Phát hiện vườn thuốc phiện giữa làng hoa Hà Nội

Phát hiện vườn thuốc phiện giữa làng hoa Hà Nội
(PLVN) - Công an vừa phát hiện một gia đình trồng thuốc phiện trong làng hoa Tây Tựu - quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội.

 

Sáng 21/3, Công an phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đã  phát hiện một vườn thuốc phiện trong vườn nhà ông Đặng Trần Th. (SN 1969, trú trên địa bàn phường).

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có tổng số 365 cây, chiều cao gần 1m, trong đó nhiều cây đã ra hoa và quả. Công an đã tiến hành lập biên bản, đưa toàn bộ số cây thuốc phiện trên về trụ sở làm rõ.

Theo Công an phường Tây Tựu, khu vườn trồng cây anh túc nói trên là một bãi đất nằm khuất nẻo giữa 2 ngôi nhà, được quây xung quanh bằng lưới đen nên khi ông Th bắt đầu trồng cây anh túc lực lượng Công an cũng như người dân rất khó phát hiện. 

Tại cơ quan Công an, ông Th - chủ vườn khai trồng anh túc trong vườn nhà là để lấy cây dùng ngâm rượu và ông mua số cây giống trên mạng xã hội. Cũng theo ông Th, ông trồng cây này bởi ông nghe một số người thông tin cây anh túc ngâm rượu sẽ có thể chữa bệnh xương khớp.

Vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.

Điều 192 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a. Có tổ chức;

b. Tái phạm tội này.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Theo quy định tại Mục 1 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì:

1.1. “Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.

1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).

1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.

b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy.

c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện.

1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.

1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.

Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt giữ nhóm người cho vay lãi suất... tới 1.200%/năm

Bắt giữ nhóm người cho vay lãi suất... tới 1.200%/năm
(PLVN) - Công an TP Hội An (Quảng Nam) phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam mới triệt phá, bắt giữ 3 nghi phạm cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận với lãi suất lên đến 1.200%/năm.

Phát hiện 18 người dương tính với ma túy tại vũ trường New Hạ Long Club

Kiểm tra tại vũ tường New Hạ Long Club.
(PLVN) - Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hạ Long, Phòng Cảnh sát cơ động và Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra vũ trường New Hạ Long Club, địa chỉ tại tổ 6B, khu Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long.

Miễn tiền dịch vụ địa chính cho 55 người quen, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai bị khởi tố

Bị can Châu Đông Trung đang nghe tống đạt các Quyết định.
(PLVN) - Sáng ngày 2/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An giang cho biết, đã tống đạt các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Châu Đông Trung (SN 1977, trú thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.