Vấn đề có ý nghĩa tầm quốc gia để toàn dân quyết định
Dự thảo Luật xác định các cuộc TCYD được thể hiện trên phạm vi cả nước vì “những vấn đề đưa ra TCYD phải là những vấn đề có ý nghĩa tầm quốc gia để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến của nhân dân” - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định.
Xuất phát từ quan điểm “những vấn đề đưa ra TCYD theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội phải là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước, có ý nghĩa tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định”, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình chỉ thực hiện TCYD trên phạm vi cả nước.
“Không nên tổ chức TCYD ở một địa phương hay phạm vi, khu vực nhất định bởi lẽ vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định, không để một bộ phận người dân ở khu vực hay địa phương nào đó quyết định” - ông Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Trần Hồng Thắm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ cho rằng, các vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng lấy ý kiến nhân dân là phù hợp vì các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động.
Nhận thấy cơ chế lấy ý kiến nhân dân hiện đang được thực hiện “rất tốt, đang phát huy hiệu quả quyền dân chủ của người dân”, ông Bùi Văn Xuyền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, TCYD được thực hiện trong phạm vi cả nước vì những vấn đề TCYD là những vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia. Còn những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực hoặc một địa phương thì chúng ta đã có cơ chế lấy ý kiến nhân dân.
Không coi trọng quyền thực thi dân chủ trực tiếp nếu chỉ lấy ý kiến
Theo qui định, TCYD được tổ chức theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả của nó có giá trị quyết định, còn hình thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện một cách đơn giản, có khi chỉ bằng một cuộc họp mà số lượng người dự họp không được quy định có đủ số đông đại diện hay không, tỷ lệ phần trăm lựa chọn phương án là bao nhiêu đều không được quan tâm, chú trọng. Kết quả lấy ý kiến nhân dân không có giá trị quyết định, chỉ là những thông tin tham khảo, quyền quyết định thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.
“Như vậy là không công bằng và quyền thực thi dân chủ trực tiếp của người dân của địa phương không được coi trọng, mặc dù những vấn đề đặt ra có thể là những vấn đề sống còn bức xúc của địa phương, khu vực như sự an toàn hồ đập, thủy điện, thủy lợi, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhập, chia các đơn vị hành chính,... Do vậy, phạm vi TCYD được thực hiện ở cả tầm quốc gia và ở địa phương” – ông Đỗ Ngọc Niễn đề nghị.
Bà Nguyễn Thanh Thụy - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, quy định phạm vi TCYD ở cấp nào phụ thuộc vào điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế, dân cư và nhận thức của người dân.
Thế nên ngoài quy định TCYD được thực hiện trên phạm vi toàn quốc thì cần có quy định mở theo hướng trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định TCYD ở một hoặc một số tỉnh trực thuộc Trung ương về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội mà vấn đề đó tác động trực tiếp đến các địa phương.
Cũng như bà Nguyễn Thanh Thụy, một số ĐBQH nhận thấy quy định như vậy là cần thiết, tạo sự thuận lợi cho nhân dân ở các địa phương đó, tránh lãng phí và đảm bảo tính hiệu quả khi vấn đề chỉ liên quan tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân ở địa phương đó.
Kết quả TCYD trong trường hợp này đã phản ánh đúng nguyện vọng, mong muốn của người dân địa phương đối với chính sách của Nhà nước, đồng thời phản ánh đúng bản chất của TCYD là phải đảm bảo chủ trương, chính sách của Nhà nước xuất phát từ người dân và hợp với lòng dân./.