Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ bảo vệ rừng đánh dân

Năm bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
Năm bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
(PLO) -Sáng ngày 27/12, TAND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 nhân viên bảo vệ rừng về tội “hủy hoại tài sản”.  

Ngang ngược trói, đánh, phá tài sản của dân 

Trước đó, liên tiếp vào ngày 26, 27/2, nhóm nhân viên bảo vệ rừng ngập mặn Long Thành đến chòi nuôi tôm của gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (SN 1982, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) ở khu vực Tắc Hông thuộc sông Thị Vải đoạn qua ấp Bà Trường để ngăn chặn “thi công công trình trái phép”. Tuy nhiên, nhóm bảo vệ đã lạm quyền, tiến hành bắt trói, đánh người và hủy hoại tài sản của gia đình chị Ngọc. 

Sau đó, 5 nhân viên bảo vệ bị truy tố gồm Phạm Văn Ẩn (SN 1962, nhân viên), Phạm Đức Tú (SN 1988, nhân viên), Lê Văn Lang (SN 1964, trưởng trạm Long Thọ), Trương Văn Lớn (SN 1969, đội phó) và Lê Ngọc Tuân (SN 1986, nhân viên) về tội “hủy hoại tài sản”.

Theo cáo trạng, bà Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng, nuôi trồng thủy sản và có sự đồng ý của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành. Vào khoảng 13h30, ngày 26/2, khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bêtông cốt thép gần 20m2, lực lượng bảo vệ rừng do ông Trần Văn Tròn (đội trưởng đội bảo vệ) làm chỉ huy đã điều động 10 nhân viên khác đến ngăn chặn, không cho xây dựng trái phép.

Nhóm nhân viên đi vào trong chòi của bà Ngọc để mời 3 thợ xây về trụ sở UBND xã Phước An làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (SN 1948, cha bà Ngọc) ngăn cản. Thấy vậy, Lang và hai nhân viên khác đã khống chế bắt trói ông Ni lại. Ông Tròn cùng một nhân viên đi vào trong chòi thì xảy ra xô xát làm bà Ngọc bị thương nhẹ.

Vợ chồng bà Ngọc
Vợ chồng bà Ngọc 

Các bị cáo Ẩn, Tú, Lang, Lớn và Tuân tiến hành ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đùng tôm làm hư hỏng hoàn toàn. Tiếp đến, vào sáng ngày 27/2, nhóm bảo vệ này quay lại chòi tôm của bà Ngọc tháo gỡ, quăng 4 khung sắt làm cột công trình xuống đùng tôm.

VKS cho rằng hành vi ném 40 bao xi măng xuống đùng tôm của 5 bị cáo, cùng với những chứng cứ lời khai nên có cơ sở để khởi tố. Đối với 4 khung sắt do định giá thiệt hại dưới 2 triệu đồng nên không xử lý hình sự.

Ngoài ra, những tố cáo của bà Ngọc như bị đánh, trói, do giám định không có thương tích nên không khởi tố. Bà Ngọc còn khai rằng bị ông Tròn quăng 2 chiếc điện thoại xuống đùng tôm, tại công trình còn có hàng chục tấm ván ép, một bức tường bị nhân viên bảo vệ xô ngã. Nhưng VKS cho rằng ông Tròn và nhóm nhân viên không thừa nhận nên không có cơ sở để khởi tố. Riêng đối với hành vi bắt trói người, do hết hạn điều tra nên đình chỉ, tách ra xử lý sau.

Tại tòa, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi một cách nhanh chóng, cho rằng hành vi của mình là do tự phát chứ không có ai chỉ đạo.

Bị hại là bà Ngọc chỉ đích danh ông Tròn là người ra lệnh cho nhóm nhân viên bảo “bắt trói, đánh, phá hủy tài sản” của mình. “Ông Tròn vừa đến đã ra lệnh cho nhóm thực hiện, riêng ông Tròn khi thấy tôi giơ điện thoại lên để quay phim, chụp hình thì tiến tới giật lấy.

