Chống thất thu ngân sách đã được Bộ Tài chính đề ra như là một nhiệm vụ quan trọng nhất từ nay đến cuối năm, nhưng cũng chính cơ quan này hàng ngày đang đối mặt xử lý hàng loạt những lời đề nghị miễn, giảm, gia hạn nghĩa vụ với Nhà nước, trong đó có nhiều “lời đề nghị” đến từ các “đại gia” thanh thế.
Trường Hải xin gia hạn thuế với một con số khủng |
Từ câu chuyện 1.200 tỷ của Trường Hải, giới quan sát không khỏi băn khoăn về tính minh bạch của mỗi quyết định được đưa ra của cơ quan quản lý. Thuyết minh cho mục đích xin gia hạn thuế của mình, doanh nghiệp này viện dẫn tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng suy giảm nghiêm trọng dẫn tới thị trường xe ô tô các loại trong nước bị sụt giảm mạnh về doanh số. Và rằng, doanh nghiệp cần nguồn lực để đầu tư phát triển, tiếp cận công nghệ, để nâng cao năng lực cạnh tranh chạy đua cho kịp lộ trình cam kết giảm thuế khi hội nhập hoàn toàn vào AFTA ...
Lý do này, như vậy, cũng là tình cảnh chung của cả thị trường ô tô trong nước. Thực tế thì hàng loạt doanh nghiệp ô tô khác cũng đã “theo chân” Trường Hải xin gia hạn thuế với lý do gần như y chang với lý do mà Trường Hải đã đưa ra. Thế nhưng ngoài Trường Hải, cho đến nay chưa có thông tin nào cho thấy các doanh nghiệp khác cũng đã được gia hạn, dù rằng số thuế họ “xin” ít hơn rất nhiều so với con số “khủng” 1.200 tỷ đồng.
Trong Tờ trình gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét trường hợp của Trường Hải, Bộ Tài chính nói rằng, theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì người nộp thuế có quyền được gia hạn nộp thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp “khó khăn đặc biệt”. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng “khó khăn đặc biệt” được dẫn trong trường hợp này cũng là khó khăn chung không loại trừ công ty nào.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định quy đinh cụ thể các trường hợp được gia hạn nộp thuế, các trường hợp được xóa nợ tiền thuế.
Nghị định quy định việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong 4 trường hợp:
Thứ nhất, bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh (SXKD) do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Thứ hai, phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở SXKD theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả SXKD.
Thứ ba, chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.
Thứ tư, không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác.
Như vậy, cụm từ nhạy cảm “các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác” vẫn tiếp tục được lặp lại. Những quy định thiếu rõ ràng như thế này xuất hiện khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Có thể vì nhà làm luật chưa dự liệu hết các tình huống sẽ phát sinh trên thực tế, nhưng cũng chính vì những quy định như vậy, việc áp dụng luật trên thực tế sẽ còn gây nghi ngại.
Đức Huy