Chân tay miệng là một trong những bệnh lý rất phổ biến ở trẻ, đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Khi bị bệnh, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt nhẹ, phát ban khắp người và phát triển thành các vết loét gây đau đớn. Bên cạnh đó, các vết loét còn xuất hiện ở khoang miệng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống cũng như sinh hoạt của trẻ. Điều này sẽ khiến bé chán ăn, thậm chí suy dinh dưỡng và thiếu sức đề kháng.
Chính vì thế, cần xây dựng cho trẻ bị chân tay miệng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng để bé có thể hấp thụ một cách tốt nhất. Không chỉ vậy, điều này còn giúp bé tăng đề kháng trong cơ thể để chống lại bệnh tật. Vậy trẻ bị chân tay miệng nên và không nên ăn gì để phục hồi sức khỏe?
Khi đã phát hiện những biểu hiện mắc bệnh của con thì việc đầu tiên mẹ nên làm là hãy đưa con đến bệnh viện gặp bác sỹ để xin tư vấn, nếu nhẹ có thể đưa con về tự chăm sóc tại nhà.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hướng dẫn các mẹ cách cho con ăn uống trong thời gian trẻ mắc bệnh như sau:
Nên:
- Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích.
- Ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo, bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng.
- Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Thức ăn nên thật nguội, thậm chí có thể làm mát cho dễ ăn. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ sữa chua hay một ly sữa mát.
- Khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ sữa chua hoặc một ly nước trái cây lạnh.
- Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 – 4 giờ. Sau đó mới cho ăn bữa khác.
- Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất và cả kẽm theo chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ ăn đủ bữa (3 –5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau), ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.
Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.
Không nên:
- Thời gian trẻ bị bệnh ngắn (khoảng từ 5 - 10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá, vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh.
- Cũng không ép trẻ ăn nhiều một lúc vì sẽ gây cảm giác khó chịu. Với trẻ nhỏ ép ăn sẽ khiến cho trẻ khóc và gây mệt mỏi.
- Tuyệt đối không cho trẻ ăn những thức ăn cứng, sống, mất vệ sinh.
- Không cho trẻ ăn thức ăn nóng sẽ làm trẻ đau không nuốt được.
- Không kiêng khem thực phẩm gì khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) và cho trẻ quay trở lại chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi.