Đan Mạch sẽ tham gia chính sách phòng thủ chung của Liên minh châu Âu (EU) sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này trong ngày 1/6 được công bố.
Ủy ban bầu cử cho biết với các lá phiếu được kiểm đếm đầy đủ ở 84 trong số 92 khu vực bầu cử của Đan Mạch, 66,9% đã bỏ phiếu ủng hộ tham gia Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) của EU và 33,1% phản đối. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất của cử tri Đan Mạch trong một cuộc trưng cầu dân ý về một vấn đề của EU ở quốc gia Bắc Âu.
“Một phần lớn người Đan Mạch đã chọn tham gia CSDP. Tôi rất, rất vui vì điều đó”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói.
Đan Mạch là quốc gia thành viên EU duy nhất không tham gia chính sách phòng thủ và an ninh chung của khối. Cuộc trưng cầu này được xem là một thắng lợi cho những người ủng hộ sự hợp tác lớn hơn trong EU, trong khi những người phản đối cho rằng hiệp định phòng thủ của EU mang nặng tính quan liêu và việc Đan Mạch tham gia các chiến dịch quân sự của khối là quá tốn kém.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu của Đan Mạch. “Mỗi bước đi của mỗi chúng ta đều khiến chúng ta mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những thay đổi kiến tạo này”.
Bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch và Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội, phát biểu trước các thành viên trong đảng của bà tại Quốc hội ở Copenhagen ngày 1/6/2022. Ảnh: AP |
Theo các chuyên gia, dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Đan Mạch sẽ không gây ra tác động lớn trên thực tế với EU, nhưng vẫn sẽ được Brussels đánh giá tích cực khi đây là một xu thế ở châu Âu.
Cuộc trưng cầu dân ý của Đan Mạch diễn ra sau một thay đổi chính sách mang tính lịch sử của các quốc gia Bắc Âu với việc Thụy Điển và Phần Lan quyết định nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một nội dung sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.
Quyết định mới nhất của Đan Mạch vệc tham gia chính sách quốc phòng của EU, một thành viên sáng lập của liên minh quốc phòng gồm 30 thành viên, sẽ có tác động tương đối khiêm tốn đối với cấu trúc an ninh của châu Âu, đặc biệt là so với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Đan Mạch đã luôn đứng bên lề các nỗ lực của EU nhằm xây dựng một chính sách an ninh và quốc phòng chung song song với NATO.
Với việc tham gia chính sách quốc phòng chung của EU, các lực lượng Đan Mạch có thể tham gia vào các hoạt động quân sự của EU, chẳng hạn như ở châu Phi và Bosnia và Herzegovina.