soát, trong đó có thủ đô Sanaa. Lực lượng Houthi và các đồng minh tuyên bố rằng một trong những điểm quan trọng nhất của đề xuất hòa bình mới nêu này cần bao gồm việc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải từ chức. 

Ngày 23/10, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày kết thúc, các máy bay chiến đấu của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành các đợt oanh kích vào những vị trí của phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa, trong bối cảnh giao tranh dữ dội cũng đã bùng phát ở nhiều nơi tại Yemen.

Nhiều người dân thủ đô Sanaa cho biết đã nghe thấy một số tiếng nổ lớn vào sáng sớm sau khi máy bay chiến đấu của liên quân tiến hành không kích vào các vị trí quân sự của lực lượng Houthi, trong đó có kho đạn trên núi Al Nahden.

Trước đó, lệnh ngừng bắn do LHQ bảo trợ nhằm mở các hành lang nhân đạo để cấp hàng cứu trợ tới những khu vực khó khăn đã hết hiệu lực vào đêm 22-10. Tuy nhiên, trong khi lệnh ngừng bắn chưa hết hiệu lực, giao tranh trên thực địa bùng phát ở nhiều nơi.

Liên quân Arab ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen cáo buộc phiến quân Houthi đã vi phạm lệnh ngừng bắn khoảng 1.000 lần trong 24 giờ đầu tiên bằng việc nã súng cối và tiến hành các vụ tấn công vũ trang dọc biên giới giáp với Saudi Arabia và một số tỉnh của Yemen.

Cũng trong ngày 23-10, các chỉ huy quân đội trung thành với Tổng thống Yemen Hadi tuyên bố lực lượng của họ đã đập tan các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở các thành phố Taiz, Bayhan, Serwah và một số chiến trường thuộc tỉnh Jawf, ở miền Bắc Yemen. 

Trước đó, tại cuộc gặp với Phó Tổng thống Yemen Ali Mohsen Al Ahmar ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 21-10, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen Ahmad đã kêu gọi các bên tham chiến tại Yemen kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ, nhằm "tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình lâu dài" ở Yemen.

Diễn biến phức tạp

Yemen đã trượt sâu hơn vào bất ổn kể từ tháng 3-2015, thời điểm liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Yemen đã khiến gần 6.900 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hàng triệu người khác đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.

Việc liên tiếp xảy ra các cuộc giao tranh và không kích dữ dội trong những ngày qua đã khiến hy vọng chấm dứt xung đột nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình với mục tiêu tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho Yemen bị dập tắt. 

Trong khi đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, bạo lực leo thang ở Yemen cũng kéo theo những căng thẳng trong khu vực. Mặc dù không muốn dấn sâu thêm vào một cuộc khủng hoảng kéo dài ở Trung Đông, song Mỹ không thể tránh khỏi phải can dự vào tình hình Yemen khi đồng minh Saudi Arabia đang dẫn đầu các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi, vốn bị phương Tây cáo buộc do Iran hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ và phương Tây gần đây đã đồng loạt lên tiếng cáo buộc Iran gia tăng hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi trong cuộc chiến chống quân đội chính phủ Yemen được Saudi Arabia ủng hộ. 

Hiện tại, Mỹ đang xem xét và điều tra vụ tàu chiến Mỹ đậu ở Biển Đỏ bị trúng tên lửa. Mặc dù chưa rõ “thủ phạm” thực hiện các vụ bắn phá này, song lực lượng phiến quân Houthi không nằm ngoài danh sách bị tình nghi.

Mỹ cũng phóng tên lửa hành trình vào các trạm rađa đặt ở các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, nhằm trả đũa vụ ba tàu chiến Mỹ gồm tàu USS Mason, USS Nitze và USS Ponce liên tiếp là mục tiêu của những tên lửa được bắn từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.

Một quan chức quốc phòng giấu tên đã cảnh báo công dân Mỹ và tàu Mỹ có thể tiếp tục là mục tiêu bị tấn công trước tên lửa có sức công phá mạnh của phiến quân Houthi. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry cũng từng bóng gió chỉ trích những chính sách của Iran đối với Yemen. Trong khi đó, Iran đã điều tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi Yemen trên Vịnh Aden.

Giới phân tích không loại trừ nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran với Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến cuộc khủng hoảng Yemen. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang dần được cải thiện, Washington cũng “bận tâm” hơn tới các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, và khả năng can thiệp sâu của Mỹ và Iran vào Yemen cũng hạn chế.

Người phát ngôn Lầu năm góc Peter Cook tuyên bố, các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào vị trí của Houthi ở Yemen không phải là sự mở đầu cho chiến dịch mới trong khu vực, nơi mà Mỹ đã liên đới ở nhiều mức độ khác nhau trong các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Syria và Libya. Mỹ cũng khẳng định không tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột tại Yemen.

Cuộc khủng hoảng Yemen tiếp tục diễn biến phức tạp và những hành động đáp trả giữa Mỹ và Saudi Arabia với phiến quân Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở Yemen.

Dù không xảy ra đối đầu trực tiếp, nhưng sóng ngầm trên Vịnh Aden có thể nhấn chìm mọi nỗ lực, nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia trên bán đảo Arab./.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.