Người vay trong bản hợp đồng “lấp lửng” trên đã tán gia bại sản vì vướng vụ kiện chưa có hồi kết. Còn cán bộ tư pháp dù bị xác định có sai phạm, nhưng lại thăng tiến tới chức Chủ tịch HĐND thị trấn Ea Knốp.
Hợp đồng khống 1,7 tỷ?
Trong đơn gửi XLPL, ông Nguyễn Ngọc Ninh (SN 1960, ngụ thôn 8, xã Ea Pal, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) trình bày: Năm 2010, do cần vốn làm ăn, ông đã vay của một phụ nữ (ngụ thôn 7, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) 1,4 tỷ đồng. Khi nhận tiền, ông Ninh đã giao cho bà này tổng cộng 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để thế chấp.
Đến khi chủ nợ cần tiền, ông Ninh đã gặp ông Nguyễn Văn Linh (ngụ khối 3B, thị trấn Ea Kar, cùng huyện), nhờ trả nợ thay mình. Ông Linh đã trả đủ số tiền 1,4 tỷ đồng cho người phụ nữ trên và giữ cả 5 cuốn sổ đỏ mà ông Ninh đã thế chấp trước đó.
Theo ông Ninh, chủ nợ mới yêu cầu ông phải viết giấy nợ 1,4 tỷ đồng với mức lãi suất 7 ngàn/triệu/ngày và ký khống vào một số giấy tờ chưa có nội dung. Sau một thời gian, nợ cả gốc lẫn lãi được tính hơn 1,7 tỷ đồng. Hai bên thống nhất lập thành 03 bộ hợp đồng.
Ông Ninh cho biết gia đình ông đã trả hết khoản nợ tại một hợp đồng có giá trị 800 triệu, nhưng chủ nợ không trả lại sổ đỏ mà ông thế chấp trong bản hợp đồng này. Phía chủ nợ yêu cầu phải trả hết các khoản vay trong hai bản hợp đồng còn lại mới giao lại toàn bộ 05 sổ đỏ.
Cũng theo ông Ninh, đến ngày 22/12/2010, chủ nợ đã tự ý lập thêm bản hợp đồng khống số 00163 với nội dung cho ông Ninh vay 1,7 tỷ đồng.
Ông Ninh phản ánh: mặc dù đây là bản hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất có giá trị rất cao, nhưng ông Nguyễn Thanh Hưng (Chủ tịch UBND thị trấn huyện Ea Kar, thời điểm đó là cán bộ tư pháp thị trấn Ea Knốp) đã chứng thực mà không có mặt bên vay, dẫn đến hệ lụy rắc rối sau này.
Ngày 4/5/2011, ông Ninh bị chủ nợ kiện ra tòa, yêu cầuphải trả tổng cộng 2,6 tỷ đồng. Đến ngày 13/12/2011, TAND huyện Ea Kar mở phiên sơ thẩm xét xử vụ “kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Linh, bị đơn ông Ninh.
Tại tòa, ông Ninh chỉ thừa nhận còn nợ 900 triệu, còn cho rằng 1,7 tỷ trong bản hợp đồng 00163 là vu khống.
Ông Ninh cho biết: “Trước tôi nợ ông Linh 1,7 tỷ là có thật. Thế nhưng sau đó tôi đã trả được 800 triệu và còn nợ lại 900 triệu. Riêng số tiền 1,7 tỷ trong bản hợp đồng 00163 là hoàn toàn sai sự thật. Bởi lẽ, khi ông Linh ra UBND thị trấn Ea Knốp chứng thực khi không có mặt tôi. Toàn bộ các trang của hợp đồng này không có chữ ký nháy của hai bên vay và cho vay”.
Ông nói thêm: “Trong ngày 22/12/2010, tức ngày ký và chứng thực hợp đồng 00163, tôi cùng người thân của ông Linh lên TP.Buôn Ma Thuột từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà. Việc này tôi có đầy đủ người làm chứng”.