Rất nhiều bàn tay đè tôi xuống đất để giật điện thoại. Có ít nhất 4 người, tôi chụp được cổ áo người giật điện thoại thì nghe ông Tròn nói “quăng xuống đùng tôm rồi”. Thấy cha tôi cầm điện thoại, họ cũng xông đến giật và quăng xuống sông”, bà Ngọc kể.

Còn ông Ni khai: “Bữa đó rất kinh hoàng. Tôi già rồi mà họ đè xuống, ba người ôm, vật xuống đất cho một người lấy dây trói tôi lại và quăng tôi xuống ghe. Còn con tôi thì bị 4 người vây đánh. Trong 4 người, có 3 người dùng dùi cui đánh con tôi”.

Bà Ngọc cho rằng hoạt động bắt trói, đánh bà, ông Ni và nhóm khác tiến hành ném xi măng xuống đùng tôm diễn ra liên tục. “Nếu chỉ có 5 người này bị truy tố thì tôi cho rằng chưa đủ, chưa đúng. Còn nhiều người khác tham gia. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng không làm thì thôi, đã làm phải làm cho đúng, cho đủ”, bà Ngọc nói.

Dấu hiệu lọt người, lọt tội.

Ở phần xét hỏi, các bị cáo thừa nhận nhiệm vụ của mình chỉ là bảo vệ hiện trường, ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép, lập biên bản để cơ quan chức năng xử lý. Bị cáo Lớn khai: “Nhân viên bảo vệ không có chức năng nhiệm vụ mời, cưỡng chế nhóm thợ xây về trụ sở công an xã. Do nôn nóng trong thi hành công vụ nên vi phạm pháp luật”.

Bà Ngọc cho biết, mỗi lần nhân viên bảo vệ đến bà đều yêu cầu lập biên bản nói rõ mình đã vi phạm chỗ nào để có hướng khắc phục nhưng “họ chỉ chửi bới, dọa đánh, dọa bắt chứ không lập biên bản. Bản thân tôi đã đến lâm trường yêu cầu làm rõ sự việc nhưng bị đuổi ra ngoài, không tiếp”.

Tại tòa, đại diện cho Ban giám đốc lâm trường và ông Tròn xác nhận sau khi tiếp nhận thông tin bà Ngọc xây dựng trái phép đã báo cáo cho lãnh đạo. Phía lãnh đạo có văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho 11 người, trong đó ông Tròn là đội trưởng làm chỉ huy ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm nhân viên bảo vệ đã “lạm quyền” tiến hành đập phá tài sản, bắt trói, đánh người. Ban giám đốc và ông Tròn xin lỗi bà Ngọc về hành vi của nhóm nhân viên bảo vệ. Ban giám đốc và ông Tròn cho biết lực lượng bảo vệ chỉ có nhiệm vụ giữ nguyên hiện trường, ngăn cản không cho xây dựng, còn những hành vi khác là không được phép.

Hiện trường xảy ra sự việc
Hiện trường xảy ra sự việc

Ở phần luận tội, VKS cho rằng hành vi của các bị cáo là cần xử lý nghiêm răn đe để giáo dục với những cán bộ công chức hiểu biết pháp luật nhưng “lạm quyền”. “Tuy nhiên, xét thấy vụ việc không nghiêm trọng, các bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, quá trình công tác chưa bị xử lý, kỷ luật, thân nhân tốt nên không cần phải cách ly với cộng đồng. Vì thế, VKS đề nghị HĐXX tuyên án treo đối với các bị cáo”, đại diện VKS nói.

Tuy nhiên, LS Nguyễn Kiều Hưng, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại trong phần xét hỏi và tranh luận đã đưa ra nhiều bút lục, ghi âm, hình ảnh cho thấy các bị cáo không hề thực hiện hành vi một cách tự phát và được chỉ đạo từ người khác.

