Thường xuyên tham gia TGPL cho các nhóm đối tượng đặc biệt, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Ninh Trần Quý Cường và các đồng nghiệp đã quá quen với việc di chuyển trên những quãng đường miền núi cách xa hàng trăm km đầy khó khăn, vất vả, do phần lớn các đối tượng được trợ giúp đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế nên cả tin, dễ mắc bẫy các đối tượng lưu manh.
Cộng tác viên trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho học sinh trên địa bàn Tp Cẩm Phả (Quảng Ninh) |
Có thể kể đến như vụ việc mua bán người qua biên giới mà trực tiếp anh Cường làm trợ giúp viên pháp lý cho người bị hại là H (sinh năm 2002), ở Lào Cai. Khi ấy là tháng 4/2017, (T sinh năm 2000), quê ở Lào Cai đến TP Móng Cái làm bốc vác thuê và quen biết một người tên là Việt (sinh năm 1983), quê Nam Định. Việt đã bàn với T về Lào Cai tìm các cô gái trẻ đưa đến Móng Cái để Việt đưa sang Trung Quốc bán và hứa sẽ trả công cho T (60 triệu đồng/người). Hám lợi, T đã đồng ý. Ngày 8/9/2017, tại tỉnh Lào Cai, T đã lừa rủ P (sinh năm 1999) và H (sinh năm 2002) đi Móng Cái chơi.
Ngày 9/9/2017, tại khu vực chợ Trung tâm TP Móng Cái, khi T đang chờ Việt đưa P và H đến để đưa sang Trung Quốc bán thì bị bắt giữ. Tại bản cáo trạng số 159/KSĐT-HS ngày 30/11/2017, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã truy tố T về tội “Mua bán người” và tội “Mua bán trẻ em” theo quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 119 và điểm e, khoản 2, Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt, xử phạt bị cáo T từ 30 đến 42 tháng tù về tội “Mua bán người” và từ 5-6 năm tù về tội “Mua bán trẻ em”. Còn luật sư bào chữa cho bị cáo có quan điểm: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 đã xóa bỏ tình tiết “để đưa ra nước ngoài”. Do đó, theo tinh thần của Nghị quyết số 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hành vi phạm tội của bị cáo chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của các tội đã truy tố. Về tình tiết giảm nhẹ, đề nghị áp dụng cho bị cáo lần đầu, tự thú, phạm tội do lạc hậu. Để trên cơ sở đó, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo và áp dụng biện pháp giáo dục bị cáo tại cộng đồng.
Tuy nhiên, với tính chất của vụ việc và quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người bị hại, trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh vẫn giữ quan điểm, đề nghị xử phạt nghiêm đối tượng để có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội. Theo anh Cường, hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm nhân phẩm, danh dự, quyền tự do của người bị hại. Mặc dù bị cáo là người chưa thành niên, không có tiền án tiền sự, phạm tội chưa đạt, thành khẩn khai báo nhưng vẫn chịu mức án phạt 2 năm tù về tội “Mua bán người” và 4 năm tù về tội “Mua bán trẻ em", buộc T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 6 năm tù.
Quá trình TGPL, anh Cường gặp không ít khó khăn do H là người dân tộc thiểu số. Mặc dù nói được tiếng phổ thông nhưng H. khá e dè, ngại ngùng, chưa hiểu biết về pháp luật. Không những thế, trường hợp của H. ở Lào Cai, việc liên hệ với gia đình, tìm kiếm thông tin không dễ dàng. Tuy vậy, sau khi được phân công làm trợ giúp viên pháp lý, anh Cường đã gọi điện cho gia đình để hẹn làm việc trực tiếp. Đồng thời, chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục cần thiết, nghiên cứu thật kỹ các trường hợp tương tự trước đó để đảm bảo khung hình phạt phù hợp với bị cáo, bảo vệ quyền lợi của H.
Có thể thấy, Trợ giúp pháp lý đang trở thành lá chắn hữu hiệu và cần thiết để bảo vệ cho những trường hợp yếu thế trong xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở.