Sau khi Báo PLVN số 81 ra ngày 21/3/2012 phản ánh việc một tổ công tác của huyện Mù Cang Chải (gồm đại diện Hạt Kiểm lâm, Ban chỉ huy quân sự, UBND huyện và một số ban ngành khác) thu hồi trái pháp luật máy móc và hơn 11 tấn gỗ Pơmu của một doanh nghiệp trên địa bàn xã Nậm Có, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng vào cuộc giải quyết. Kết quả, UBND huyện Mù Cang Chải đã chấp nhận bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngày 15/5 vừa qua, sau khi làm việc với bên bị thu hồi tài sản là Cty Duyên Thuận, Chủ tịch UBND huyện Giàng A Tông đã có biên bản thống nhất huyện sẽ trả lại cho doanh nghiệp gỗ và thiết bị máy móc đã tạm giữ sau khi đã bảo dưỡng đảm bảo vận hành được; đồng thời huyện hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí là 50 triệu đồng.
Đây được coi là sự thừa nhận sai phạm của hành vi thu hồi 18 máy chế biến lâm sản và hơn 11 tấn gỗ Pơmu của doanh nghiệp Duyên Thuận vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Duyên, đại diện Cty Duyên Thuận cho biết, số tiền 50 triệu đồng mà UBND gọi là “hỗ trợ” không đủ bù đắp cho những gì doanh nghiệp của bà thiệt hại.
“Kể từ khi chính quyền thu hồi máy móc, doanh nghiệp của chúng tôi phải ngừng hoạt động. Thiệt hại ước chừng 1 tỷ đồng, do phải chịu lãi suất ngân hàng, hàng tháng vẫn phải trả lương cho công nhân, các đơn hàng không được thực hiện, mất thu nhập... Tôi sẽ bản kê chi tiết và đề nghị UBND huyện bồi thường đúng thiệt hại do UBND huyện đã gây ra” - bà Duyên nói.
Vào tháng 12/2011, khi tổ công tác thu giữ tài sản của Cty Duyên Thuận, bà Duyên khẳng định gỗ có nguồn gốc hợp pháp và xin được xuất trình giấy tờ chứng minh, nhưng đoàn công tác không cho. Nguyên nhân bị thu hồi là do “nhận được tin tố giác Cty này vẫn lén lút mua gỗ, cành, ngọn Pơmu chở vào xưởng chế biến” và tổ công tác cho rằng việc làm đó của Cty là vi phạm Công văn 56/UBND-KL do chủ tịch UBND huyện Giàng A Tông ban hành ngày 31/3/2011 có nội dung yêu cầu các Cty, doanh nghiệp, HTX và các xưởng chế biến gỗ, cành, ngọn Pơmu phải dừng ngay việc sản xuất, chế biến, thu mua gỗ nói chung, cành ngọn Pơmu nói riêng.
Cũng ngay sau khi PLVN phản ánh, Văn bản 56 nói trên đã bị Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái "tuýt còi" bằng Văn bản số 107/STP-KTrVBQPPL ngày 05/4/2012. Trong đó, nêu rõ: "Công văn số 56/UBND-KL là văn bản hành chính nhưng đã đưa ra nội dung quy định quy phạm pháp luật cấm đoán, bắt buộc đối với công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các xưởng chế biến có hoạt động thu mua, sản xuất, chế biến gỗ nói chung và cành ngọn Pơmu nói riêng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Nội dung này đã vi phạm thẩm quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 1uật mật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004, Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 3/12/2004…
Công văn hành chính không được quy định các quy phạm pháp luật như đã viện dẫn" và kết luận "Như vậy, căn cứ vào Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2004 của Chính phủ thì Công văn số 56/UBND-KL phải bị đình chỉ thi hành và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật".
Đến nay, dù doanh nghiệp đã được “minh oan” nhưng dư luận vẫn cho rằng việc sửa sai của UBND huyện Mù Cang Chải là quá chậm, gây nhiều thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp. Thực tế, chỉ sau khi báo chí phản ánh thì các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái mới vào cuộc và chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Thanh Quý