Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì dù trồng cây anh túc với mục đích không phải để lấy thuốc phiện, người trồng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy”.
“Hồn nhiên” trồng cây anh túc
Ngày 21/3 vừa qua, qua công tác tuần tra, kiểm soát tình hình trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã phát hiện vườn nhà ông Đ.T.T (phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) có trồng tới 365 cây thuốc phiện. Đa số các cây cao gần 1m, đã nở hoa và một số cây đã có quả nhỏ. Tổ công tác đã lập biên bản, nhổ bỏ và niêm phong thu giữ số cây thuốc phiện để giám định phục vụ công tác điều tra, xử lý.
Chủ nhà khai nhận, do bản thân bị bệnh xương khớp lâu năm không khỏi. Sau khi được một số người thông tin là cây anh túc ngâm rượu có thể chữa bệnh xương khớp nên ông T đã đặt mua giống cây anh túc trên mạng xã hội về trồng ngay tại vườn nhà.
Trước đó, đầu năm 2020, Công an TP Hà Nội cũng phát hiện, xử lý 01 hộ dân tại xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội) trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà thu giữ 320 cây thuốc phiện tươi.
Liên quan đến trồng, bán cây chứa chất ma túy, vào tháng 7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố N.T.T.P (trú tại quận Đống Đa) về tội “Sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo điều tra, khoảng tháng 3/2020, P. lên mạng xã hội tìm hiểu, nghiên cứu quy trình và mua được phôi "nấm thức thần" về trồng tại nhà. Đến tháng 5/2020, P. thu được thành phẩm là khoảng 300 gram nấm tươi. Sau khi phơi, thu được gần 30 gram nấm khô, P. đã rao bán.
Chiều 7/6/2020, khi đến điểm hẹn để giao hàng thì P. bị Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng Công an đã thu giữ nhiều tang vật do P. sử dụng để trồng nấm. Giám định cho thấy số nấm khô thu được thuộc loại ma túy loại Psilocine (có khối lượng 26,458 gram).
Có thể bị phạt tù
Trước thực trạng trên, Công an TP Hà Nội cảnh báo, những trường hợp cố tình trồng cây thuốc phiện, "nấm thức thần" hay các loại cây có chất ma tuý dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Do đó, đề nghị người dân không trồng cây chứa chất ma tuý, tham gia sản xuất ma tuý dưới mọi hình thức. Khi phát hiện có đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để xử lý kịp thời. Những trường hợp cố tình vi phạm hoặc bao che, không tố giác đều bị xử lý nghiêm.
Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (tội “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy") quy định rõ:
“Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trong trường hợp người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Một số luật sư cho biết, nếu trồng cây anh túc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như trên thì sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể:
Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy, sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng cây anh túc.
Công an TP Hà Nội yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý trên địa bàn, đặc biệt là hiện tượng trồng cây có chứa chất ma tuý trái phép, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm họa, tác hại của tệ nạn ma tuý để người dân tự phòng ngừa, góp phần ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm về ma tuý.