Trả thù “nhầm” người
Ngày 30/3, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên sơ thẩm, đưa các bị cáo Y Thiên Vũ Ayun (SN 1989), Y Sáng Niê (SN 1992), Y Ngheo Ayun (SN 1988, cùng ngụ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) ra xét xử về tội “giết người”.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, khoảng 16h ngày 12/9/2015, Y Thiên cùng bạn đến nhậu tại địa phận buôn Gram B, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’Gar. Đến khoảng 18h, khi mọi người về hết, Y Thiên đi bộ ra ngoài và gặp Y Sứp Ayun (SN 1992) cùng một nhóm thanh niên chạy xe máy tới.
Thấy Y Thiên lạ mặt, Y Sứp dừng lại hỏi: “Mày ở đâu tới”? Y Thiên trả lời: “Ở buôn Kwăng, xã Cư Bao”. Biết Y Thiên từ nơi khác đến nên Y Sứp đã tát một bạt tai rồi bỏ đi đá bóng. Khi trở về nhà, Y Thiên kể với Y Sáng và Y Ngheo chuyện mình bị đánh rồi rủ hai bạn đi trả thù.
Y Thiên lẻn vào một lò rèn lấy hai con dao mang đến cổng chào buôn Gram B, xã Ea Đrơng. Tại đây, Y Thiên cùng Y Sáng mang dao vào nấp sau cổng chào để phục kích, Y Ngheo điều khiển xe ra khu vực cách đó khoảng 50m đứng đợi.
Đến khoảng 19h hôm đó, anh Y Luynh Kbuôr (SN 1987, ngụ buôn Kwăng A, xã Cư Bao) cùng bạn đá bóng về và đi ngang qua cổng chào buôn Gram B. Thấy Y Luynh mặc đồ thể thao, lại có dáng vóc cao to giống với người đã đánh mình hồi chiều nên Y Thiên liền lao ra chém khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Lúc đó, Y Sáng cũng hùa theo, mang dao ra nhưng không chém trúng ai.
Lúc này, anh Y Thân Kbuôr (SN 1993, em trai nạn nhân) cùng một nhóm bạn chạy xe honda từ phía sau tiến lại.
Thấy Y Thiên chém anh mình, Y Thân chạy tới hỏi: “Sao lại chém anh tôi?”. Lúc này, Y Thiên mới sực tỉnh, nhận ra người mình đánh ở cùng địa phương nên dừng tay rồi vứt dao vào vườn cà phê.
Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau thì Y Luynh đã tử vong do bị nhiều vết thương trên vùng đầu.
Sau khi xảy ra vụ việc, CQĐT đã tiến hành bắt tạm giam cả ba đối tượng gây án để phục vụ công tác điều tra. Tại thời điểm bị bắt, cả Y Thiên, Y Sáng và Y Ngheo đều đã lập gia đình và có con nhỏ.
Mang heo, gạo đến xin lỗi
Tại phiên tòa, người nhà các bị cáo cho biết, sau khi nghe tin con phạm tội, đã mang heo, gạo và tiền đến “xin lỗi” gia đình nạn nhân. Trong đó, gia đình Y Thiên góp 30 triệu đồng, một tạ gạo, một con heo 40kg, gia đình Y Sáng cũng mang tới 25 triệu đồng, một con heo 40 kg. Phía gia đình Y Ngheo cũng bồi thường 8 triệu đồng.
Khi được tòa hỏi, chị H’Dét Niê (người đại diện cho gia đình bị hại) trình bày rằng: “Do gia đình ít nương rẫy nên Y Luynh phải làm thuê để nuôi vợ con. Dù chăm chỉ làm việc nhưng gia đình Y Luynh vẫn thuộc hộ cận nghèo. Sau ngày Y Luynh vô cớ bị sát hại, cuộc sống của vợ con lâm vào cảnh bần cùng. Bởi vậy, tôi mong HĐXX có mức án thật nghiêm khắc, xử phạt các bị cáo và buộc gia đình họ phải có trách nhiệm với hai đứa con thơ của nạn nhân”.
Cũng theo chị H’Dét, khi mang tiền, gạo, heo đến để xin lỗi, người nhà các bị cáo đều nói là tiền hỗ trợ đám tang, chưa phải đền bù. Tuy nhiên, gia đình các bị cáo không đồng tình với điều này. Họ cho rằng, gạo và heo được đem tới để hỗ trợ mai táng; còn tiền là dùng để đền bù, khắc phục hậu quả.
Đến phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, hành vi của các bị cáo xuất phát từ việc coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác nên cần phải có mức án nghiêm khắc, cách ly khỏi xã hội một thời gian dài để cải tạo. Tuy nhiên, xét về tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo khác nhau nên cần phân hóa tội phạm để xử lý.
Trong vụ án này, bị cáo Y Thiên là người khởi xướng, rủ rê hai bị cáo còn lại đi đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn cá nhân nên cần có mức án cao nhất. Kế tiếp, Y Sáng đã cùng Y Thiên cầm dao và đã có hành động lao ra chém “hụt” nạn nhân nên cũng phải chịu mức án cao.
Bị cáo Y Ngheo không mang theo hung khí, không tác động vào nạn nhân nên chịu mức án nhẹ hơn.
Từ những lập luận trên, phía VKS đề nghị phạt Y Thiên mức án từ 18-20 năm tù, Y Sáng từ 14-16 năm tù. Y Ngheo từ 12-14 năm tù.
Tội danh gì?
Đến lượt mình, luật sư Võ Hạ (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, bào chữa cho các bị cáo) cho rằng, cáo buộc Y Thiên giết người là đúng, không thể chối cãi. Tuy nhiên về phần Y Sáng và Y Ngheo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích. Bởi lẽ, cả nhóm chỉ đồng ý đi đánh nhau, không phải đi giết người.
Việc gây ra hậu quả chết người là do hành động thái quá của Y Thiên, điều này nằm ngoài ý muốn khách quan và chủ quan của hai bị cáo còn lại.
“Theo quy định tại Điều 20 BLHS, “đồng phạm phải là lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Ở vụ án này, cả nhóm không bàn bạc với nhau về việc giết người, không ai đồng ý đi giết người. Y Sáng và Y Ngheo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích”, luật sư Hạ phân tích.
Phản bác lại lập luận của luật sư, đại diện VKS tỉnh cho rằng, các bị cáo đều học hết cấp hai, có hiểu biết về pháp luật. Tuy nhiên, lại coi thường pháp luật, cả ba người đã mang theo dao là hung khí nguy hiểm, đồng ý đi “trả thù” dẫn đến chết người. Do hậu quả chết người đã xảy ra nên cả ba bị cáo đều bị truy cứu về tội giết người là đúng quy định của pháp luật.
HĐXX nhận định, bị cáo Y Ngheo và Y Sáng dù không tham gia chém nạn nhân nhưng đã đồng ý đi trả thù giúp Y Thiên, có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra nên vẫn bị xét xử theo tội giết người. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Y Thiên 19 năm tù, Y Sáng 14 năm tù, Y Ngheo 12 năm tù cùng về tội “giết người”.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 117 triệu đồng. Ngoài ra, các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới, tác động đến gia đình để cấp dưỡng cho hai con nhỏ của nạn nhân (cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi) đến khi trưởng thành. Trong đó, Ý Thiên phải cấp 300 ngàn/1 tháng/1 cháu. Y Sáng và Ý Nghèo phải cấp 150 ngàn/1 tháng/1 cháu cho đến khi hai cháu đủ 18 tuổi. /.