Số dư trong bầu cử là một trong những điều kiện đảm bảo cho cử tri có sự so sánh để cân nhắc, lựa chọn ứng cử viên, thể hiện sự dân chủ, không “ép buộc kiểu giới thiệu bao nhiêu bầu bấy nhiêu”. Song, mối quan tâm của địa phương là trong bầu cử đại biểu Quốc hội, phần số dư này địa phương phải gánh khi ứng cử viên trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa phương là “số cứng”.
Trước đây, trong danh sách bầu cử có những ứng cử viên chỉ để làm “quân xanh, quân đỏ”, nghĩa là giới thiệu cho có dù ứng cử viên đó không có nhiều tiềm năng trúng cử hoặc nếu may mắn trúng cử thì cũng khó trở thành một đại biểu đạt yêu cầu do đa số còn “non” hoặc đã “chót” về tuổi đời, thâm niên, trình độ… Như vậy, “quân xanh, quân đỏ” trong danh sách ứng cử sẽ đảm bảo cho các ứng cử viên được “nhắm trước” sẽ trúng cử.
Tuy nhiên, vì xu thế bầu cử dân chủ hiện nay, việc lựa chọn ứng cử viên, nhất là ở địa phương, đã vắng bóng “quân xanh, quân đỏ”. Thay vào đó là những ứng cử viên có nhiều tiềm năng trúng cử bởi địa phương nào cũng mong “tiếng nói” của mình đến được diễn đàn Quốc hội, được tham gia vào những quyết sách quan trọng của đất nước và từ đó góp phần phát triển địa phương.
Do đó, nếu ứng cử viên được địa phương giới thiệu rơi vào số dư, không trúng đại biểu Quốc hội sẽ giảm cơ hội cho địa phương. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, số dư trong bầu cử cần được chia cho cả trung ương và địa phương. Cho dù ứng cử viên nào không trúng cử thì vẫn là chuyện bình thường, vì cử tri có quyền lựa chọn và đặt niềm tin vào ứng cử viên mà họ cho rằng đáp ứng các yêu cầu làm đại diện cho họ ở cơ quan quyền lực, không phân biệt đó là ứng cử viên do trung ương hay địa phương giới thiệu. Điều này không chỉ thể hiện sự dân chủ thực sự trong bầu cử mà còn giúp cho cử tri có được những sự lựa chọn chính xác.
Muốn vậy, ứng cử viên phải đảm bảo các tiêu chuẩn chặt chẽ, được lựa chọn tương đồng. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm và giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện chọn lựa người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình.
“Việc cơ cấu những đại biểu ứng cử ở từng đơn vị bầu cử không nên quá chênh lệch với nhau về tuổi đời, trình độ, chức vụ, nhân thân. Trong một đơn vị ứng cử, bầu cử, trên một địa bàn bầu cử mà đưa ra những ứng cử viên chênh lệch, như kiểu “quân xanh, quân đỏ” thì khó cho việc cử tri chọn lựa chính xác” – một đại biểu Quốc hội nhận định.