Nghỉ hưu đã gần 1 năm nhưng 10 công nhân từng công tác tại Nhà máy đóng tàu Bến Thủy (Thị Trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không được nhận chế độ hưu. Nguyên nhân do cơ quan chủ quản, cũng như các nghành liên quan không tạo điều kiện để người lao động được hưởng mọi quyền lợi mà đáng lẽ ra họ đương nhiên được hưởng.
Lỗi thuộc về ai?
Theo trình bày của 10 công nhân trên, sau khi công tác lâu dài họ được ông Nguyễn Đức Chúc, Giám đốc nhà máy ra quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua họ không được hưởng chế độ nào, dù trong quyết định đã nêu quyền lợi của người nghỉ hưu được hưởng từ ngày 1/9/2010.
Ông Nguyễn Hoàng Việt |
Đến hết tháng 8/2010, nhà máy còn nợ BHXH huyện Nghi Xuân khoảng 2,8 tỷ đồng. Trước khi ra quyết định nghỉ hưu, nhà máy có công văn gửi BHXH Nghi xuân cam kết trả nợ và đề nghị giúp đỡ giải quyết chế độ hưu cho 10 người.
Giám đốc BHXH huyện Nghi Xuân bà Đinh Thị Tuyết cho biết khi có công văn của nhà máy, cơ quan bảo hiểm đã có công văn trả lời. Tuy nhiên, bà Tuyết cho biết lý do không giải quyết quyền lợi cho 10 người nêu trên là do nhà máy đã “ hiểu sai” văn bản trả lời bởi: “Cơ quan bảo hiểm chỉ thưc hiện giải quyết chế độ khi đã chốt sổ bảo hiểm theo từng thời điểm và gải quyết mang tính tập thể chứ không giải quyết theo nhóm”.
Còn ông Nguyễn Đức Chúc thì cho rằng BHXH huyện Nghi Xuân “lật kèo” vì khi tính toán nhà máy đã nộp gần 55 triệu đồng bảo hiểm cho 10 người nhưng BHXH vẫn không giải quyết chế độ hưu. Ông Chúc cho biết thêm : “Do khó khăn, vào thời điểm đó nhà máy đang nợ 2,8 tỷ nên để có được 55 triệu đồng nhà máy đã phải dùng lương của bộ phận văn phòng mang đi đóng cho bảo hiểm nhằm giải quyết chế độ cho người nghỉ hưu”.
Ngoài vướng mắc chế độ nghỉ hưu, tại Nhà máy này một số công nhân đã chuyển công tác sang cơ quan khác cũng chịu cảnh tương tự về mọi chế độ liên quan đến nợ bảo hiểm. Đến nay, có 16 người nghỉ hưu nhưng có 2 người mặc dầu thời gian công tác hơn hai năm nhưng đành chấp nhận hy sinh và chỉ hưởng đến tháng 10 năm 2008 là thời điểm Nhà máy chốt sổ với cơ quan BHXH.
Lùng nhùng đến bao giờ?
Liên quan đến vấn đề này, được biết để tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Vinasin, Chính phủ đã có Quyết định 87 hỗ trợ việc vay vốn bảo đảm quyền lợi người lao động. Tuy nhiên theo ông Chúc thì tập đoàn Vinasin không tạo điều kiện, thậm chí còn gây khó khăn cho nhà máy. Vì vậy, kể từ khi bắt đầu làm thủ tục đến nay đã hơn 6 tháng Nhà máy vẫn chưa nhận được xác nhận của tập đoàn Vinasin để vay vốn ngân hàng.
Theo người lao động thì nhiều người trong quá trình công tác họ đã mang bệnh nghề nghiệp, có người được cấp sổ thương tật và họ không nợ tiền bảo hiểm của chính họ. Việc thiếu nợ bảo hiểm là số nợ của những người khác và họ chờ chế độ hưu sau khi lãnh đạo Nhà máy đã nhiều lần hứa giải quyết quyền lợi.
Còn lý giải của phía nhà máy về việc chậm giải quyết là do quá nhiều vướng mắc. Ông Chúc cho biết tại cuộc họp các bên liên quan, ông đã đề nghị nếu cưõng chế bán tài sản để lấy tiển đóng bảo hiểm cho người lao động thì ông chấp nhận chứ bản thân ông thì không có quyền bán tài sản của nhà máy, hiện nay nhà máy chỉ mới lo được phần lương cho cán bộ nhân viên chứ chưa lo được số tiền nợ BHXH. Thời gian tăng, số tiền nợ BHXH của nhà máy cũng tăng.
Làm mọi cách nhưng người lao động không được hưởng chế độ, Giám đốc Chúc bức xúc: “Đánh trượt vào người lao động để thúc ép doanh nghiệp. Người không đóng BHXH là tôi thì phải đánh vào tôi chứ không nên đánh vào người lao động; nhà máy chấp nhận ghi nợ và chịu lãi thì BHXH phải giải quyết chế độ cho người lao động”.
Bằng Công văn số 1127 ngày 15/9/2010 của Nhà máy gửi BHXH tỉnh Hà Tĩnh, Sở LĐ – TB&XH, Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh đã nêu rõ: BHXH huyện Nghi Xuân không thực hiện quyền lợi chính đáng của người lao động và lại dùng quyền lợi chính đáng của người lao động để gây khó khăn vô lý cho doanh nghiệp; phía nhà máy không chịu trách nhiệm về việc chậm hưởng quyền lợi của 10 người lao động đã vì đã đủ diều kiện hưởng chế độ hưu từ 1/9/2010.
Thiết nghĩ các bên liên quan cần nhanh chóng vào cuộc giải quyết vướng mắc để đảm bảo quyền lợi của người lao đông.
Trung Đức