Nhiều nguyên nhân “gây khó”
Theo kế hoạch TP HCM đưa ra, đến cuối năm nay, thành phố sẽ hoàn tất việc cung cấp nước sạch cho tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Để làm được điều này, kế hoạch được UBND thành phố đề ra trong năm 2016 này là phát triển khoảng 1.282km mạng lưới ống, lắp đặt 128 đồng hồ tổng, nâng cấp và mở rộng 21 trạm cấp nước, lắp đặt thêm 433 bồn chứa nước và lắp 1.193 thiết bị lọc nước hộ gia đình. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, các đơn vị quản lý phải hoàn thành việc cấp nước cho 136.000 hộ dân.
Thực tế, trước tháng 11, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch toàn thành phố đến nay đạt khoảng 89,45%. Vừa mới đây, quận Bình Tân đã công bố đã hoàn tất việc cung cấp nước sạch trên địa bàn quận, nâng tỉ lệ chung lên khả quan hơn.
Trong năm 2016, quận Bình Tân đã phát triển thêm mạng lưới đường ống cấp nước với gần 21.000m và gắn đồng hồ nước cho 5.500 hộ dân đạt 100% tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch trên địa bàn quận. Cạnh đó, lãnh đạo quận cũng cho biết đã giao nhiệm vụ các đơn vị cấp nước khắc phục câu chuyện nước yếu mà người dân phản ánh thời gian qua. Theo cam kết của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), trong quý I năm 2017, đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường ống cấp 2 làm tăng áp lực nước cho người dân sử dụng tốt hơn.
Tuy nhiên, cản trở của kế hoạch “100% nước sạch” là hiện nay nhiều quận, huyện trên địa bàn TP vẫn tồn tại tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành. Theo thống kê cho thấy, một số quận, huyện thiếu nước sạch nghiêm trọng phải kể đến huyện Bình Chánh (52% nước sạch), huyện Hóc Môn (54,9% nước sạch), huyện Củ Chi (52,7%). Tại quận 12, tình hình được đánh giá khá nghiêm trọng với 76.600/124.800 hộ chưa được cấp nước sạch. Theo kế hoạch, quận 12 và Bình Tân cam kết hoàn thành vào ngày 30/10; Hóc Môn ngày 30/11; Bình Chánh và Củ Chi ngày 5/12/2016.
Cạnh đó, vẫn còn tồn tại tình trạng một số khu vực nằm trong diện đã cung cấp nước sạch những vẫn “kêu trời” với tình trạng nước bẩn. Hồi giữa năm, nhiều hộ dân ở quận 9, TP HCM phản ánh tình trạng nước máy có màu vàng đục và nặng mùi, tình trạng này kéo dài cả tuần mới hết. Tương tự, mới đây, tình trạng nước đổ vàng đục, bốc mùi lại xảy ra với một số hộ dân phường Phú Thọ Hòa, Tân Phú và một số hộ ở quận Tân Bình.
Ngoài ra, một khó khăn khác cản trở kế hoạch nước sạch của thành phố ở phía người dân được ông Trương Khắc Hoành - Tổng Giám đốc Cty CP Cấp nước Sài Gòn chia sẻ, trên 4.000 hộ ở vùng ven chưa được lắp đồng hồ nước vì… không tìm ra chủ nhà. Nhân viên đơn vị cấp nước đến nhiều lần nhưng không tiếp cận được vì chủ nhà đi vắng, mất liên lạc…
Thói quen dùng nước bẩn chung với nước sạch
Một tình trạng tồn tại phổ biến, khó khắc phục với người dân nội và ngoại thành TP HCM là thói quen sử dụng nước giếng khoan. Từ vài chục năm nay, nước từ giếng khoan đã trở thành một nguồn nước quen thuộc với người dân. Nhất là ở những khu vực ngoại thành, nơi nước sạch chưa đến được. Tuy nhiên, đến nay, khi nước sạch đã phủ đến 90% số hộ dân trên địa bàn thành phố thì giếng khoan vẫn tồn tại như một thói quen, từ sự thiếu nhận thức của người dân. Theo khuyến cáo của Sở Y tế, trong nước giếng khoan, nguồn nước chưa qua xử lý lấy trực tiếp từ đất chứa nhiều tác nhân gây hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng: Thạch tín gây ung thư, thủy ngân tác động xấu đến thận và hệ thần kinh, nhôm làm tăng lão hóa, xyanua gây tổn thương phổi và gây các bệnh về da. Trên thực tế, có không ít khu vực người dân thường sử dụng giếng khoan nhiễm bẩn thường xuyên gặp các bệnh về da, tiêu chảy…
Theo thống kê, mỗi ngày vẫn có khoảng 600.000m3 khối nước ngầm được người dân ở các quận, huyện của thành phố khai thác và sử dụng. Với nhiều quận, huyện ngoại thành, vì nước sạch không đến hoặc tiết kiệm chi phí nước, từ nhiều năm nay các hộ dân vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt. Trong khu vực ngoại thành, ngay cả những quận trung tâm mà nước sạch đã được cung cấp từ nhiều năm nay thì vẫn tồn tại tình trạng sử dụng giếng khoan. Nhiều hộ dân sử dụng song song cả nguồn nước máy lẫn giếng khoan để tiết kiệm. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất và chủ các nhà trọ, để tiết kiệm chi phí đầu vào, hầu hết vẫn sử dụng nước giếng khoan phục vụ việc kinh doanh. Một khảo sát nhỏ trên địa bàn TP HCM cho thấy, có đến hơn 50% cư dân ngoại tỉnh đang sinh sống tại các khu nhà trọ đều đang sử dụng nước giếng, nghĩa là nguồn nước không sạch trong khu nước sạch.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa để TP HCM hoàn tất mục tiêu 100% nước sạch trên toàn địa bàn thành phố. Tuy nhiên, câu chuyện nước sạch không chỉ nằm trên những tỉ lệ đẹp. Bởi ngay cả khi tỉ lệ 100% đã được hoàn tất, cũng không có nghĩa là toàn bộ người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố đã sử dụng được nước sạch trong đời sống hàng ngày. Vì thế, câu chuyện nước sạch ở TP HCM còn là một câu chuyện dài đòi hỏi những kế hoạch sâu sát và bền vững hơn nữa…