Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, đối chiếu với các quy định hiện hành tại Nghị quyết số 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, các khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức đã đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại I theo quy định.
Đơn cử như trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 48,51/60,00 điểm; Quy mô dân số đạt 6,69/8,00 điểm; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6,00/6,00 điểm...
Hiện nay, UBND TP HCM đang tiến hành lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung TP HCM (theo Công văn số 136 ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đồng ý điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP HCM) và đồ án Quy hoạch thành phố Thủ Đức, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND TP HCM cho rằng, để đảm bảo tiến độ trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, việc thực hiện song song đồ án quy hoạch TP Thủ Đức và nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung TP HCM là phù hợp.
Cạnh đó, về Chương trình phát triển đô thị, UBND TP HCM đã giao các cơ quan có liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập Chương trình phát triển đô thị TP HCM giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050; song hành với việc lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM và Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức.
Dự kiến Chương trình phát triển đô thị TP Thủ Đức sẽ hoàn thành cùng với quy hoạch TP Thủ Đức trong năm 2021. Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM và Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP HCM sẽ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thành phố và TP Thủ Đức.
Bên cạnh các báo cáo nói trên, UBND TP HCM nhận thấy, Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 653/2019 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với các huyện chưa đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1211/2016, còn đối với các quận là cấp đơn vị hành chính tương đương thì chưa quy định.
Do vậy, UBND TP HCM kiến nghị với Thủ tướng chấp thuận cho Thành phố được áp dụng Khoản 1, Điều 3 về quy định một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Nghị quyết số 653/2019 để thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND TP HCM lập Báo cáo rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I, đảm bảo tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016 về phân loại đô thị, trình Bộ Xây dựng thẩm định để làm cơ sở thành lập thành phố Thủ Đức.
Sau khi Đề án thành lập TP Thủ Đức được cơ quan có thẩm quyền thông qua và TP HCM có đầy đủ các căn cứ pháp lý về quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, UBND TP HCM sẽ triển khai lập Đề án đánh giá phân loại đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016 để trình cấp thẩm quyền chính thức công nhận TP Thủ Đức thuộc TP HCM đạt tiêu chí đô thị loại I.
Theo Đề án của UBND TP HCM, khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, sau khi thành lập có diện tích hơn 21 l,5km2, dân số hơn 1,5 triệu người (bao gồm cả dân số quy đổi). Đây sẽ là hạt nhân dẫn đầu phát triển kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố và vùng Đông Nam bộ.
Dự kiến khu vực thành lập thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.