Trong cáo trạng, VKS chưa làm rõ được động cơ gây án, còn bỏ lọt những đồng phạm khác và người cầm đầu. Cụ thể trong đoạn ghi âm có giọng của ông Tròn chỉ đạo nhân viên bắt trói, đánh và phá hủy tài sản của bà Ngọc. Đoạn ghi âm cũng cho thấy ông Tròn là người ném hai chiếc điện thoại của bà Ngọc xuống đùng tôm.

LS Hưng tranh luận: “Việc đưa người chỉ huy là ông Tròn ra khỏi cáo trạng, trở thành người vô can trong vụ án là bỏ lọt người, lọt tội. Ngoài ra, cùng một chuỗi hành vi, đánh, trói, phá hủy tài sản diễn ra liên tục, được thực hiện bởi một nhóm người, tại sao lại được tách riêng từng vụ án. Đó là sự vô lý, vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Có tới 11 người ở ngay hiện trường, 5 bị cáo thực hiện hành vi phạm tội tại sao không ai ngăn cản.

Ông Tròn là chỉ huy, khi phát hiện hành vi phạm tội cũng không chỉ đạo ngừng khiến sáng hôm sau (sáng ngày 27/2) việc hủy hoại tài sản diễn ra thêm một lần nữa. Vai trò của ông Tròn là gì, ông Sơn (trưởng phòng bảo vệ) là như thế nào. Cáo trạng và ngay phiên tòa, VKS không đề cập tới. Tôi đề nghị, HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung”.

Ngoài ra, việc không triệu tập nhân chứng là 3 thợ xây làm ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi, thẩm vấn chứng cứ, diễn biến sự việc tại tòa. Quá trình điều tra bỏ lọt nhiều đối tượng phạm tội khác. Vì thế luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị trả hồ sơ.

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không nêu rõ bổ sung cái gì, tình tiết nào.

Trước đó, như PLVN đã phản ánh, bà Ngọc là hộ nuôi tôm rừng ngập mặn sông Thị Vải. Do nạn hút cát trái phép khiến thủy sản bị chết gây thiệt hại, bà Ngọc cùng nhiều hộ dân đứng đơn tố cáo.

Nhiều lần bà Ngọc bắt quả tang tàu hút cát, báo cáo lực lượng bảo vệ, công an nhưng khi đến những cơ quan này không lập biên bản mà yêu cầu bà Ngọc thả tàu hút cát đi. Bà không đồng ý thì bị lập biên bản về hành vi chống người thi hành công vụ. Ở phiên tòa, bà Ngọc cho biết xuất phát từ việc tố cáo dẫn đến sự thù ghét của lực lượng bảo vệ lâm trường. 

Sau khi bà Ngọc tố cáo bị nhân viên bảo vệ lâm trường trói, đánh, hủy hoại tài sản, ngày 19/4, cơ quan chức năng mời bà lên làm việc nhưng lại bắt giam và khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Bà Ngọc bị tạm giam 4 ngày. Đến ngày, 24/4, VKS huyện Nhơn Trạch khẳng định bà Ngọc bị khởi tố, bắt giam oan nên tiến hành đình chỉ, công khai xin lỗi.

Trong việc khởi tố, bắt giam oan bà Ngọc, cơ quan chức năng Đồng Nai đã kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Chí Hà (Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Nhơn Trạch) và ông Phạm Hùng Chinh (kiểm sát viên).

Đồng thời cách chức đối với thượng tá Trương Quốc Hiếu - Phó Trưởng Công an huyện Nhơn Trạch và thiếu tá Nguyễn Văn Sơn - Đội phó đội điều tra tổng hợp Công an huyện Nhơn Trạch. Lý do là những cá nhân này đã ra quyết định, phê chuẩn bắt giam bà Ngọc không đúng pháp luật.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.