Dù bị đơn một mực phủ nhận khoản nợ 1,7 tỷ trong bản hợp đồng 00163, nhưng tòa án huyện Ea Kar vẫn chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc phía bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn gần 3 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.
Không đồng ý với phán quyết của cấp sơ thẩm, ông Ninh đã kháng cáo lên tòa tỉnh. Ngày 4/4/2012, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án dân sự nói trên ra xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm.
Trắng tay, gia đình ly tán
Cho rằng mình bị oan, ông Ninh tiếp tục kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, đồng thời tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ tư pháp thị trấn đã chứng thực vào bản hợp đồng 00163 đến CQĐT Công an huyện Ea Kar.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Ninh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Eakar đã vào cuộc xác minh và có công văn số 674/CV ngày 11/9/2012 làm rõ vấn đề này.
Công văn thể hiện, ông Hưng đã xác nhận khi lập hợp đồng số 00163 mà không có mặt vợ chồng ông Ninh. Việc chứng thực của ông Hưng đã vi phạm thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP/BTNMT ngày 13/6/2006 về việc hướng dẫn công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, CQĐT xác định ông Hưng đã vi phạm hành chính và gửi văn bản đề nghị Đảng ủy, UBND thị trấn Ea Knốp xử lý cán bộ này theo quy định.
Ông Ninh không rõ sau đó ông Hưng bị xử lý như thế nào, nhưng nguyên cán bộ tử pháp này hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐND của thị trấn.
Còn ông Ninh, sau khi thua kiện đã bị cưỡng chế thi hành án toàn bộ tài sản, nay vợ chồng, con cái ly tán mỗi người một nơi.
Sau hơn hai năm ròng rã kêu oan, đến ngày 16/9/2014, TAND Tối cao tại Hà Nội đã có Kháng nghị số 340/2014/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm ngày 4/4/2012 của TAND tỉnh Đắk Lắk về vụ việc của ông Ninh.
Nội dung kháng nghị thể hiện bản hợp đồng 00163 có 4 trang theo mẫu đánh chữ trước rồi điền vào khoảng trống. Hai bên chỉ ký ở trang thứ 4 còn 3 trang đầu không ký tên, trong đó, nội dung vay tiền lại thể hiện ở trang thứ 2. Hợp đồng dù có chứng thực nhưng không có dấu giáp lai giữa các trang.
Bên cạnh đó, vào ngày 23/4/2012, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên cán bộ tư pháp thị trấn Ea Knốp thừa nhận, khi ông chứng thực hợp đồng 00163 không có mặt của vợ chồng ông Ninh (tức bên vay). Bởi vậy, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xác định ông Ninh vay 1,7 tỷ của nguyên đơn là chưa đủ cơ sở.
Từ những lý lẽ trên, TAND Tối cao quyết định kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, Kháng nghị cũng tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm nói trên cho đến khi có quyết định Giám đốc thẩm.
Tới ngày 16/4/2015, Tòa dân sự TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao, quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, giao hồ sơ cho TAND huyện Ea Kar xét xử lại.
Tuy nhiên, đến nay vụ kiện này đã bị đình chỉ, vì phía nguyên đơn (ông Linh) đã rút tiền tạm ứng án phí về.
Ông Ninh chia sẻ: “Tôi khẳng định bản hợp đồng 1,7 tỷ kia hoàn toàn là giả mạo. Chính vì bản hợp đồng không có thực này mà tôi đã trắng tay, mất hết nhà cửa, vườn tược. Những năm qua, gia đình tôi phải ly tán mỗi người một nơi, ăn nhờ ở đậu, làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống”.
Ông cho biết, hiện TAND Tối cao đã hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm về vụ việc của ông để giao cho tòa huyện xét xử lại. Ông mong các cơ quan thực thi pháp luật làm việc công minh, chính trực, nhanh chóng giải quyết để trả quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.