TAND tỉnh Vĩnh Long vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hải (SN 1966, ngụ xã Long Phú, huyện Long Hồ) mức án 18 năm tù về tội “Giết người”
nội dung vụ án, ngày 26/10/2016, Hải và Phụng cự cãi vì Phụng cho rằng Hải ăn bớt tiền công phụ hồ. Gia đình biết chuyện đã can ngăn, hòa giải hai anh em “dĩ hòa vi quý”. Đến đêm 28/10, sau khi uống rượu say, Hải nhớ lại chuyện mâu thuẫn trước đó nên thủ dao đi đâm Phụng. Hậu quả Phụng bị vết thương thấu phổi, đứt mạch chủ mất máu cấp và tử vong.
Sau khi gây án, vì uống quá say nên Hải để con dao dính máu kế bên rồi nằm lăn ra ngủ không biết trời đất là gì. Đến khi tỉnh dậy mới kinh hoàng khi thấy em trai đã chết, bản thân gây trọng tội. Vụ án đã gây chấn động vùng quê cù lao của huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long).
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Hải tỏ ra buồn bã, đau xót, hối hận vì trong cơn say rượu không làm chủ được bản thân gây ra tội nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của người em ruột. Hoàn cảnh gia đình bị cáo khá thương tâm. Cha mẹ Hải sinh được 2 anh em, Hải là anh, Phụng là em.
Hải trước kia lập nghiệp ở An Giang, còn anh Phụng sinh sống ở huyện Long Hồ với mẹ già vì cha đã mất. Vài năm trước, Hải bỏ vợ nên về quê sống trên đất của cha mẹ, gần nhà của vợ chồng Phụng. Theo bị cáo trình bày và người thân xác nhận, trước nay hai anh em Hải thân quý nhau, chưa hề có hiềm khích gì lớn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mai (vợ nạn nhân Phụng) kể lại: Hôm đó, gia đình làm nhà, chiều có tổ chức cho anh em đến phụ bữa tiệc nhậu. Anh Phụng nói đói bụng nên xuống nhà dưới ăn cơm. Anh Hải cầm dao giấu trong người rồi bất ngờ đi xuống đâm anh Phụng ở vùng cổ, ngực. Anh Phụng la lên “chết tôi rồi” và cái chén đang cầm trên tay rớt bể. Sau khi đâm anh Phụng, anh Hải dùng dao cắt vào tay và nói “tao tự xử luôn nè” rồi lên nhà trên nhờ mẹ chồng (bà Hai) băng vết thương. Sau đó, anh Hải ra nhà sau lên giường nằm ngủ, 2 con dao để ở bên hông.
“Anh Phụng là trụ cột trong gia đình, anh chết rồi không gì bù đắp được. Nhưng chuyện qua rồi cũng xin tòa giảm nhẹ tội để anh Hải sớm về nhà lo cuộc sống, nuôi mẹ già. Tui cũng không yêu cầu bồi thường tổn thất nào”- chị Mai cho biết. Tấm lòng rộng lượng bao dung của chị Mai khiến những người dự khán đều xúc động, thương cảm người phụ nữ có tấm lòng vị tha.
Cùng ngồi hàng ghế đầu với chị Mai là bà Nguyễn Thị Hai- mẹ của 2 anh em bị cáo Hải và người bị hại Phụng. Bà thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đứa con trai đang đối mặt với án phạt của pháp luật.
Bà Hai phải đi lên gần HĐXX mới nghe trả lời thẩm vấn được, bà không giấu được nỗi đau khi nhắc lại chuyện anh em tương tàn: “Thằng Hải ở An Giang, sau khi bỏ vợ về sống với tui nhiều năm nay. Hai anh em Hải và Phụng ở nhà gần nhau cũng không có mâu thuẫn gì nhiều. Nhà nghèo, không nghề ngỗng gì nên hàng ngày anh em cùng nhau đi làm phụ hồ cho các nhóm thợ. Trước ngày xảy ra vụ án, 2 anh em có cự cãi nhau về chuyện 60.000đ tiền làm công phụ hồ nhưng sau đó cũng làm lành nhau. Chỉ có vậy mà anh em để xảy ra chuyện đau lòng”- bà Hai kể lại vụ việc trong đau xót.
Cha mẹ không gì đau khổ bằng việc chứng kiến cảnh anh em chém giết nhau. Năm nay, bà Hai ngoài 75 tuổi, cuộc sống sau này sẽ càng khó khăn, nhiều người thương bà bao nhiêu thì càng trách Hải vì thiếu kiềm chế trong ăn nhậu mà đẩy gia đình vào cảnh tan thương: em chết, anh vào tù, mẹ già ở tuổi xế chiều không ai chăm sóc.
Giờ nghị án, thấy hoàn cảnh của bà Hai quá thương tâm nên cảnh sát dẫn giải linh động cho bà mẹ già bất hạnh được đến bên con trai, bà nói: “Tội nó chắc là tù nặng lắm, không biết tôi còn sống được đến ngày nó ra tù hay không?” Bà Hai ôm đứa con tội lỗi mà nước mắt giàn giụa trên gương mặt khắc khổ.
“Má ở cái tuổi gần theo ông bà, không biết có còn đủ sức khỏe chờ con ở tù về không? Em con phận mỏng sớm về với ông bà. Dù sao chuyện cũng lỡ rồi, con đừng dằn vặt nữa mà hãy gắng giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt để được tha sớm về với gia đình, cho má còn được gặp mặt con”- bà Hai động viên con.
Kết thúc phiên tòa, Nguyễn Văn Hải bị kết án 18 năm tù tội “Giết người”. Xử xong, bị cáo Hải bị dẫn giải về trại giam trong nước mắt nhạt nhòa của người thân. Bản án của tòa rồi sẽ có ngày kết thúc, nhưng bản án của lương tâm thì sẽ còn day dứt trong Hải đến hết đời. Anh em “khúc ruột trên, khúc ruột dưới”, cùng cha mẹ sinh ra, cùng cảnh nghèo khó, lẽ ra thương nhau chẳng hết mà sao lại nỡ gây ra cảnh tương tàn?