Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục mà Bộ GD &ĐT vừa công bố rộng rãi vào đầu tháng 11/2010, thì phần tiêu ngữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập- Tự do – Hạnh phúc” sẽ bị bỏ. Việc thay đổi nội dung trên đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Nội dung của Điều 9 của Quy chế VBCC của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 được đăng trên website Sở GD&ĐT Bến Tre.
Bỏ tiêu ngữ trên văn bằng, chứng chỉ
Theo qui chế hiện hành, nội dung của văn bằng chứng chỉ gồm 7 phần, trong đó Tiêu ngữ là phần bắt buộc đầu tiên trên bất kỳ văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, tính từ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho đến bằng tiến sỹ.
Tuy nhiên, tại Điều 9 của dự thảo mà Bộ GD &ĐT đăng tải lên mạng internet mới đây để xin ý kiến, nội dung văn bằng, chứng chỉ đã rút xuống chỉ còn 5, gồm: Tên văn bằng, chứng chỉ; Tên của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ; Họ, tên, chữ sổ cấp văn bằng, chứng chỉ; Địa danh (tỉnh, thành phố nơi cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đặt trụ sở chính), ngày tháng năm cấp văn bằng, chứng chỉ; tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ và đệm; ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ; Số vào đóng dấu theo quy định.
Như vậy, việc rút gọn lại còn 5 nội dung trong dư thảo thông tư thì phần tiêu ngữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, trên tất cả các văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ “biến mất”.
“Văn”- “Ngôn”: Trái khoáy!
Do trong các quy định hiện hành, việc bỏ tiêu ngữ các quy định nói trên chưa được đề cập nên sau khi dự thảo được Bộ GD & ĐT công bố rộng rãi, có nhiều ý kiến góp ý, trong đó không thiếu những ý kiến phản đối về những thay đổi này của cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, thực tế việc bỏ tiêu ngữ đã “rộ” lên vài tháng trước khi Bộ GD & ĐT đã từng cho in hàng vạn phôi bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chỉ có dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mà không có dòng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Thời điểm đó, việc làm của Bộ đã khiến không ít trường ngỡ ngàng, la ó, thậm chí có trường nhầm tưởng Bộ mắc lỗi in ấn. Nhưng không phải nhầm. Sau đó, đại diện của Bộ đã giải thích với báo chí việc bỏ tiêu ngữ là có chủ định: “Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính.
Vì vậy, mẫu bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chín”h.
Trước phản ứng từ dư luận, ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) giải thích quy chế về văn bằng chứng chỉ hiện hành có một số chi tiết cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập.
Nhưng ông Thanh lại có cách giải thích không rõ ràng, thậm chí là ngược: “Không có và không thể có bất cứ chủ trương và ý kiến nào đề nghị bỏ đi phần tiêu ngữ: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" trên mẫu VBCC, vì nó là yếu tố bắt buộc trong thể thức văn bằng, thể hiện sự trang trọng về văn bằng chứng chỉ của Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Dòng chữ này đã được quy định trong các thông tư quy định về từng loại mẫu của từng loại văn bằng và chứng chỉ. Quy định này đang và sẽ tiếp tục có hiệu lực”.
Sau trả lời này, dư luận càng tỏ ra hoài nghi quan điểm các cá nhân trong cơ quan soạn thảo, bởi dự thảo đã trình xin góp ý một đằng, vị trưởng đơn vị chắp bút soạn thảo dự thảo thông tư lại đi giải thích một nẻo. Người góp ý “tá hỏa” chẳng biết tin vào đâu để mà đóng góp ý kiến? Trả lời của ông Thanh, làm nhiều người nghi ngờ không biết ông Thanh ông có phải là người tham gia trong nhóm soạn thảo hay không và ông đã đọc qua bản dự thảo đăng trên trang web của bộ mình hay chưa?
Như vậy, có thể thấy, nếu như các qui định hiện tại đã và sẽ có hiệu lực, không có chủ trương thay đổi ( có đầy đủ hai dòng tiêu ngữ như lời ông Thanh nói) thì tại sao chính Bộ lại tự ý thay đổi ( chỉ còn dòng “Cộng hòa...”) trong quá trình in ấn phôi bằng? Và trên dự thảo Thông tư công bố trên website của Bộ GD &ĐT cũng đã bỏ dòng tiêu ngữ này một cách có chủ ý . Để tìm hiểu, phóng viên đã liên lạc một cán bộ khác của Bộ , vị này lại nói: “phóng viên hỏi câu này thật khó trả lời vì đây là chuyện nhạy cảm. Phóng viên cứ tham khảo câu trả lời anh Thanh cho chuẩn!”.
Một dự thảo muốn được góp ý phải rõ ràng, thống nhất. Với sự bất nhất trong “văn’ và “ngôn” của Bộ GD & ĐT như trên, khiến người dân không biết sẽ đóng góp như thế nào cho trúng?
Hiện nay, việc in phôi bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang thực hiện trên cơ sở quy định tại Thông tư số 21/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mẫu bằng tốt nghiệp cao đẳng, và Thông tư số 22/2009/TT-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong các quy định này, việc bỏ tiêu ngữ các quy định nói trên chưa được đề cập.
Nhóm PV