Theo báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 13.000 vụ tội phạm về kinh tế, trong đó tội phạm trốn thuế trong các doanh nghiệp (DN) gần 1.000 vụ, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 7% số vụ tội phạm về kinh tế.
Thế nhưng, số liệu báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực thiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Quy chế số 1527/QCPH-TCT-TCCS) tổ chức ngày hôm qua 22/10 cho thấy, trong 5 năm thực thiện Quy chế phối hợp, 2 lực lượng đã phối hợp cung cấp trao đổi qua lại 27.516 công văn, tài liệu, thông tin về vụ việc liên quan đến lĩnh vực thuế, cơ quan công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan thuế xử lý hình sự 218 vụ; xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế, đã xử lý thu hồi vào ngân sách 782,6 tỷ đồng tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.
Riêng TP.HCM, số liệu báo cáo của Phòng PC46 Công an TP cho biết, trong 5 năm qua, cơ quan công an phối hợp với cơ quan thuế đã điều tra khám phá 640 vụ vi phạm, đã khởi tố 86 vụ, kết luận điều tra, đề nghị truy tố 55 vụ với 139 bị can, đình chỉ điều tra 6 vụ, tạm đình chỉ điều tra 11 vụ.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát trao đổi về quy chế phối hợp |
Cùng với việc thành lập DN quá dễ dàng thì các quy định về hóa đơn cũng ngày càng thông thoáng. “Nếu như trước đây, nhìn vào mã số hóa đơn biết ngay DN ở tỉnh nào, cơ quan thuế bán hóa đơn cho DN nào, thì nay DN tự in hóa đơn, chúng tôi rất lo! Bây giờ lại sắp điều chỉnh, nghe đâu DN trên 15 tỷ mới được in hóa đơn, khiến cho chúng tôi càng rối hơn, không biết cái nào là cái cũ, cái nào là cái mới, thời điểm như thế nào?” - Đại tá Nam băn khoăn.
Thượng tá Lê Nguyên Trường - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội cũng không khỏi băn khoăn với quy định thông thoáng của pháp luật. Theo Thượng tá Trường, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh thành lập DN, các đối tượng đã thành lập nhiều DN với mục đích để có được mã số thuế, được mua hóa đơn GTGT tại cơ quan thuế hoặc tự in hóa đơn. “Sau khi có hóa đơn, chúng không sử dụng vào mục đích làm thủ tục chứng từ trong kinh doanh, mua bán, dịch vụ… mà bán trực tiếp cho các đối tượng sử dụng hóa đơn để trục lợi, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước” – vị này nói.
Đặc biệt, khi Bộ Tài chính có Thông tư quy định điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ hoàn thuế GTGT là các hóa đơn có giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên thì các đối tượng lại dùng thủ đoạn chia thành nhiều hóa đơn có giá trị dưới 20 triệu đồng để không phải thanh toán qua ngân hàng. Với hóa đơn có giá trị lớn thì chuẩn bị tiền và các thủ tục cần thiết để thanh toán qua tài khoản theo quy định với thời gian diễn ra trong vài giờ, hoặc thông đồng với nhân viên ngân hàng để làm thủ tục thanh toán “tiền ảo” qua ngân hàng…
Điểm lại 5 năm phối hợp giữa 2 lực lượng, 2 ngành Thuế và Công an đều cho rằng, các điều kiện thông thoáng, ưu đãi, thuận lợi dành cho DN tốt đang bị tội phạm lạm dụng, trong khi đó nếu có bị bắt, bị xử thì cũng quá nhẹ. Theo Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất cho tội phạm trốn thuế chỉ có 7 năm tù. Để sự phối hợp giữa 2 lực lượng đạt hiệu quả cao hơn, loại bỏ khỏi môi trường những tội phạm ẩn danh DN, cần phải sửa Bộ luật Hình sự, nâng hình phạt; đồng thời thêm điều luật “Tội khai báo sai hóa đơn thuế GTGT nhằm hưởng lợi từ hoàn thuế hay giảm giá trị thuế phải nộp”.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật DN, cụ thể hóa điều kiện khi thành lập DN; bổ sung quy định chặt chẽ hơn về thủ tục hoàn thuế và cần nữa là một thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an để sự phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật.