Vì sao dư luận phản đối?
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi, nhằm phát huy hiệu quả giá trị cảnh quan, địa chất và trên cơ sở nguyện vọng của người dân thôn Bắc An Bình (đảo Bé) về việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện Lý Sơn đã quyết định đầu tư điểm dừng chân du lịch ở Mom Tàu và phía Đông bãi Hang thuộc đảo An Bình.
Theo phương án ban đầu, huyện đảo Lý Sơn sẽ xây 4 điểm dừng chân trên đảo Bé. Tuy nhiên, các ngành chức năng chỉ đồng ý chọn và xây dựng 2 điểm dừng chân gồm vị trí Mom Tàu, nhằm tham quan toàn cảnh bãi Mom Tàu, nhìn sang đảo Lớn và điểm dừng chân tại cánh đồng Dung Nham tại phía Đông bãi Hang.
Điểm dừng chân 1 (tại Mom Tàu), có diện tích khoảng 30m2, được thiết kế hình tròn, có đường kính 6,2m, chiều cao khoảng 5,6m. Riêng tính từ mặt nền lên sàn tầng trệt cao khoảng 2,3m; từ sàn tầng trệt lên sàn phía trên 3,45m.
Điểm dừng chân số 2 (tại phía Đông bãi Hang), có diện tích khoảng 26m2, được thiết kế theo hình thất giác, có mặt cạnh rộng gần 2,7m, tổng chiều cao công trình khoảng 5,2m. Trong đó phần thân công trình cao 3m, còn lại phần mái.
Tất cả đều thuộc phạm vi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Hai công trình do Trung tâm Truyền thông Văn hoá thể thao huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thiết kế kiến trúc xây dựng Không Gian Xinh làm đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư dự án là 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và hoàn thành trong năm 2020.
Tuy nhiên, một trong hai vị trí được lại nằm ngay trên bãi đá nham thạch có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Vì vậy, việc xây dựng khiến nhiều người bức xúc và lập tức có nhiều phản đối. Cụ thể, trên cánh đồng Dung Nham phía Đông bãi Hang tại đảo Bé, một điểm dừng chân mới, kiên cố vừa được thi công hoàn thiện.
Một nhà vòm với bốn trụ bê tông trắng cao 1,5m và mái vòm xây, lợp bằng ngói. Nhiều khối đá nham thạch hình thành từ hoạt động núi lửa triệu năm trên đảo Bé bị đào bới để xây dựng điểm dừng chân mới này. Bên cạnh vòm nhà mới xây, nguyên vật liệu và vật dụng thi công nằm ngổn ngang, bừa bãi.
Theo một số người dân địa phương, việc xây dựng các điểm dừng chân du lịch rất cần thiết, nhưng nếu đầu tư không đúng cách sẽ phản tác dụng. Đặc biệt, xây dựng bằng bê tông cốt thép tại vị trí trên đá nham thạch sẽ làm biến dạng quần thể trầm tích núi lửa, mất đi vẻ tự nhiên, hoang sơ, kỳ bí vốn có.
Trong khi đó, đảo An Bình lại đang nằm trong khu vực được tỉnh Quảng Ngãi đệ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Không chỉ vậy, ông Nguyễn Ty (người dân địa phương) nêu thêm, điểm dừng chân xây dựng ngay sát vách đá có độ cao tương đối lớn nên rất nguy hiểm. Nếu khách tham quan vô tình bất cẩn khi qua lại tại khu vực này, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Lựa chọn bất khả kháng?
Liên quan sự việc, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xác nhận, vị trí xây dựng điểm dừng chân du lịch tại phía Đông bãi Hang chưa phù hợp.
“Do huyện quá tin tưởng chủ đầu tư (Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Lý Sơn) nên chưa sâu sát trong việc giám sát quá trình thi công, để xảy ra sự việc đáng tiếc. Vị trí tốt nhất để xây dựng là bên trong vườn cam Đàng, cách khu vực hiện tại khoảng 300m. Huyện sẽ cho triển khai phương án thi công này trong thời gian tới khi có nguồn vốn. Hiện tại, do lỡ đầu tư rồi nên tạm thời sử dụng”, ông Ninh lý giải.
Cũng lời ông Ninh, việc lựa chọn vị trí để xây dựa trên cơ sở văn bản góp ý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nếu chỉ xây để du khách dừng chân nghỉ mệt, che mát, sẽ không chọn 2 vị trí này, nhưng huyện muốn điểm dừng chân còn là nơi để du khách có thể nhìn, ngắm được cả phong cảnh xung quanh.
Để những công trình này thực sự phát huy hết hiệu quả về mặt giá trị cảnh quan, địa chất cũng như phù hợp với đề án xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, trong văn bản của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi trả lời UBND huyện Lý Sơn về việc xin ý kiến xây dựng 2 điểm dừng chân cho du khách ở tại đảo An Bình, có ý kiến về sử dụng loại nguyên vật liệu để xây dựng.
Theo đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND huyện Lý Sơn (chủ đầu tư) phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế phù hợp với cảnh quan du lịch và tính đặc thù của Lý Sơn… đồng thời nên cân nhắc, lựa chọn những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, thân thiện môi trường, hạn chế bê tông cốt thép. Tuy nhiên, trên thực tế đã đi ngược lại ý kiến tham mưu của Sở.
Lý giải điều này, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, do thời tiết ở đảo Bé quá khắc nghiệt và vị trí xây 2 điểm dừng chân phục vụ khách tham quan ở thôn bắc đảo An Bình cao và trống, nếu xây dựng bằng các nguyên vật liệu khác, tuổi thọ của công trình không cao, kinh phí duy tu, sửa chữa rất tốn kém. Vì vậy, sau khi cân nhắc, tính toán, bất khả kháng, huyện mới quyết định chọn vật liệu bê tông cốt thép.
“Để công trình hài hòa, thân thiện cảnh quan thiên nhiên, giảm bớt sự thô kệch của bê tông, huyện đã chọn cho ốp, giả gỗ tường và cột bên ngoài các điểm dừng, kèm với đó sẽ đính thêm vỏ sò, ốc để trang trí. Đồng thời sử dụng màu sơn dịu và phù hợp, trồng hoa xung quanh điểm dừng chân, lối vào”, ông Ninh nói.
Hiện tại, UBND huyện Lý Sơn vẫn đề nghị tiếp tục hoàn thiện 2 điểm dừng chân nói trên.