Tổng điều tra kinh tế của Nam Định được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021. Giai đoạn 2 thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 1/7 đến ngày 30/7/2021.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch tổng điều tra kinh tế 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, Sở Nội vụ nghiêm túc bám sát thực hiện kế hoạch và phương án Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
Chủ động bố trí sắp xếp công việc ưu tiên, cần thiết đảm bảo theo đúng kế hoạch Tổng điều tra đã đề ra, tích cực phối hợp đồng bộ, báo cáo, chia sẻ thông tin, đặc biệt là thông tin về đối tượng điều tra, tránh bỏ sót đối tượng.
Bên cạnh đó, nhanh chóng phát hiện những vấn đề nảy sinh, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp để phối hợp, báo cáo tìm cách giải quyết nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra.
Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 là cuộc điều tra lớn, hết sức quan trọng do ngành Thống kê thực hiện thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu.
Tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước GDP; Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020 và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia.
Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo.
Nội dung điều tra bao gồm các nhóm thông tin về nhận dạng đơn vị điều tra; lao động và thu nhập người lao động; thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động; kết quả, chi phí sản xuất, kinh doanh; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.
Ðối tượng điều tra gồm các đơn vị ngành kinh tế trên địa bàn gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; tổ chức phi Chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… Các nhóm thông tin được thu thập theo 22 loại phiếu điều tra, qua hình thức trực tuyến (sử dụng trang web) hoặc phỏng vấn trực tiếp.