Khó khăn từ khâu tiếp nhận nguồn tin
Trong các vụ xâm hại trẻ em vì đối tượng bị xâm hại là trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ kiến thức về xã hội, pháp luật, khi bị xâm hại thường mất cân bằng tâm sinh lý, dễ khủng hoảng về tinh thần, rất ít trường hợp trực tiếp tố giác tội phạm, thế nên “con đường” để nguồn tin đến với cơ quan chức năng thường rất khó khăn.
Mới đây, tại Hội thảo “Góp ý sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em” do VKSNDTC phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) tổ chức, ông Khổng Ngọc Oanh - Đội trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, nguồn tin về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu chuyển đến từ cơ quan công an phường, xã, thị trấn.
Một số trường hợp tố giác qua dịch vụ bưu chính, qua điện thoại hoặc qua các phương tiện thông tin khác đến Viện Kiểm sát, Công an. Đây là những khó khăn khi tiếp nhận nguồn tin.
Minh chứng cho vấn đề này, ông Phạm Trung Trực, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là tỉnh có số dân ít nhưng trung bình mỗi năm có khoảng 10 vụ xâm hại trẻ em, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra gần 10 vụ, nhiều vụ có tính chất phức tạp như đối tượng phạm tội là người thân nạn nhân, phạm tội nhiều lần.
Hầu hết các vụ xảy ra tại tỉnh đều được tập trung điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm này còn nhiều khó khăn, trước hết là do phong tục tập quán, nhận thức của nạn nhân, người nhà nạn nhân không biết thế nào là xâm hại, dâm ô; hoặc do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình họ hàng nên không tố giác tội phạm, khi phát hiện thì hậu quả xảy ra đã rất nặng nề.
Theo đại diện đến từ Bộ Công an, hiện nay lực lượng công an nói chung, đặc biệt là lực lượng công an cấp cơ sở nói riêng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật nên lúng túng trong công tác nhận diện tội phạm, đánh giá tội phạm và thu thập tài liệu thu kiến thức ban đầu.
Trong khi xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm rất nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những đặc trưng riêng. Họ đồng thời cũng thiếu kỹ năng làm việc với nạn nhân, người tố giác tội phạm vì điều này đòi hỏi một phương pháp điều tra thân thiện khi làm việc với trẻ em, đảm bảo những gì tốt nhất cho nạn nhân bị xâm hại.
“Có thể họ làm rất đúng luật nhưng lại áp dụng một cách nguyên tắc, máy móc. Các điều tra viên cần kỹ năng làm việc, chia sẻ thông cảm với nỗi đau của nạn nhân mới không làm tái tổn thương đối với nạn nhân”, ông Oanh cho biết.
“Chìa khóa” để cứu trẻ em
Trước tình trạng trên, để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em, theo chỉ đạo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp với ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện “Sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em” và “Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em”.
Thống kê các vụ xâm hại trẻ em |
Trong các cuốn sổ tay này đã cung cấp nhiều kiến thức là tiền đề, chìa khóa để mở ra giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng và hiệu quả. Cẩm nang sổ tay điều tra quy định chặt chẽ chi tiết công tác ứng phó, quán triệt trách nhiệm của mỗi cán bộ công an; trang bị những kỹ năng và biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho cán bộ công an, cộng đồng dân cư, nhà trường… hướng dẫn trẻ em ứng phó với các tình huống cụ thể; các thủ tục trình tự khi tiếp nhận tin báo, đảm bảo khởi tố nhanh chóng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Qua đó, đảm bảo việc điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em đảm bảo thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, tránh làm tổn thương thêm các em, giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Trung - Điều tra viên Phòng Hình sự, Công an TP Hà Nội, ngoài các nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay dành cho công an và kiểm sát viên, cần bổ sung việc phối hợp giữa cơ quan điều tra và VKSND về khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết thân thể nạn nhân và lời khai nạn nhân. Thực tế, nhiều vụ việc điều tra chậm trễ đã gây khó khăn cho việc khởi tố vụ án. "Cần có quy chế với các cơ quan giám định trong việc trả lời kết quả giám định.
Vì thực tế trong quá trình làm, trưng cầu giám định để có kết quả và quyết định giữ hay không giữ đối tượng, để ra các quyết định tố tụng là rất quan trọng. Thế nhưng có những trường hợp nhanh thì cũng 7 đến 9 ngày, thậm chí cả tháng, cơ quan giám định mới cho kết quả. Thế nên việc lưu giữ đối tượng và áp dụng các biện pháp tố tụng rất khó khăn cho Cơ quan điều tra và VKSND” - ông Lê Việt Trung cho biết.