Kịp thời triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. (Ảnh VGP)
Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. (Ảnh VGP)
(PLVN) - Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Có gần 700 nội dung được giao quy định chi tiết

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho biết, từ bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan của QH đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện trong tất cả các khâu: trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình QH cho ý kiến và thông qua. Những kết quả, hiệu quả đạt được là rất tích cực. Tại Kỳ họp thứ 8, QH đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay (từ đầu nhiệm kỳ, QH đã thông qua 61 Luật).

Chủ tịch QH cho hay, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của QH cuối tháng 2/2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình QH tại Kỳ họp thứ 9.

Trong đó, đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, gồm 167 luật, 9 nghị quyết của QH, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp Bộ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết có gần 700 nội dung được giao quy định chi tiết. (Ảnh VGP)

Chủ tịch Quốc hội cho biết có gần 700 nội dung được giao quy định chi tiết. (Ảnh VGP)

Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, UBTVQH đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương có quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết đối với toàn bộ các luật, nghị quyết được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, riêng đối với 18 luật, Chính phủ, các Bộ cần ban hành 127 văn bản, một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, Chủ tịch QH đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng…

Bảo đảm thi hành pháp luật thông suốt, thống nhất

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật (THPL) năm 2024 là rất ấn tượng, tích cực, hiệu quả, bám sát tình hình thực tế, giải quyết những điểm nghẽn, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Chính phủ xác định công tác xây dựng và hoàn thiện, tổ chức THPL là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tập trung chỉ đạo quyết liệt như thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, đề xuất chính sách pháp luật do Thủ tướng đứng đầu; dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, Thường trực Chính phủ gần như tuần nào cũng có ý kiến chỉ đạo, Chính phủ gần như họp chuyên đề hàng tháng để cho ý kiến các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật; bố trí thêm thời gian, nguồn lực để các cơ quan tập trung xây dựng, thực thi pháp luật; giao Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, tổ chức THPL…

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thi hành pháp luật thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện. (Ảnh VGP)

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thi hành pháp luật thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện. (Ảnh VGP)

Nhấn mạnh lại thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng, Thủ tướng cho biết Chính phủ quán triệt tinh thần thể chế là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; đầu tư cho xây dựng thể chế, pháp luật là đầu tư cho phát triển, góp phần xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững; hoàn thiện thể chế góp phần đắc lực, hiệu quả cho thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững; thể chế phải đi trước một bước, mở đường cho những đột phá, phát triển, phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…

Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, phát hiện các quy định vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn để kịp thời đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi bổ sung các đạo luật. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình một số luật, nghị quyết theo quy trình một kỳ họp và được QH xem xét thông qua, bảo đảm quy trình thủ tục cần thiết và nâng cao chất lượng. Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ trưởng cố gắng dành thời gian đi họp đầy đủ các phiên làm việc của QH, phân công 1 Phó Thủ tướng “thường trực” bên QH để lắng nghe, chia sẻ, góp ý của các đại biểu QH. Theo Thủ tướng, chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ, tôn trọng lẫn nhau nên đạt được kết quả rất ấn tượng như trên.

Cùng với điểm lại những kết quả đạt được trong công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được thông qua và vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của QH, của tập thể lãnh đạo QH trong suốt quá trình xây dựng và thông qua các luật, nghị quyết tại các kỳ họp vừa qua của QH, nhất là Kỳ họp thứ 8; đồng thời thẳng thắn nêu lên một số hạn chế trong công tác xây dựng, THPL, phân tích nguyên nhân của các hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc rất nặng nề đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội thực hiện các quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27, Quy định 178, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của QH, bố trí nguồn lực, các điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đặc biệt lưu ý các luật, nghị quyết có hiệu lực từ tháng 12/2024 và từ ngày 1/1/2025…, tránh tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm thi hành pháp luật thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, cương quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong THPL, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính; gắn kết chặt chẽ việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động vào cuộc, sớm ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương; xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, nghị quyết…

Đọc thêm

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Quảng bá sức mạnh Quân đội, năng lực CNQP Việt Nam

Đông đảo người dân đến xem Triển lãm.
(PLVN) - Sau 5 ngày trưng bày, chiều qua (23/12), Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (QPQTVN) 2024 đã thành công tốt đẹp. Triển lãm đã quảng bá sức mạnh Quân đội, năng lực công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam. Qua triển lãm, người dân tham quan có thêm hiểu biết về nền CNQP quốc gia, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Quà tặng Tết dành cho đối tượng chính sách phải kịp thời, đầy đủ

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết người có công tại Yên Bái vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. (Ảnh: Bộ LĐTBXH)
(PLVN) - Theo Quyết định số 1301/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, có khoảng 1,6 triệu người có công với cách mạng được nhận quà dịp Tết Nguyên đán năm 2025 với tổng kinh phí trên 506 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 1301, Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn thêm một số điểm.

Lào Cai cần khai thác tối đa lợi thế để sớm trở thành trung tâm du lịch, kinh tế cửa khẩu của vùng và cả nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Lào Cai.
(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng tỉnh Lào Cai sẽ sớm vươn lên trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp; thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập cao nhất cả nước; có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, thân thiện, hấp dẫn...

Công tác xây dựng Đảng tại Bộ Ngoại giao đạt nhiều kết quả quan trọng

Đoàn kiểm tra 1477 của Ban Bí thư làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao. (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Đoàn kiểm tra số 1477 của Ban Bí thư do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng làm Trưởng đoàn vừa làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chuyển đổi số trong Quân đội gắn với an toàn thông tin

Hội nghị triển khai nhiệm vụ về CĐS và thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong Bộ Quốc phòng năm 2024. (Ảnh: mod.gov.vn)
(PLVN) - Chuyển đổi số trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một xu thế tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhiệm vụ chiến lược, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Quân đội đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong kỷ nguyên số.

Hành trình bảo vệ chủ quyền không gian mạng trước thách thức thời đại

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đại tá Vũ Hữu Hanh - PBTĐU, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba trao tặng Trung tâm 586. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)
(PLVN) - Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia. Đấu tranh và bảo vệ chủ quyền không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng thiết yếu, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta nhận định rõ: Nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.

80 năm vẻ vang Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được nhân dân thế giới ngợi ca là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. (Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn)
(PLVN) - Ngày 22/12/1944, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chính thức ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, QĐND Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn trong những chiến công vang dội, mà còn tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng!

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 12/12/2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
(PLVN) - Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Tình hình càng phức tạp, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng càng nặng nề, khó khăn càng nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những thành tựu toàn diện của đất nước.

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng 20/12, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, dự và đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm.